“Siêu chiến binh” đặc nhiệm: Một mình chống 30 lính Taliban

11/05/2011 23:36 GMT+7

Không phải biệt kích “chính thống”, nhưng sự dũng cảm đã giúp các chiến binh Gurkha tạo chỗ đứng vững chắc trong quân đội Anh.

Cuối tháng 3, trung sĩ Dip Prasad Pun, 31 tuổi, được trao tặng Conspicuous Gallantry Cross, huân chương danh giá thứ 2 của quân đội Anh, chỉ sau Victoria Cross. Theo tờ Telegraph,  “siêu chiến binh” người dân tộc Gurkha này trong phiên trực hôm 10.9.2010 tại vùng Helmand, tây nam Afghanistan, đã một mình chống trả 30 lính Taliban. Hôm ấy, một toán quân Taliban tấn công trạm gác của Pun. Anh đã bảo vệ vị trí chỉ với một khẩu súng máy và một súng phóng lựu. Trong vòng 15 phút, Pun bắn 400 viên đạn, phóng 17 quả lựu đạn, giết chết 3 lính Taliban và hạ gục 1 người khác bằng giá súng. Trước sự dũng mãnh của Pun, các tay súng Taliban buộc phải rút đi trước khi đồng đội của anh đến yểm trợ.

 
Trung sĩ Dip Prasad Pun - Ảnh: Telegraph

“Tinh thần Gurkha”

Chiến công “1 chống 30” của trung sĩ Dip Prasad Pun là ví dụ điển hình cho “tinh thần Gurkha”. Dân tộc chiến binh này khiến kẻ địch nể trọng bởi lòng quả cảm, trung thành và khả năng chiến đấu cực kỳ hiệu quả. Thống chế quân đội Ấn Độ Sam Manekshaw (1914-2008) từng nhận định: “Nếu có ai đó nói mình không biết sợ thì hoặc đó là kẻ nói dối, hoặc anh ta là người Gurkha”. Trước Pun, ít nhất 13 chiến binh Gurkha nhận Huân chương Victoria Cross.

Gurkha thuộc nhóm dân Rajput Khasi ở miền bắc Ấn Độ, di cư sang Nepal từ thế kỷ 16. Theo truyền thuyết, tổ tiên của họ là Hoàng tử Bappa Rawal đã bảo vệ pháp sư Gorkhanath trong lúc ông đang tham thiền nhập định. Sau đó, Thần đã tặng hoàng tử danh hiệu Gurkha (nghĩa là đồ đệ của Gorkhanath) và tuyên bố Bappa Rawal và con cháu của ông sẽ vang danh thiên hạ về lòng dũng cảm.

Nếu có ai đó nói mình không biết sợ thì hoặc đó là kẻ nói dối, hoặc anh ta là chiến binh Gurkha

Thống chế Ấn Độ Sam Manekshaw

Theo tờ Le Figaro, trong chiến tranh Nepal (1814-1816), bộ tộc Gurkha chiến đấu ngoan cường chống lại các quân đoàn Anh. Tuy thắng trận, nhưng Bộ Tư lệnh Anh bị chinh phục hoàn toàn bởi tinh thần của các “siêu chiến binh” Gurkha và tuyển mộ họ để thành lập một lực lượng đặc biệt. Sau khi Ấn Độ giành độc lập vào năm 1947, có 6 trung đoàn Gurkha gia nhập quân đội nước này, còn 4 trung đoàn tiếp tục phục vụ trong quân đội Anh.

Gần 2 thế kỷ qua, lực lượng Gurkha luôn đi đầu tại mọi mặt trận máu lửa nhất của quân đội Anh. Một số người đã tham gia các chiến dịch của lực lượng đặc nhiệm SAS. Trong Thế chiến 2, các chiến binh Gurkha đối đầu với biệt đội Afrikakorps của phát xít Đức ở Bắc Phi, với quân phiệt Nhật ở Miến Điện và Malaysia. Chỉ riêng tại 2 mặt trận này, 45.000 lính Gurkha đã thiệt mạng. Gần đây nhất, các lực lượng Gurkha tham chiến tại Chiến tranh vùng Vịnh (1991), chiến dịch của NATO và LHQ ở Kosovo, Bosnia (1999) và hiện vẫn đóng quân ở Afghanistan, Iraq.

Từ khi được thành lập, tổng cộng đã có khoảng 250.000 lính Gurkha phục vụ trong quân đội Anh, nhưng hiện số lượng giảm nhiều, chỉ còn khoảng 3.500 binh sĩ, theo Le Figaro. Ngoài ra, trong quân đội Ấn Độ vẫn còn 4.000 người Gurkha và các thành viên tộc người này cũng có mặt trong lực lượng cảnh sát Singapore, Brunei…

Đầu vào khắc nghiệt

Dù những chế độ đãi ngộ với thành viên lực lượng Gurkha vẫn gây nhiều tranh cãi tại Anh nhưng nhìn chung tình hình đang được cải thiện với lương tháng khoảng 1.500 - 2.000 euro. Các cựu binh Gurkha có thể xin giấy cư trú, nhập quốc tịch Anh dễ dàng hơn và mức lương hưu của họ cũng được cải thiện. Chính vì vậy, hằng năm vẫn có từ 10.000 - 15.000 thanh niên Gurkha từ Nepal đăng ký thi tuyển để tham gia khóa huấn luyện tại Anh.

Tuy nhiên, để được chọn tham gia khóa huấn luyện tại Anh, các ứng viên phải vượt qua đợt thi tuyển cực kỳ gắt gao ở trại Pokhara, Nepal. Điều kiện đầu tiên là thanh niên 17-22 tuổi, cao từ 1m60, nặng ít nhất 50 kg và có sức khỏe tốt. Tiếp đó là bài kiểm tra thể lực “cơ bản”: gập bụng ít nhất 75 lần liên tiếp, hít xà không dưới 15 cái… Những ai đủ tiêu chuẩn sẽ phải “chiến đấu” với phần kiểm tra toán và tiếng Anh. Chỉ riêng những phần “khởi động” này đã khiến từ hơn 10.000 thí sinh ban đầu chỉ còn 730 người tiếp tục có mặt ở bài thi chính Doko Race. Trong vòng 1 giờ, thí sinh phải chạy 5 km, trong đó có 1.000m đường gập ghềnh, khúc khuỷu và dốc với 25 kg đá và cát đeo trên lưng.

Khoảng 200 thí sinh xuất sắc nhất sẽ được huấn luyện tại trại Catterick, miền bắc Anh trong vòng 18 tháng. Kết thúc khóa đào tạo, họ sẽ được triển khai đến các trận địa của quân đội Anh để tiếp tục truyền thống của các “siêu chiến binh” Gurkha.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.