Một năm sau ngày ấy

31/08/2009 01:41 GMT+7

Cách đây một năm, cuộc khủng hoảng tài chính thế giới bùng nổ, tiêu hủy một khối lượng khổng lồ tiền của và tài sản đồng thời kéo nền kinh tế toàn cầu vào cuộc suy thoái trầm trọng nhất kể từ cuộc Đại suy thoái ở thế kỷ trước. Một năm sau, không phải mọi tác động của nó đã được khắc phục hết, nhưng cũng không phải chỉ tồn tại toàn thông tin đáng buồn và dấu hiệu u ám.

Một năm là khoảng thời gian đủ để có được cái nhìn thấu đáo và khách quan hơn về nguyên nhân, diễn biến và tác động của cuộc khủng hoảng, về sự cần thiết và hiệu quả thực tế của các biện pháp đối phó cũng như về những gì cần phải tiếp tục làm trong thời gian tới. Thị trường tài chính và tiền tệ đã được ổn định trở lại, kinh tế thế giới đã bắt đầu phục hồi và sự thay đổi nhận thức của con người về sự cần thiết phải thắt chặt sự kiểm soát và quản lý thị trường tài chính và tiền tệ thế giới có lẽ là những kết quả tích cực đáng kể nhất. Nỗi lo thảm họa tương tự tái bùng phát vào một thời điểm nào đó trong tương lai vẫn luôn ám ảnh; trao đổi thương mại thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi suy thoái kinh tế và bởi sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, cùng nền tảng chưa thật sự vững chắc của quá trình phục hồi kinh tế thế giới cho thấy cuộc khủng hoảng vẫn còn tác động mạnh mẽ, sâu sắc và khả năng đối phó hiệu quả với khủng hoảng đã trở thành một trong những thước đo năng lực cầm quyền của các chính phủ.

Thế giới đã phải trả giá đắt cho việc để xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế này. Nhưng kịch bản tồi tệ nhất là sự sụp đổ hoàn toàn của hệ thống tài chính và tiền tệ thế giới đã không xảy ra. Các nước vẫn còn phải hao công tốn của trong một thời gian nữa để thoát khỏi tác động của khủng hoảng và tìm lại con đường tăng trưởng năng động, tuy nhiên hầu hết đều đã giành lại được thế chủ động đối phó. Một năm sau nhìn lại sẽ thấy có nhiều cái đáng để lạc quan hơn là tiếp tục bi quan.

La Phù

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.