Phát hiện loài cá bí ẩn ‘vừa giống bướm, vừa giống gấu trúc’

Khánh An
Khánh An
06/04/2020 11:45 GMT+7

Loài cá bí ẩn tại Nhật đánh đố giới khoa học suốt 6 năm qua vừa được xác định là loài cá mới thuộc họ cá bướm.

Tờ Asahi Shimbun ngày 6.4 đưa tin các nhà khoa học vừa xác định được loài cá bí ẩn trong bức ảnh chụp ở vùng biển gần bán đảo Izu (Nhật Bản) từng đánh đố họ suốt 6 năm qua.
Nhóm chuyên gia tại Đại học Kagoshima xác nhận đây là loài hoàn toàn mới và đặt tên là "panda genrokuda" (cá gấu trúc bướm) vì hình dáng của nó giống bướm và màu sắc giống gấu trúc.
Phát hiện mới được công bố trên chuyên san Ichthyological Research và các nhà khoa học cho biết loài cá này sống ở vịnh Kagoshima và gần bán đảo Izu ở tỉnh Shizuoka.
Với chiều dài chưa đến 10 cm, cá gấu trúc bướm có nhiều nét tương đồng với loài cá bướm sọc chéo (Chaetodon striatus) với các sọc vàng và trắng trên thân thuộc họ cá bướm.
Theo nhóm nghiên cứu, loài cá mới được phát hiện có màu sắc ít sặc sỡ hơn dường như là do chúng sống ở vùng nước sâu hơn.
“Cơ thể màu vàng của cá bướm sọc chéo giúp chúng dễ nhận biết nhau hơn vì chúng sống ở vùng nước nông có nhiều ánh sáng”, theo giáo sư Hiroyuki Motomura tại Đại học Kagoshima, thành viên nhóm nghiên cứu.
Nghiên cứu được tiến hành sau khi một thành viên phát hiện bức ảnh của loài cá bí ẩn chụp gần bán đảo Izu, với những nét khá tương đồng với hình ảnh cá bướm tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên tỉnh Kanagawa.
Các chuyên gia cho rằng loài cá này cũng sống ở Hoàng Hải và vùng biển gần Philippines. Dù phần lớn các loài thuộc họ cá bướm sống ở rặng san hô và vùng nước nông, loài cá mới dường như là cư dân của vùng đáy biển đầy đá ở độ sâu 40-160 m.
Nhóm nghiên cứu đặt tên khoa học cho cá bướm gấu trúc là Roa haraguchiae, trong đó có một phần lấy từ tên của thành viên Yuriko Haraguchi tại Viện bảo tàng Đại học Kagoshima – người tham gia tích cực vào nghiên cứu.
Trong 15 năm qua, bà Haraguchi giúp bảo tàng sưu tầm và phân loại một trong những bộ sưu tập mẫu vật lớn nhất châu Á, gồm 200.000 mẫu vật, 200.000 hình ảnh và 50.000 mẫu ADN của các loài cá.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.