Osama bin Laden và al-Qaeda: Nơi khởi nguồn của một dòng họ

05/05/2011 00:22 GMT+7

Là thành viên của một trong những gia đình giàu có nhất Ả Rập Xê Út và từng có quan hệ với Mỹ, Osama bin Laden đã thành lập tổ chức khủng bố al-Qaeda để chống lại Mỹ và các đồng minh. Thanh Niên xin giới thiệu loạt tư liệu nhiều kỳ về dòng họ bin Laden và Osama bin Laden từ khi còn là một cậu bé tới lúc trở thành kẻ thù số 1 của Mỹ và cuối cùng bị bắn chết.

Làng Gharn Bashireih nằm trong thung lũng Wadi Rakiyah ở vùng Hadhramawt (miền trung Yemen ngày nay) là nơi dòng họ bin Laden thuộc bộ tộc Kendah hùng mạnh sống từ hàng trăm năm trước. Đến giữa thế kỷ 19, bộ tộc Kendah suy yếu và khoảng 500 thành viên dòng họ bin Laden sống rải rác trong một vùng đất rộng lớn ở Wadi Rakiyah.

Thuở cơ hàn

Câu chuyện về gia đình trực hệ của Osama bin Laden bắt đầu vào nửa cuối thế kỷ 19. Sau khi làm chết một con bò cày mượn từ địa chủ, Awadh Aboud bin Laden - ông nội của Osama - đã bỏ làng, tới định cư ở thung lũng Wadi Doan cũng thuộc vùng Hadhramawt. Awadh chết sớm nhưng cũng kịp sinh 3 con trai và 3 con gái, trong đó người con trưởng là Mohamed, tức cha của Osama bin Laden sau này.

Theo cuốn Bin Laden: Một gia đình Ả Rập trong thế kỷ Mỹ (The Bin Ladens: An Arabian Family in the American Century của Steve Coll, xuất bản năm 2008), Mohamed sinh năm 1905. Khi chưa đầy 12 tuổi, Mohamed đã bôn ba qua tận Ethiopia để lao động trong những công trường xây dựng và lò gạch. Một tai nạn trên công trường (có tài liệu nói là bị chủ đánh) đã cướp đi một con mắt của Mohamed từ thời niên thiếu.

Thương tật từ thuở nhỏ, nhưng Mohamed vẫn tiếp tục đi tìm cơ hội vươn lên. Năm 1925, chàng trai 20 tuổi lại rời làng để tới thành phố cảng Jeddah bên bờ Hồng Hải. Tại đây, gã thanh niên vô gia cư đã nhìn thấy cơ hội làm giàu từ các dòng người cập thuyền vào Jeddah để đến thánh địa Mecca. Sau thời gian bán hoa quả, Mohamed đã lập một đội thầu xây dựng nho nhỏ. Nhưng rồi, cuộc khủng hoảng kinh tế thập niên 1930 đã khiến Mohamed trắng tay. Ông bèn rời Jeddah để tiến sang miền trung và miền đông bán đảo Ả Rập.

Năm 1932, vua Abdul-Aziz bin Saud sáp nhập 2 vương quốc Hejaz và Nejd để lập nên Ả Rập Xê Út với quy mô như ngày nay. Giai đoạn này, người Mỹ cũng bắt đầu quan tâm tới tiềm năng dầu lửa của quốc gia nằm trên bán đảo Ả Rập. Đấy cũng là lúc cơ hội đến với Mohamed, để từ đó ông ta lập nên tập đoàn Bin Laden khổng lồ.


Osama bin Laden cùng một số thành viên trong gia đình bin Laden và người dân ở thành phố Falun trong chuyến thăm Thụy Điển năm 1971 - Ảnh: The Sun
 

Trỗi dậy nhờ người Mỹ

Giai đoạn sau Thế chiến 1 và trước Thế chiến 2, các công ty Mỹ bắt đầu sục sạo khắp Trung Đông tìm nguồn dầu lửa và kết quả là Công ty SOCAL đã đàm phán với vua Abdul-Aziz để thành lập Liên doanh dầu lửa Ả Rập - Mỹ (ARAMCO). Vua Abdul-Aziz, lúc bấy giờ rất cần tiền để mua sắm xe cộ cũng như xây dựng cung điện, đã chấp nhận sự tham gia của người Mỹ để đổi lấy một khoản tiền khá lớn.

