Tham vọng hạt nhân của Ấn Độ: Lực đẩy mới, lực cản cũ

15/06/2016 10:10 GMT+7

Trong chuyến công du vừa kết thúc, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi giành được sự hậu thuẫn của Mỹ và Mexico cho việc nước này gia nhập Nhóm các quốc gia cung ứng hạt nhân (NSG).

Đây là tổ chức được thành lập để kiểm soát việc buôn bán, cung ứng chất liệu phóng xạ cũng như chuyển giao công nghệ hạt nhân. Tham gia nhóm này, Ấn Độ không chỉ có điều kiện thuận lợi hơn để phát triển chương trình hạt nhân mà còn gia tăng đáng kể vị thế quốc tế, kéo theo vai trò và ảnh hưởng chính trị.
Tuy chưa ký kết Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), nhưng nhờ những thỏa thuận hợp tác hạt nhân song phương với Mỹ mà Ấn Độ đã hưởng không ít ưu đãi dành riêng cho thành viên NSG. Sự hậu thuẫn nói trên tạo ra cú hích quan trọng mới cho Ấn Độ trên con đường trở thành thành viên của nhóm.
Nhà máy điện nguyên tử Kakrapar ở bang Gurajat, Ấn Độ AFP
Tuy nhiên, lực đẩy mới này chưa đủ để vô hiệu hóa lực cản cũ là sự chống đối của Trung Quốc. Nước này lâu nay tỏ ra không đồng tình, thậm chí ngăn cản Ấn Độ được kết nạp vào NSG. Lý do được đưa ra là New Delhi chưa tham gia Hiệp ước NPT.
Thực chất, Bắc Kinh lo ngại về triển vọng phát triển hạt nhân của Ấn Độ, nhất là khi Washington chủ động dỡ bỏ những trở ngại pháp lý để thúc đẩy hợp tác với New Delhi trong lĩnh vực này.
Lợi ích chiến lược của Trung Quốc là không để Ấn Độ trở thành đối thủ ngang bằng, không để Mỹ và Ấn Độ thúc đẩy hợp tác hạt nhân song phương và không để Ấn Độ vượt trội Pakistan về hạt nhân. Cho nên chưa biết khi nào Ấn Độ mới vượt qua được lực cản cũ này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.