Quan sát: Cơ hội, áp lực và động lực

10/04/2006 00:35 GMT+7

Lộ trình mà Thủ tướng Anh Tony Blair và Thủ tướng CH Ireland Bertie Ahern đưa ra cho các bên liên quan ở Bắc Ireland trên thực tế là một kiểu tối hậu thư và nếu hai vị thủ tướng này thực hiện lời nói của mình thì đây sẽ là cơ hội cuối cùng cho việc hình thành một chính quyền tự trị ở Bắc Ireland.

Theo lộ trình này thì từ nay cho tới ngày 24.11.2006, các đảng phái chính trị liên quan ở Bắc Ireland có 2 cơ hội để thành lập chính phủ tự trị. Nếu sau thời hạn đó mà họ vẫn bất đồng quan điểm với nhau, vẫn không chịu đối thoại và nhân nhượng với nhau thì Chính phủ Anh và Chính phủ Ireland sẽ cùng nhau quản lý Bắc Ireland, điều đó đồng nghĩa với việc mục tiêu thành lập chính quyền tự trị ở Bắc Ireland sẽ bị loại bỏ khỏi những mục tiêu của toàn bộ tiến trình hòa bình cho Bắc Ireland.

Xem ra, việc đề cập đến cơ hội cuối cùng cho chính quyền tự trị ở Bắc Ireland lại đồng thời là áp lực và động lực để tất cả các bên liên quan hướng tới chuyển biến đột phá đưa tiến trình hòa bình thoát ra khỏi tình trạng trì trệ và bế tắc từ gần 8 năm nay.

Nếu không có chuyện mối đe dọa khủng bố ngày càng tăng, nếu không có chuyện uy tín của ông Blair đang suy giảm và nếu không có chuyện Chính phủ Anh tăng cường tranh thủ lòng dân ở Bắc Ireland để hạn chế ảnh hưởng của Ireland thì chắc chắn hai vị thủ tướng kia sẽ không cùng nhau đưa ra sáng kiến với tính chất tối hậu thư này.

Nhưng cách tiếp cận của họ là đúng đắn vì Anh và Ireland không thể giải quyết cuộc xung đột ở Bắc Ireland thay cho sự đối thoại giữa  các phe phái chính trị tại đây. Trước nguy cơ có khả năng sẽ bị mất hết vai trò trong ván bài quyền lực mới, các phe phái chính trị ở Bắc Ireland sẽ phải tự vận động ra khỏi thế cố thủ lâu nay của họ và xích lại gần nhau hơn. Quả bóng hiện đang ở phía sân của họ và ván bài vẫn còn là ván bài cũ.

Thảo Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.