Thái Lan không chắc có bầu cử vào đầu năm 2016

15/10/2014 15:15 GMT+7

(TNO) Chính quyền quân sự Thái Lan dự kiến sẽ tiếp tục điều hành đất nước trong thời gian dài vì chính quyền dân sự chưa thể lập vào đầu năm 2016.

Thái Lan không chắc có bầu cử vào đầu 2016
Người dân Thái Lan bỏ phiếu trong một kỳ bầu cử - Ảnh: Minh Quang

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha sáng nay 15.10 cho biết nước này khó có thể tổ chức bầu cử để chọn ra chính quyền dân sự vào đầu 2016 như tuyên bố của quân đội sau khi tổ chức đảo chính và nắm quyền điều hành đất nước, theo Post Today.

Thủ tướng Prayuth giải thích hiến pháp vẫn chưa hoàn thiện trong khi chương trình cải cách và cải tổ chính trị của Thái Lan với 13 lĩnh vực chưa được khởi động để có thể hoàn tất và đạt mục tiêu trước cuối năm 2015.

“Vì vậy khó có thể có bầu cử vào đầu 2016”, Thủ tướng Thái Lan phát biểu với báo chí trước khi lên đường tham dự diễn đàn Á - Âu (ASEM) tổ chức ở Ý trong 3 ngày.

Hồi tháng 8, chính quyền quân sự Thái Lan công bố lộ trình chuyển đổi chính trị cho đất nước này. Theo đó, quân đội sẽ nhanh chóng hoàn thành hiến pháp và tiến hành cải cách để đầu 2016 các đảng chính trị có thể tham gia tranh cử vào hạ viện.

Chuyển động chính trị ở Thái Lan diễn ra khá chậm hơn so với kỳ vọng kể từ sau khi tướng quân đội Prayuth nắm chính phủ. Chính quyền quân sự tạm thời không được Mỹ và phương Tây ủng hộ. Mỹ và EU chỉ trích cuộc đảo chính của quân đội và nhiều lần thúc giục Thái Lan tiến hành bầu cử dân sự.

Kể từ sau cuộc đảo chính hôm 22.5, thiết quân luật vẫn được chính quyền sử dụng để kiểm soát toàn bộ đất nước bất kể những phản đối và đề nghị bãi bỏ ở những khu vực dành cho khách du lịch.

Thủ tướng Prayuth tuần qua vẫn khẳng định sự cần thiết của thiết quân luật và cho rằng đó là “công cụ” để chính quyền quân sự kiểm soát đất nước.

Với thiết quân luật, quân đội cấm người dân tụ tập để bàn tán chuyện chính trị. Chính trị ở Thái Lan rơi vào trạng thái nguội lạnh và đường phố Bangkok khá yên tĩnh trong những ngày nay. “Tương lai chính trị còn đang ở trên mây”, đó là nhận định của The Economist về Thái Lan. Theo tờ báo này, các nhà chính trị gần như bị loại ra khỏi “Cải cách chính trị” của quân đội.

Những nhà chính trị gây ầm ĩ ở nước này đều trở nên im hơi lặng tiếng. Nhà lãnh đạo phong trào biểu tình Suthep Thuagsuban đang hưởng cuộc sống thanh tịnh chốn thiền môn. Ông Abhisist Vejjajiva, chủ tịch đảng đối lập Dân chủ, thỉnh thoảng xuất hiện trên diễn đàn chính trị nhưng vẫn có tin ông này chuẩn bị rút khỏi vai trò lãnh đạo của đảng Dân chủ.

Trong khi cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra sống lặng lẽ kể từ sau khi chính phủ của bà bị đảo chính. Ngay cả anh trai bà là ông Thaksin Shinawatra, đang sống lưu vong ở nước ngoài, cũng không có động thái gì, khiến nhiều người thắc mắc liệu người luôn bị xem là châm ngòi lửa cho những cuộc xung đột chính trị ở Thái Lan đang có kế hoạch gì cho Thái Lan thời hậu đảo chính.

Minh Quang

>> Thái Lan chi 26 tỉ USD cải tạo hệ thống giao thông
>> Cảnh sát Thái Lan truy lùng nghi phạm đánh chết hai du khách Anh
>> Ân xá quốc tế chỉ trích chính quyền quân sự Thái Lan
>> Thủ tướng Thái Lan rút khỏi quân đội
>> Thái Lan chưa khởi tố bà Yingluck vụ trợ giá gạo
>> Tòa Thái Lan từ chối xử cựu Thủ tướng Abhisit
>> Tướng đảo chính làm Thủ tướng Thái Lan
>> Quân đội Thái Lan từ chối kê khai tài sản

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.