Saint-Denis, khu ngoại ô đa chủng tộc

Tạm gác những gì đã trải qua trong “buổi sáng thời chiến”, người dân vùng Saint-Denis cố gắng quay về với cuộc sống thường nhật.

Tạm gác những gì đã trải qua trong “buổi sáng thời chiến”, người dân vùng Saint-Denis cố gắng quay về với cuộc sống thường nhật.

Cảnh sát tuần tra gần nơi bố ráp nhóm nghi phạm khủng bố ở Saint Denis, Paris - Ảnh: Lan ChiCảnh sát tuần tra gần nơi bố ráp nhóm nghi phạm khủng bố ở Saint Denis, Paris - Ảnh: Lan Chi
Sáng 19.11, tôi quay lại Saint-Denis, vùng ngoại ô phía bắc Paris. Các phương tiện giao thông công cộng quanh khu vực xảy ra bố ráp trước đó 1 ngày đã hoạt động trở lại. Phần lớn các trường học tại Saint-Denis cũng đã mở cửa.
Rời trạm tàu điện ngầm nhà thờ Saint-Denis của tuyến số 13, tôi đi bộ ngang khu vực trung tâm của vùng ngoại ô này. Tòa thị chính, các cơ sở hành chính, khu dân cư, hàng quán, tất cả tập trung trong một vùng bán kính chỉ vài cây số. Và chung cư ở đường Corbillon, nơi diễn ra cuộc bố ráp rạng sáng 18.11, tọa lạc ngay sát phố đi bộ République, với nhiều cửa hàng san sát nhau, ngày thường rất đông người qua lại.
Đây cũng là lý do mà tại Pháp, từ các chính trị gia đến người dân đều đồng ý rằng đợt đột kích của các lực lượng đặc nhiệm RAID và BRI đã rất thành công: chọn được thời điểm khu phố nhộn nhịp này vắng vẻ nhất; sơ tán nhanh chóng người dân ở gần căn hộ của nhóm nghi phạm khủng bố. Nhờ vậy, không có dân thường nào bị ảnh hưởng trong cuộc bố ráp trong khi những số liệu chính thức được RAID đưa ra sau đó đủ làm những người bình tĩnh nhất cũng phải ớn lạnh: các đặc nhiệm đã nã hơn 5.000 đạn dược các loại và dùng đủ kiểu vũ khí, từ súng máy, súng bắn tỉa đến lựu đạn, chất nổ...
Các lối vào khu chung cư 3 tầng cũ kỹ ở đường Corbillon vẫn bị phong tỏa vì các đội pháp y, các chuyên gia khoa học hình sự đang thu thập dữ liệu, phân tích hiện trường. Trên rào chắn chặn ở lối vào, một cư dân địa phương dán băng rôn có dòng chữ: “Hết lòng cảm ơn cảnh sát. Chúng tôi là Paris”.
Đường vào khu vực diễn ra bố ráp - Ảnh: Lan Chi
Từ hai hôm nay, Saint-Denis thu hút mọi sự chú ý, với những góc nhìn đôi khi hơi e dè về nơi “có nguyên nhóm khủng bố trú ngụ”. Sự thật có thế? Hãy thử đọc thông cáo ngày 18.11 của Thị trưởng Saint-Denis Didier Paillard: “Sau những gì vừa diễn ra rạng sáng nay, hơn bao giờ hết, Saint-Denis là một địa phương cởi mở, khoan hòa và thân thiện. 110.000 dân Saint-Denis có gốc gác từ 130 quốc gia đã và vẫn sẽ hòa hợp để cùng sống, cùng làm việc và cùng thể hiện tinh thần tự do, bình đẳng, bác ái của nước Pháp”.
Quả thật, chỉ cần dạo một vòng ở phố đi bộ République là thấy Saint-Denis “nhiều màu sắc” thế nào. Chị Renata, thu ngân một cửa hàng mỹ phẩm tại khu này cho biết: “Tôi làm việc ở phố đi bộ từ 13 năm nay. Đương nhiên, Saint-Denis, như bất kỳ nơi nào trên thế giới, thỉnh thoảng cũng có vài vụ lộn xộn. Nhưng rồi cũng ổn hết. Ở đây có dân tứ xứ tụ về, đa sắc tộc, đa tôn giáo nhưng ai làm việc nấy, không đụng chạm gì cả. Không nên quá nhấn mạnh về nguồn gốc, về tôn giáo vì sau cùng, tất cả đều là người Pháp. Bạn hãy nhìn xung quanh xem, góc kia là tiệm bánh mì kebab của một người Thổ Nhĩ Kỳ, đối diện là nhà hàng Basilique bán món Pháp rất ngon, kế đó có một nhà hàng châu Á. Dù có chuyện gì đã xảy ra đi nữa thì với tôi, đây vẫn là nơi rất dễ chịu vì từ lâu, chúng tôi đã học được cách cùng sống với nhau”.
Cùng quan điểm với chị Renata, anh Mouloud, cư dân ở đường Lanne, cách khu République - Corbillon không xa chia sẻ: “Tôi là người Hồi giáo gốc Algeria, qua Pháp đã 15 năm, có việc làm ổn định, đã được nhập tịch. Dù là gốc gác nào thì bây giờ chúng tôi cũng đều là người Pháp. Như mọi người Pháp, chúng tôi đau đớn khi đất nước bị tấn công”.
Nghi phạm Abdelhamid Abaaoud - Ảnh: AFP
Nghi phạm chủ mưu đã chết
