Sự lựa chọn bất đắc dĩ

19/06/2012 03:59 GMT+7

Kết quả bầu cử quốc hội ở Hy Lạp cuối tuần qua tạo cơ hội về lý thuyết cho khả năng thành lập được chính phủ liên hiệp giữa đảng Dân chủ mới (ND) và đảng Pasok. Nhưng đồng thời, liên minh cánh tả Syriza cũng đạt tỷ lệ phiếu bầu cao hơn hẳn trước đây. Có thể thấy cử tri đã phải lựa chọn bất đắc dĩ và quyết định chọn cái “ít rủi ro hơn”.

Nếu cánh tả lên cầm quyền sẽ đàm phán lại toàn bộ điều kiện của gói cứu trợ tài chính, sẵn sàng đưa Hy Lạp ra khỏi nhóm sử dụng đồng euro. Đây là kịch bản tồi tệ nhất đối với EU. Cử tri Hy Lạp lo ngại khả năng đó nhưng đồng thời vẫn bất bình về những điều kiện áp đặt của EU và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Vì thế tuy để 2 đảng nói trên chiến thắng, đảm bảo không phải từ bỏ đồng euro, nhưng cử tri cũng giúp phe đối lập cánh tả đủ mạnh để buộc chính phủ mới phải đàm phán lại với EU và IMF, điều chỉnh một số điều kiện của gói cứu trợ tài chính.

Kịch bản xấu nhất không xảy ra cho EU, nhưng kết quả bầu cử nói trên không có nghĩa là cuộc khủng hoảng đã được khắc phục. Trong những ngày còn lại của tháng 6, ND và Pasok phải thành lập được chính phủ. Chính họ chứ không phải phe đối lập Syriza đã đẩy Hy Lạp vào tình cảnh khủng hoảng hiện tại. Chỉ khi bị đẩy vào chân tường, họ mới chấp nhận điều kiện của EU và IMF, biến 2 tổ chức hùng mạnh thành con tin trong chuyện này. Cho nên đối với cả EU và IMF, kết quả bầu cử ở Hy Lạp cũng bất đắc dĩ, cũng là cái “ít xấu hơn trong những cái xấu” hiện tại.

La Phù

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.