Sự trở lại của phi thuyền 'xác sống'

23/06/2014 09:00 GMT+7

Suốt 17 năm dài trôi dạt trong cuộc hành trình đơn độc xuyên không gian lạnh giá, giờ đây tàu du hành 'xác sống' đang trở về với nền văn minh đã từng từ bỏ nó.

Suốt 17 năm dài trôi dạt trong cuộc hành trình đơn độc xuyên không gian lạnh giá, giờ đây tàu du hành “xác sống” đang trở về với nền văn minh đã từng từ bỏ nó.

Sự trở lại của phi thuyền 'xác sống'
Mô phỏng phi thuyền ISEE-3 - Ảnh: NASA

Sau 36 năm trong vũ trụ, tàu du hành quốc tế "Thám hiểm mặt trời - trái đất 3" (viết tắt ISEE-3) dường như vẫn trong tình trạng hoạt động tốt. Kể từ khi được phóng lên không gian vào năm 1978, nó suýt nữa chấp nhận số phận là bị mục nát mà không ai đoái hoài đến, trừ cơ hội lao đầu vào mặt trăng mà nó đã bỏ lỡ. Bị Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) từ bỏ vào năm 1997, ISEE-3 rơi vào cuộc hành trình vô định xuyên qua khu vực vòng trong của hệ mặt trời. Tuy nhiên, giờ đây một nhóm các nhà khoa học đã bắt được liên lạc với phi thuyền bị ruồng bỏ, bước đi đầu tiên trong nỗ lực kéo nó về quỹ đạo trái đất.

“Chúng tôi tự gọi mình là chuyên gia khảo cổ học - công nghệ”, tờ The New York Times dẫn lời Dennis Wingo, kỹ sư và doanh nhân khởi nghiệp đang đặt mục tiêu vào những “đồ cổ” đã bị NASA vứt bỏ. Công ty của ông Wingo, gọi là Skycorp, đã bắt đầu khởi động cuộc chạy đua hồi sinh phi thuyền ISEE-3 từ tháng 4. Đến cuối tháng 5, nhờ vào kính thiên văn vô tuyến tại Đài quan sát Arecibo ở Puerto Rico, nhóm Skycorp đã thành công khi bắt liên lạc được với phi thuyền xa xôi. Thành tựu này đã giúp công ty của Wingo trở thành tổ chức tư nhân đầu tiên điều khiển được một tàu du hành nằm ngoài quỹ đạo trái đất. Bất chấp những trở ngại, quá trình kết nối và dẫn dắt diễn ra suôn sẻ, và Wingo cho hay nhóm của ông sẽ sẵn sàng khai hỏa động cơ của ISEE-3 trong vòng vài tuần nữa.

NASA đã phóng ISEE-3 vào năm 1978, lúc đó Tổng thống Mỹ Jimmy Carter và cơ quan này đã sử dụng nó cho vài sứ mệnh không gian trước khi cho về hưu vào năm 1997. Phi thuyền đã xoay quanh mặt trời ở khoảng cách giữa mặt trời - trái đất, cho phép các chuyên gia lần đầu tiên quan sát các chùm electron và proton tốc độ cao dưới dạng gió mặt trời trước khi chúng đập vào địa cầu. Kế đến, ISEE-3 được giao một sứ mệnh khác, di chuyển quanh mặt trăng và trái đất để đón đầu sao chổi Giacobini-Zinner khi nó quét cái đuôi dài vào tháng 9.1985. Sau đó, NASA tận dụng ISEE-3 cho vài cuộc quan sát tiếp theo về không gian liên hành tinh trước khi cho nó về hưu vào năm 1997. Kể từ đó, phi thuyền xoay quanh mặt trời theo quỹ đạo 355 ngày. Giống như chiếc xe đua cùng chạy trên đường đua, ISEE-3 sẽ bắt kịp và vượt qua địa cầu trong 2 tháng nữa.

Đó là điều mà tiến sĩ Robert W.Farquhar, chịu trách nhiệm dẫn dắt quỹ đạo bay của ISEE-3, từng nhắm đến, với mục tiêu quan sát gió mặt trời từ nhiều điểm khác nhau và sau đó nghĩ cách sử dụng phi thuyền này để đến thăm sao chổi Giacobini-Zinner.

Việc này đã chọc giận các nhà khoa học mặt trời, những người cáo buộc chuyên gia trên đã cố tình “đánh cắp” phi thuyền dành cho sứ mệnh nghiên cứu sao trung tâm vào việc khác. Tuy nhiên, tiến sĩ Farquhar chỉ cho rằng mình thi thoảng mượn con tàu và lại hoàn trả vào chỗ cũ. Sau khi bay ngang Giacobini-Zinner thành công, ISEE-3 vẫn còn dư dả nhiên liệu, nên 3 đợt đốt tên lửa vào năm 1986 đã đẩy nó vào vị trí cách bề mặt chị Hằng 48 km vào ngày 10.8.2014. Lực hấp dẫn khi bay ngang mặt trăng có thể đẩy ISEE-3 vào quỹ đạo trái đất, và tiến sĩ Farquhar cho rằng Mỹ có thể điều động tàu con thoi để kéo nó xuống mặt đất, nhưng NASA cuối cùng quyết định từ bỏ vì lý do chi phí tốn kém, cho đến khi công ty của Wingo quyết định can thiệp.

Hiện ông Wingo đang thuyết phục NASA sử dụng hệ thống của mình để xác định chính xác đường di chuyển của ISEE-3, từ đó tính toán đợt đốt nhiên liệu cần thiết để đặt nó vào quỹ đạo trái đất.

Hạo Nhiên

>> Màu nhuộm cổ đại bảo vệ phi thuyền
>> Phi thuyền Juno hoàn tất nửa chặng đường đến sao Mộc
>> Tìm thấy dấu vết phi thuyền xấu số của Liên Xô
>> Phi thuyền NASA chuẩn bị "tự sát

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.