Saint-Denis, Paris và nước Pháp nói chung vẫn đang trải qua những ngày căng thẳng. Hôm qua, cảnh sát xuất hiện với “mật độ” dày đặc tại các nhà ga, thậm chí trên nhiều chuyến tàu điện ngầm ở Paris. Đường RER A (tàu chạy ngoại ô và trung tâm) bị gián đoạn nhiều giờ vì “báo động an ninh” ở khu ngoại ô La Défense. Khu vực tập trung trụ sở nhiều tập đoàn hàng đầu của Pháp này cũng bị cho là “tầm ngắm” của nhóm khủng bố vừa bị bố ráp tại Saint-Denis.
Bộ trưởng Nội vụ nước này Bernard Cazeneuve hôm qua 19.11 xác nhận nghi can người Bỉ Abdelhamid Abaaoud đã chết trong vụ bố ráp ngày 18.11. Theo ông Cazeneuve, Abaaoud “có vai trò then chốt” trong chuỗi tấn công liên hoàn tại Paris hồi cuối tuần qua. Ngoài ra, y liên quan đến 4/6 âm mưu tấn công bị ngăn chặn kịp thời hoặc bị tình báo Pháp phát hiện kể từ tháng 4. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có thông tin về Salah Abdeslam, kẻ bị cho là tham gia vụ xả súng đẫm máu ở Nhà hát Bataclan làm gần 90 người thiệt mạng và đang bị truy nã quốc tế. Hôm qua 19.11, tòa án Bỉ thông báo cảnh sát nước này đã thực hiện 6 vụ lục soát ở các khu vực nội và ngoại thành của thủ đô Brussels, trong đó có Molenbeek, nơi được xem là “ổ” Hồi giáo cực đoan của châu Âu.
Pháp chuẩn bị thuốc giải độc hóa học
Hôm qua 19.11, Thủ tướng Pháp Manuel Valls nhận định: “Hiện không thể loại trừ bất kỳ điều gì. Chúng tôi biết rằng vẫn có nguy cơ xảy ra tấn công bằng vũ khí sinh học và vũ khí hóa học tại Pháp”.
Trước đó, ngày 14.11, Tổng cục Y tế Pháp (DGS) đã cho phép các cơ sở quân y cung cấp cho trung tâm cấp cứu trên toàn quốc một phần dự trữ sulfate atropine của quân đội. Đây là chất giải của khí độc sarin, vốn là vũ khí hóa học từng được sử dụng trong nhiều vụ tấn công, trong đó có vụ khủng bố ở thủ đô Tokyo của Nhật vào năm 1995. Cho đến nay, các bệnh viện của Pháp không trữ sẵn sulfate atropine và chỉ thường xử lý các trường hợp ngộ độc thông thường, như bị rắn cắn hoặc nhiễm độc của thuốc trừ sâu... Trong khi đó, các loại vũ khí hóa học phức tạp, có độc tính cao hơn nhiều và có thể gây tác hại trong tích tắc.
Cùng ngày, quốc hội Pháp cũng thông qua đề xuất của chính phủ về việc kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm 3 tháng. Nhiều dự luật khác về an ninh cũng được lưỡng viện lập pháp “bật đèn xanh”: Bộ Nội vụ có quyền ngăn cấm mọi website truyền bá tư tưởng cực đoan hoặc liên quan đến các tổ chức khủng bố; mở rộng các điều kiện để quản thúc tại gia các đối tượng bị tình nghi gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia...
IS dọa tấn công New York
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) hôm qua 19.11 công bố đoạn video dọa đánh bom thành phố New York (Mỹ). Theo Đài CNN, đoạn video đề cập quảng trường Thời đại và quay cảnh một thiết bị nổ và một kẻ đánh bom đang kéo khóa chiếc áo vest dùng đánh bom liều chết.
Sở Cảnh sát New York thông báo đã triển khai thêm lực lượng chống khủng bố để đề phòng. “Chúng tôi vẫn đang cảnh giác cao độ và sẽ tiếp tục hợp tác với Cục Điều tra liên bang (FBI), lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố và các cơ quan tình báo để giữ thành phố an toàn”, phát ngôn viên Sở Cảnh sát New York Stephen Davis chia sẻ.
Hồi đầu tuần, IS cũng công bố một đoạn video khác dọa tấn công thủ đô Washington D.C.
Cùng ngày, Ý đã tăng cường an ninh tại các thắng cảnh ở Vatican, Rome và Milan sau khi FBI cảnh báo có nguy cơ xảy ra tấn công khủng bố tại quảng trường St.Peter ở Rome, thánh đường Duomo và Nhà hát Scala ở thành phố Milan cùng nhiều nơi công cộng khác. Ngoại trưởng Ý Paolo Gentiloni cho hay lực lượng an ninh đang truy tìm 5 tay súng đứng sau các vụ tấn công tiềm tàng.
Trong khi đó, Thụy Điển nâng cảnh báo khủng bố lên mức thứ 4 trong hệ thống gồm 5 nấc. Lực lượng cảnh sát nước này đang truy lùng một nghi can và có “thông tin cụ thể” về nguy cơ xảy ra tấn công. Theo hãng tin địa phương Six, một người Iraq được huấn luyện tại Syria đã nhập cảnh vào Thụy Điển hôm 18.11 với ý định mở vụ tấn công. Hãng này còn đưa tin giới chức Thụy Điển chưa rõ vụ tấn công sẽ xảy ra nơi nào và cách thức ra sao.
Danh Toại
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.