Bỏ của giữ danh

21/09/2009 00:01 GMT+7

Lần thứ hai trong thập niên đầu này của thế kỷ 21, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) quyết định bán bớt vàng dự trữ. Lần này, IMF dự định bán ra một phần tám tổng số vàng dự trữ để thu về khoảng 13 tỉ USD.

Cứ nghe theo lập luận của IMF thì mục tiêu của việc bán số vàng này thật thuyết phục, thậm chí còn cao cả nữa: đó là để có tiền giúp các nước đang phát triển. IMF có khối lượng vàng dự trữ lớn thứ 3 thế giới, sau Mỹ và Đức.

Đúng là IMF cho tới nay đã thực hiện nhiều chương trình tín dụng viện trợ phát triển trên các châu lục. Nhưng bên cạnh đó, điều cũng không sai là IMF đã từ lâu chìm trong cuộc khủng hoảng về đường lối hoạt động và lòng tin của các đối tác, nhất là các nước đang phát triển. IMF bị phê phán là không chỉ khả năng tài chính và tín dụng rất hạn chế mà cả cung cách cấp phát tín dụng và thực hiện các chương trình viện trợ phát triển ở các nước đang phát triển lỗi thời và kém hiệu quả. IMF lại chỉ đóng vai trò rất hạn chế trong việc giúp các nước đối phó với khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế. Không ít quốc gia vốn đã từng có thời gian dài lệ thuộc vào nguồn tín dụng của IMF thì nay gần như đã trả hết nợ và chẳng còn cần gì đến IMF nữa. Ở một vài châu lục đã có ý tưởng và nỗ lực cụ thể để thành lập thể chế tiền tệ khu vực thay thế hoàn toàn vai trò và ảnh hưởng của IMF ở đó. Câu hỏi “tồn tại hay không tồn tại” được đặt ra đối với IMF không phải không có cơ sở thực tế.

Trong khi ấy, IMF có khối lượng vàng dự trữ rất lớn mà vàng lại đang rất có giá trên thị trường. Ngoài cách bán vàng ra thì IMF chẳng có cách nào khác nếu muốn nhanh chóng tăng được khả năng tín dụng và có thêm tiền để hoạt động bởi sẽ chẳng có chuyện các thành viên của IMF dễ dàng và nhanh chóng thỏa thuận được với nhau về đóng góp thêm cho ngân quỹ hoạt động của IMF. Cho nên IMF mới bỏ của để giữ danh và chuyện bán vàng dự trữ đi này chưa phải là lần cuối cùng đối với IMF.

La Phù

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.