Phán quyết Biển Đông, rồi sao nữa?

12/07/2016 20:23 GMT+7

Sau phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) bác bỏ quyền lịch sử phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, quả bóng đang nằm trong chân Philippines - nước đang đứng giữa bị đơn Trung Quốc và đồng minh Mỹ.

Trong thời gian qua, ngay cả trước phán quyết đã được cộng đồng quốc tế dự đoán trước của PCA, Trung Quốc đã tích cực thuyết phục Philippines trong hậu trường để “bỏ qua phán quyết” mà nhận những hợp đồng phát triển kinh tế trông có vẻ rất béo bở của Trung Quốc.
Không ai lạ gì chiến thuật của Trung Quốc: đem kinh tế ra mà “tán tỉnh”, mua chuộc và khi cần thì đe dọa các nước láng giềng để đổi lại các phản ứng có lợi cho Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Vẫn cái chiến thuật đó nhưng sau phán quyết của PCA - cho rằng Trung Quốc không có “quyền lịch sử” ở Biển Đông, cái Trung Quốc gọi là “đường chín đoạn” không có cơ sở pháp lý - Philippines đang nắm một lợi thế lớn.
Báo Financial Times ngày 12.7 dẫn ý kiến của nhà phân tích chính trị Richard Heydarian thuộc Đại học De La Salle ở Manila (Philippines) cho rằng chắc chắc Tổng thống Philippines, ông Rodrigo Duterte sẽ tận dụng hiệu ứng đòn bẩy từ phán quyết của PCA để khiến Bắc Kinh phải nhượng bộ.
Nhưng tận dụng theo chiều hướng nào là đề tài mà cả thế giới đang quan tâm. Mỹ - nước góp tiếng nói quan trọng trong vấn đề Biển Đông - chắc chắn gây sức ép với đồng minh Philippines để phản ứng mạnh mẽ, đi cùng quan điểm tự do hàng hải, tự do hàng không trên Biển Đông của Mỹ. Chắc chắn Mỹ mong muốn từ phán quyết của PCA mà có thêm sự đồng thuận mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế để phản đối chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, trong đó phản ứng của Philippines là rất quan trọng.
Tàu chiến Mỹ tuần tra trên Biển Đông Hải quân Mỹ
Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang làm tất cả những gì có thể để ngăn Philippines không làm Trung Quốc bẽ mặt thêm nữa.
Ông Zhu Feng, giám đốc Trung tâm Trung Quốc về nghiên cứu hợp tác Biển Đông tại Đại học Nam Kinh (Trung Quốc) cho biết chiến thuật của Trung Quốc trong việc đổi thỏa thuận kinh tế với các nước láng giềng để được lợi trong vấn đề Biển Đông có hẳn một cái tên, tạm dịch là “gác bất đồng để cùng phát triển”.
“Nếu (Philippines) chọn giải pháp thực dụng, đây tất nhiên là điều Trung Quốc mong muốn, miễn là phán quyết của tòa được gác qua một bên”, ông Zhu nói.
Báo China Daily hồi tuần trước, tức trước khi có phán quyết của PCA, đã “bắn tin” rằng Bắc Kinh sẵn sàng khởi động đàm phán về hợp tác phát triển trong lĩnh vực tài nguyên cũng như nghiên cứu khoa học “nếu chính quyền Philippines gác qua một bên phán quyết của tòa”. Báo chí Trung Quốc đồng loạt hồ hởi “gợi ý” về đủ lĩnh vực hợp tác như dầu mỏ và khí đốt, chia sẻ ngư trường chung, nghiên cứu khôi phục rặng san hô trên Biển Đông…
Trong khi đó, Mỹ - ít nhất là trước công chúng – đã không đề cập gì tới chuyện hợp tác kinh tế giữa đồng minh Philippines và Trung Quốc.
Theo nhà phân tích Heydarian thì: “Sẽ là sai lầm nếu nói rằng Mỹ không muốn nhìn thấy sự đồng thuận. Tôi nghĩ Mỹ thực sự mong muốn giải pháp ngoại giao hiệu quả và nhìn thấy Trung Quốc tôn trọng các nước láng giềng, không phải theo cái kiểu cá lớn nuốt cá bé”.
Quả bóng đang nằm trong chân nhà lãnh đạo Philippines, ông Rodrigo Duterte  Reuters
Trong khi tổng thống vừa mãn nhiệm của Philippines, ông Benigno Aquino theo đuổi chính sách cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông (ông Aquino là người đã lãnh đạo Philippines đưa vụ kiện Biển Đông lên PCA),  tân Tổng thống Rodrigo Duterte dường như lại theo đuổi một chính sách khác, mềm mỏng hơn với Trung Quốc.
Không phải vô cớ mà trong tuyên bố bác bỏ phán quyết của PCA, Tân Hoa Xã đã nhấn mạnh “ phán quyết không có giá trị pháp lý này là do chính quyền cũ của Philippines đưa ra". 
Tân tổng thống Philippines Rodrigo Duterte – người theo chủ nghĩa dân túy khi tranh cử đã đưa ra những lời hứa mạnh mẽ vực dậy nền kinh tế đất nước - đang đứng trước một quyết định rất quan trọng sau phán quyết của PCA. Có thể ông cần sự đầu tư của Trung Quốc để thực hiện lời hứa của mình. Nhưng nếu thế thì hãy chờ xem ông tin tưởng Trung Quốc đến đâu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.