Sự hung bạo của bão Thần Sấm qua lời kể người dân Philippines

16/07/2014 15:55 GMT+7

(TNO) Cơn bão lớn đầu tiên của mùa mưa bão tại Philippines đã làm tê liệt toàn bộ thủ đô Manila vào ngày 16.7 và đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 11 người trên khắp đảo quốc này.


Những con thuyền đánh cá neo đậu tại thị trấn Imus, tây nam Manila, đang hứng bão Rammasun

Bão Rammasun với gió giật có tốc độ lên đến 200 km/giờ đã thổi bay các mái nhà, làm lật xe và khiến cây cối gãy đổ tại Manila, cũng như tại các làng chài nằm cách đó hàng trăm km, theo AFP.

“Tôi đã nghĩ là mình sẽ chết. Tôi ra ngoài tìm mua xăng để phòng trường hợp phải đi sơ tán, nhưng điều này là một sai lầm”, anh Pedro Rojas, 35 tuổi, tài xế xe ba gác, ngồi trú bão trong một căn nhà ở ngoại ô Manila kể lại khi đang tìm cách băng bó một vết cắt trên đầu.

“Chiếc xe ba bánh của tôi lộn 2 vòng sau khi tôi hứng phải một trận mưa lớn dữ dội. Cảm giác giống như đâm vào một bức tường vậy … mái tôn bay khắp nơi.”.

Cây, cột điện và tường đổ là nguyên nhân gây ra cái chết của ít nhất 11 người trên khắp các vùng miền bắc Philippines, theo báo cáo của nhà chức trách.

Trong số các nạn nhân xấu số có 1 nhân viên cứu hộ thiệt mạng tại Manila khi một tòa nhà chính phủ đổ đè lên người và 2 người phụ nữ lớn tuổi chết vì cây đè tại vùng hẻo lánh thuộc một tỉnh nằm kế thủ đô, cơ quan xử lý thiên tai quốc gia Philippines cho biết.

Rammasun, được đặt theo tên thần sấm sét của Thái Lan, đã đổ bộ vào vùng làng chài nghèo ở miền đông Philippines vào tối 15.7 (giờ địa phương).

Cơn bão hiện đã yếu đi khi băng ngang qua đảo Luzon và đã ra biển Đông vào trưa 16.7. Các nhà dự báo thời tiết cảnh báo Rammasun có thể mạnh trở lại trên đường hướng sang miền nam Trung Quốc.

Tàn phá nhà cửa


Người dân thị trấn Imus mang đồ đạc đi sơ tán khi bão Rammasun ập tới

Mưa bão cũng đã thổi sập những căn nhà sập xệ trong các khu ổ chuột dọc theo Vịnh Manila, nơi hàng trăm ngàn người đang cư ngụ.

“Nhà của chúng tôi bị phá hủy và chúng tôi mất nhiều đồ đạc”, chị Dayang Bansuan cho biết khi đang ngồi trú trong một ngôi trường được tận dụng làm nơi tránh bão cho những cư dân sống dọc theo bờ biển ở Manila.

“Chúng tôi bỏ chạy khỏi nhà ngay trước bình minh khi nước bắt đầu dâng đến mắt cá chân. Tôi rất hoảng sợ, họ (láng giềng) nói gió đang mạnh lên. Họ kêu chúng tôi sơ tán”.

Trên khắp Philippines, khoảng 350.000 người đã bỏ nhà cửa và đến trú bão tại các trung tâm sơ tán, theo cơ quan xử lý thiên tai Philippines.

Mỗi năm, Philippines hứng chịu khoảng 20 cơn bão lớn, với phần lớn là bão có độ tàn phá chết người. Rammasun là cơn bão lớn đầu tiên đổ bộ lên Philippines tính từ sau khi mùa mưa bão bắt đầu hồi tháng 6.

Đây cũng là cơn bão lớn đầu tiên kể từ sau khi siêu bão Hải Yến tàn phá các đảo miền đông Philippines hồi tháng 11.2013, làm 7.300 người thiệt mạng.

Các khu vực từng hứng siêu bão Hải Yến chỉ bị mưa nhẹ vào hôm 15.7 và 16.7, nhưng như vậy cũng đủ khiến những người còn sống sót sau trận siêu bão hoảng loạn.

“Tôi sợ rằng chúng tôi sẽ phải sống trong cơn ác mộng trước đây, khi phải vật lộn để sống sót”, ông Alfredo Cojas, một ngư dân 49 tuổi, cho hay.

“Cơn bão kỳ này không mạnh, nhưng chúng tôi giờ đang bị ám ảnh bởi những thứ như vầy”.


Nhà cửa ở thị trấn duyên hải Bacoor, tây nam Manila, bị bão Rammasun tàn phá


Một người đàn ông bị gió bão thổi té khi đang đi xe máy tại thủ đô Manila


Người dân Manila chạy băng qua những chiếc xe bị gió thổi ngã để vào một trạm xăng trú bão


Thanh niên Philippines núp dưới cây tại Manila để tránh cơn gió dữ dội của bão Rammasun


Người dân thủ đô Manila trú bão trong một trung tâm sơ tán

Hoàng Uy
Ảnh: Reuters

>> Bão Rammasun mạnh cấp 13 đã tiến vào biển Đông
>> Bão Rammasun mạnh cấp 13 vào biển Đông
>> Cứu tàu cá bị nạn ở vùng ảnh hưởng bão Rammasun
>> Bão Rammasun giật cấp 15 - 16 đi vào biển Đông
>> Bão Rammasun giật cấp 16 hướng vào vùng biển Hoàng Sa
>> Bão Rammasun sắp tràn vào Philippines
>> Biển Đông có gió giật rất mạnh trong bão Rammasun
>> Bão Rammasun mạnh cấp 10, tiếp tục hướng về biển Đông
>> Bão Rammasun hướng vào biển Đông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.