Khi Mohamed rời Jeddah đến Dhahran ở bờ biển miền đông, nằm bên vịnh Persia, cũng là lúc ARAMCO bắt đầu xây dựng các cơ sở khai thác. Mohamed xin vào làm một chân phụ hồ, và chỉ sau vài tháng đã thăng tiến lên chức quản đốc. Năm 1935, Mohamed rời ARAMCO để lập doanh nghiệp riêng.

Lúc bấy giờ, các hoàng thân Ả Rập Xê Út đang đua nhau xây dựng đền đài, cung điện. Và với kinh nghiệm của mình, Mohamed nhanh chóng giành về nhiều hợp đồng xây dựng cũng như thiết lập quan hệ vững chắc với hoàng gia, đặc biệt là với vua Abdul-Aziz và Abdullah Suleiman - Bộ trưởng Tài chính và là nhân vật quyền lực số 2 tại nước này.

Tới Thế chiến 2, Mỹ nhận thấy tầm quan trọng của Ả Rập Xê Út liên quan tới dầu lửa. Tháng 2.1945, Tổng thống Mỹ Franklin D.Roosevelt mời vua Abdul-Aziz lên chiến hạm USS Quincy ở Hồng Hải, đánh dấu quan hệ chính thức giữa hai quốc gia. Thế chiến 2 kết thúc, xuất khẩu dầu lửa tăng cao và quan hệ Mỹ - Ả Rập Xê Út càng được mở rộng. Cùng với nó là sự phất lên của Mohamed bin Laden và sau này là những quan hệ giữa tập đoàn Bin Laden với Mỹ.

Cho đến khi Mohamed chết vì tai nạn máy bay vào năm 1967, ông đã có cơ ngơi cả tỉ USD. Sau đó, người con trai trưởng Salem bin Laden tiếp nối vị trí đứng đầu tập đoàn. Salem tiếp tục duy trì quan hệ mật thiết với giới hoàng thân quốc thích Ả Rập Xê Út, kể cả vua Fahd, và có thể đã đóng vai trò quan trọng trong nguồn tiền và vũ khí mà Mỹ và Ả Rập Xê Út rót cho tổ chức của Osama bin Laden thời thập niên 1980 để chống lại Liên Xô ở Afghanistan.

Salem có một khu dinh thự lớn ở thành phố Orlando thuộc tiểu bang Florida của Mỹ và thường sử dụng nơi này để nghỉ ngơi, hội họp bạn bè. Trước khi chết vì tai nạn máy bay cá nhân trên đất Mỹ vào năm 1988, Salem được cho là từng tháp tùng vua Fahd tới thăm Nhà Trắng thời Tổng thống Ronald Reagan. Lúc bấy giờ, trong cuộc gặp với ngài Fahd, ông Reagan đã nói: “Chúng ta thờ cùng một Thượng đế”, trong mối liên hệ với cuộc chiến tại Afghanistan. Trong cuốn Bin Laden: Một gia đình Ả Rập…, tác giả Coll nhận định rằng lời lẽ của Tổng thống Reagan gợi ý rằng “ông đã xem một đoạn băng của Salem quay lại các hoạt động của Osama bin Laden ở Pakistan”.

Bin Laden không mang vũ khí khi bị giết

Trái với thông tin trước đó rằng Osama bin Laden đã chống trả bằng súng AK-47 trong chiến dịch của lực lượng Mỹ đêm 1.5, Nhà Trắng vừa xác nhận thủ lĩnh al-Qaeda không cầm vũ khí khi bị tiêu diệt.

CNN dẫn lời phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney cho hay khi đặc nhiệm SEAL của Mỹ xông vào phòng ngủ của vợ chồng bin Laden, cả hai đều không mang súng. Thông tin mới này đã làm dấy lên quan ngại về việc “tự tung tự tác” của lính Mỹ khi bắn chết một người không có vũ khí. Đáp lại, ông Carney khẳng định tuy tay không nhưng bin Laden vẫn kháng cự quyết liệt và ngoài ra “nhiều người trong nhà đều mang vũ khí”.


Nhiều người vây quanh khu nhà của bin Laden ở Abbottabad, Pakistan - Ảnh: AFP
 

Trong khi đó, Reuters dẫn lời giới chức Mỹ cho hay các tấm ảnh chụp cảnh bin Laden chết “rất ghê rợn” và họ đang cân nhắc có nên công bố chúng hay không bất chấp nghi ngờ ngày càng tăng về tính xác thực của các thông tin do Washington đưa ra về cái chết của bin Laden.

Lê Loan

Đỗ Hùng
(tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.