Thách thức chờ đợi tân đặc sứ về Trung Đông

29/06/2007 01:09 GMT+7

Ông Tony Blair đã được bổ nhiệm làm Đặc sứ về Trung Đông chỉ vài giờ sau khi rời khỏi vị trí Thủ tướng Anh hôm 27.6. Nhưng cũng như khi còn ở số 10 phố Downing, nhiệm vụ mới của ông Blair không rải đầy hoa hồng.

Theo Reuters, ông Blair đã vượt qua trở ngại cuối để trở thành Đặc sứ về Trung Đông hôm 27.6 khi Nga thôi phản đối sự đề cử được Mỹ, EU và LHQ (các bên còn lại trong Bộ tứ về Trung Đông) ủng hộ trước đó. Chức vụ trên bị để trống kể từ khi ông J.Wolfensohn từ nhiệm vào tháng 5.2006. Thách thức lớn nhất mà ông Blair phải đối diện trong vai trò mới chính là sự tức giận của người Ả Rập đối với các cuộc chiến ở Iraq và Li-băng, và những cảm nhận rằng ông "phát ngôn" cho Tổng thống Mỹ G.Bush. 

Trong 10 năm làm Thủ tướng Anh, ông Blair là một người có chủ trương can thiệp, góp phần đem lại ít nhiều kết quả tích cực trong một số vấn đề trong nước và quốc tế, đáng kể nhất là việc đem lại hòa bình cho Bắc Ireland vốn từng là "cục xương khó gặm" đối với nhiều thế hệ lãnh đạo Anh. Nhưng dẫn đầu nỗ lực tìm hòa bình giữa Israel và Palestine là một thách thức có tầm cỡ khác, nhất là khi danh tiếng ông đang bị vấy bẩn trong mắt người Ả Rập vì đã hậu thuẫn nhiệt thành cho cuộc chiến Iraq. Trong lần cuối cùng xuất hiện  trước quốc hội trong vai trò thủ tướng, ông Blair tỏ ra quyết tâm dù thừa nhận những khó khăn mà ông sẽ gặp trong vai trò mới. "Giải pháp hai nhà nước giữa Israel và Palestine là khả thi. Nhưng điều đó cần sự tập trung và nỗ lực", AP dẫn lời ông Blair.

Giới quan sát cho rằng nhiệm vụ mới sẽ cho ông Blair cơ hội "chuộc lỗi". Quyết định hậu thuẫn Washington trong cuộc chiến Iraq đã biến ông thành "cái gai" trong mắt thế giới Ả Rập và thậm chí ngay trong lòng nước Anh. Ông Blair cũng bị chỉ trích vì theo đuôi Mỹ khi không hành động để chấm dứt cuộc chiến Israel-Hezbollah tại Li-băng hồi năm ngoái. Theo tờ Guardian (Anh), vai trò mới của ông Blair có thể "là sự nhắc nhở những mảng buồn trong đời làm thủ tướng khi ông vấp phải sự ngờ vực của người Ả Rập". Tuy nhiên tờ báo cho rằng ông Blair đáng được tin cậy nếu kiên trì theo đuổi những gì cần thiết để kiến tạo hòa bình giữa Israel và Palestine như đã từng làm trong vấn đề Bắc Ireland. Thư ký báo chí Nhà Trắng T.Snow cho biết Tổng thống Bush "vui mừng" với việc ông Blair dành thời gian cho tiến trình hòa bình Trung Đông, nhưng thận trọng với việc đặt kỳ vọng quá cao đối với cựu lãnh đạo Anh.

Tổng thống Palestine M.Abbas và Thủ tướng Israel E.Olmert đã hoan nghênh việc bổ nhiệm ông Blair, nhưng phe Hamas hiện kiểm soát phần lãnh thổ Palestine ở Dải Gaza có dấu hiệu phản đối. Thông cáo của Bộ tứ cho biết ông Blair "sẽ giúp tạo ra những thể chế khả thi và bền vững cho mọi người Palestine, một nền kinh tế mạnh, có luật pháp và trật tự ở Palestine". Theo tờ Boston Globe, giới chức Mỹ đã khẳng định ông Blair sẽ không can dự vào việc làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình Israel - Palestine do đây là việc Ngoại trưởng C.Rice đang làm. Giới phân tích nhận định chính giới hạn này sẽ thu hẹp cơ hội thành công của ông Blair trong vai trò mới.

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.