Xuân Diệu... ham ăn

01/01/2010 10:52 GMT+7

(TNTT>) Nói tới nhà thơ, lại là một “ông hoàng thơ tình” như Xuân Diệu mà nói chuyện... ăn, e không thích hợp. Nhưng tôi nghĩ khác. Với người nổi tiếng, nhiều khi qua những chuyện ứng xử ăn uống đời thường lại bộc lộ được quan điểm thẩm mỹ của họ. Mà chính điều đó sẽ nói lên được những “tầng ngầm” đã và sẽ làm nên tác phẩm của họ.

Xuân Diệu có hai câu thơ cực bình dị, mà cực hay: “Có gì thương cho bằng mẹ với con/Có gì ngon cho bằng cơm với cá". Bất giác lại nhớ đến hai câu ca dao mà theo tôi là hay nhất trong ca dao VN: “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa/Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương”. Nhiều lần tháp tùng các cuộc nói chuyện thơ của Xuân Diệu, rồi đi chơi lang bang với ông, tôi thấy ngưỡng mộ ông trong chuyện ăn uống.

Không phải không thích sơn hào hải vị hay "tẩy chay" những bữa tiệc hoành tráng, nhưng Xuân Diệu chỉ hợp nhất với những món ăn bình thường mà các gia đình miền Trung hay ăn. Ông thích ăn cá biển tươi nấu ngọt, cả loại rẻ tiền như cá nục, cá bánh đường (“Lanh lảnh ai rao: cá bánh đường!” - thơ Xuân Diệu), những loại cá vốn có rất nhiều ở chợ Quy Nhơn. Sau năm 1975, mỗi khi có dịp về quê mẹ Bình Định, Xuân Diệu đều đến ăn cơm với người bạn thuở nhỏ là ông Trà Văn Tri. Bác Tri gái là người nấu rất ngon những món dân dã mà Xuân Diệu “khoái khẩu” như cá nục kho, cá chuồn hấp cuốn bánh tráng, cá khoai nấu canh... Tôi nhớ một lần, khi mời Xuân Diệu đến ăn cơm, nhà tôi đã nấu món chả cá băm viên nấu canh, ăn với bún tươi. Ông ăn no đến nỗi đứng dậy không nổi, và bộc lộ hết sự sung sướng hài lòng của mình.

Được phục vụ một thực khách thiệt tình đến như vậy là niềm hạnh phúc cho bất cứ bà nội trợ nào trên trái đất này, chứ không chỉ riêng ở Việt Nam. Qua cách ứng xử thiệt tình, cởi mở, trải lòng khi ăn một bữa cơm thường, Xuân Diệu đã chứng tỏ ông là một nhà thơ lớn. Một nhà thơ thực sự lớn luôn bình dị hết cỡ, hồn nhiên hết cỡ như vậy! Đừng tưởng, nhà thơ lớn thì phải làm bộ làm tịch, “diễn” những quả giả vờ mỗi khi đụng tới những chuyện tầm thường như miếng ăn miếng uống! Có thời, do quan niệm nhà thơ là phải nhỏ nhẻ, phải khảnh ăn, nên nhiều người cho Xuân Diệu là... ham ăn. Nhiều khi chứng kiến Xuân Diệu ăn, tôi thấy họ nói đúng. Chỉ có điều, Xuân Diệu chỉ ham ăn phần của mình thôi, không ham phần người khác. Ham ăn như vậy thì có gì xấu, nhất là khi người ta đã thật lòng đãi mình?

Mà thưởng thức đến tận cùng những món ăn, cũng chính là một cách hành xử nghệ thuật. Đó còn hơn một thái độ. Nó là một quan niệm sống rất nhân bản, là tư tưởng thẩm mỹ. Xuân Diệu, mỗi khi được mời ăn, nhất là ở những gia đình ông thân thiết, bao giờ ông cũng ăn thật no, ăn thật đã, ăn tới mức không ăn được nữa mới hớn hở đứng dậy.  “Cảm ơn vợ chồng anh giáo Huế/Đãi tôi một bữa Lệ Cần khoai”. Tôi xin bảo đảm, suốt cuộc đời vợ chồng “anh giáo Huế” - tức nhà thơ Lê Nhược Thủy - sẽ không được đón tiếp một thực khách nào tuyệt vời hơn nhà thơ Xuân Diệu với bữa tiệc “toàn khoai” như thế! Thơ đến từ đó, chứ từ đâu!

Nhật Chung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.