Sức mạnh bom hạt nhân thông minh

25/08/2016 10:04 GMT+7

Mỹ thông báo đã hoàn thành xong quá trình thử nghiệm và sẽ bắt đầu sản xuất loại bom hạt nhân dẫn đường đầu tiên trên thế giới.

Bom B61-12 là phiên bản nâng cấp của bom hạt nhân B61 trước đây và được xếp vào loại vũ khí hạt nhân chiến thuật. Khác với vũ khí hạt nhân chiến lược nhằm phá hủy trên diện rộng những mục tiêu như các thành phố, vũ khí hạt nhân chiến thuật nhỏ hơn được dùng để phá hủy các mục tiêu quân sự, viễn thông hoặc hạ tầng cơ sở. Loại vũ khí này còn được thiết kế để bọc lót cho bộ binh, không quân và hải quân cùng lực lượng đồng minh. Nay với dòng B61-12, loại bom hạt nhân thông minh đầu tiên trên thế giới, Mỹ có thể giáng đòn tấn công chính xác vào mục tiêu nhưng lại giới hạn tổn thất về nhân mạng và các cấu trúc xây dựng kế cận.
Vũ khí nguyên tử đắt đỏ nhất
Kế hoạch phát triển B61-12 được thông báo từ năm 2013 và đến nay vẫn còn gây tranh cãi vì quá đắt đỏ. Loại bom này được xem là vũ khí nguyên tử “ngốn tiền” nhất lịch sử với ước tính chi phí sản xuất có thể lên tới khoảng 11 tỉ USD cho 400 quả. Tuy nhiên, Washington vẫn kiên quyết tiến hành bất chấp phản đối từ một số nghị sĩ vì dự án B61-12 đóng vai trò rất quan trọng trong nỗ lực hiện đại hóa các lực lượng hạt nhân của Mỹ theo hướng tinh gọn và tăng cường hiệu quả.
Theo chuyên trang Global Research, B61-12 nặng 350 kg, dài 3,6 m, đường kính 340 mm và có thể xuyên qua các cấu trúc gia cố nằm ở độ sâu vài mét so với mặt đất. Thay vì rơi tự do như các thế hệ trước đó, vũ khí mới của Mỹ có hai giai đoạn dẫn đường giúp tiêu diệt chính xác mục tiêu đã định.
Thứ nhất là hệ thống dẫn đường bằng định vị toàn cầu GPS và laser gắn ở phần mũi giúp bom rơi chính xác xuống khu vực cách khoảng 30 m tính từ mục tiêu. Sau đó, các cánh và rotor điều hướng gắn ở đuôi sẽ tiếp tục “lái” quả bom đến đúng mục tiêu cần phá hủy. Bên cạnh đó, nhờ sử dụng công nghệ điều chỉnh công suất AMAC hiện đại, sức phá hủy của quả bom có thể được điều chỉnh trước khi phóng với các mức 5, 10 và 50 kiloton. Ngoài ra, B61-12 sẽ được trang bị năng lực nổ trên không hoặc xuyên phá trong lòng đất để có thể tiêu diệt cả những boong ke kiên cố...
Ban đầu, B61-12 sẽ được tích hợp cho “pháo đài bay” B-52, oanh tạc cơ tàng hình B-2, máy bay tiêm kích đa nhiệm F-15E, chiến đấu cơ đa nhiệm F-16, máy bay chiến đấu Tornado. Kể từ thập niên 2020, vũ khí này sẽ tiếp tục được tích hợp cho dòng tiêm kích F-35A của không quân, và sau đó là oanh tạc cơ tầm xa thế hệ kế tiếp LRS-B. Dự kiến, B61-12 sẽ thay thế các dòng bom B61-3, B61-4, B61-7 và B61-10.
Tờ The South China Morning Post dẫn thông báo của Lầu Năm Góc hồi đầu tháng 8 cho biết Mỹ đã hoàn tất giai đoạn phát triển và thử nghiệm B61-12 kéo dài 4 năm và có thể sản xuất hàng loạt từ năm 2020. Tổng thống Barack Obama tuyên bố theo kế hoạch bước đầu, 180 quả bom sẽ được triển khai tại 5 quốc gia châu Âu, bao gồm Bỉ (20 quả), Đức (20), Ý (70), Hà Lan (20), Thổ Nhĩ Kỳ (50).
Lược đồ về bom hạt nhân thông minh đầu tiên của thế giới Ảnh: Janes/Đồ họa: Thái Nguyên
Bước đi của Nga, Trung Quốc
Nga và Trung Quốc được cho là cũng đang nỗ lực phát triển những dòng vũ khí tương tự trong vài thập niên qua. South China Morning Post dẫn lời chuyên gia quân sự Tống Trung Bình, từng làm việc trong Lực lượng tên lửa chiến lược của Trung Quốc cho biết: “Như nhiều cường quốc hạt nhân khác, Trung Quốc đã bắt đầu phát triển vũ khí hạt nhân chiến thuật nhiều năm trước đây”. Ông cũng thừa nhận công nghệ hạt nhân Trung Quốc đang tụt lại phía sau Mỹ và Nga, đồng thời đang gặp khó khăn trong việc tăng độ chính xác và tìm kiếm loại khí tài để triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Trong khi đó, chuyên gia Nghê Lạc Hùng ở Thượng Hải cáo buộc Mỹ đang chuẩn bị để ứng phó một cuộc xung đột hạt nhân tiềm tàng có thể với Trung Quốc hoặc CHDCND Triều Tiên.
Về phần Nga, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov từ chối bình luận về các thông tin liên quan tới B61-12 nhưng cho biết Moscow vẫn đang phân tích nguy cơ đến từ việc chế tạo các loại vũ khí mới của Washington. Trong khi đó, Hãng tin Sputnik dẫn lời thượng nghị sĩ Viktor Ozerov thuộc Ủy ban An ninh và quốc phòng Thượng viện Nga cảnh báo rằng các chuyên gia hạt nhân của nước này sẽ “cẩn thận nghiên cứu mức độ đe dọa của B61-12 và sẽ có biện pháp giảm đến mức tối thiểu nguy cơ đó, nếu cần thiết”.
Nhận định với South China Morning Post, Giáo sư Jonathan Holslag, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc đương đại tại Brussels, Bỉ, đánh giá B61-12 “gia tăng sự chọn lựa của Mỹ khi cần đối phó các đối thủ tiềm tàng như Trung Quốc, Nga và Iran”. Ông cũng cảnh báo loại vũ khí mới “có thể làm gia tăng nguy cơ leo thang từ một cuộc chiến quy ước thành chiến tranh nguyên tử có tầm hủy diệt”. “Chúng ta có thể đang chứng kiến một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân kiểu mới. Khác với thời Chiến tranh lạnh, số lượng vũ khí trong kho không còn đóng vai trò then chốt mà năng lực phá hủy và độ chính xác mới là vấn đề được chú trọng”, chuyên gia Holslag nhận định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.