Thấp thỏm sóng thần

01/03/2010 00:43 GMT+7

* Hơn 300 người thiệt mạng vì động đất ở Chile Sóng thần cao hơn 2m hôm qua ập vào một số nơi trên Thái Bình Dương nhưng không gây ra thiệt hại đáng kể nào.

Hàng trăm ngàn người đã phải di tản vào hôm qua sau khi nhận được cảnh báo về những đợt sóng mạnh gây ra do trận động đất 8,8 độ Richter tại Chile hôm 27.2. Cơn địa chấn tạo nên hàng loạt đợt sóng cực lớn ở khu vực Thái Bình Dương, mỗi đợt cách nhau khoảng 20 phút. Tuy nhiên so với dự đoán ban đầu của giới khoa học, chúng ập vào bờ muộn hơn và yếu hơn.

Chính quyền Nhật Bản hôm qua cũng đã ra lệnh sơ tán 320.000 người tại vùng bờ biển phía đông. “Bất cứ giá nào cũng xin đừng tiếp cận bờ biển”, Thủ tướng Yukio Hatoyama phát biểu trên truyền hình. Đến chiều hôm qua, nhiều đợt sóng cao 1,2m đã ập vào một số vùng của Nhật Bản, gây ngập lụt tại nhiều bến cảng. Nhờ các biện pháp chuẩn bị kỹ lưỡng mà đến nay, chưa có thương vong xảy ra tại những khu vực bị sóng thần tấn công.

Bão lớn ập vào châu u

Từ hôm 27.2, bão lớn kèm gió mạnh lên đến 140 km/giờ đã tràn qua nhiều khu vực ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Pháp, gây thiệt hại nặng nề và khiến ít nhất 25 người thiệt mạng. Cơn bão Xynthia khiến Bộ trưởng Nội vụ Tây Ban Nha Alfredo Perez Rubalcaba cảnh báo người dân tránh ra đường, trong khi nhà chức trách Bồ Đào Nha phát báo động trên toàn quốc. Cây ngã và ngập lụt gây chết người tại cả 3 nước trong khi hệ thống dây điện bị đánh sập khiến hơn 1 triệu gia đình tại Pháp, từ bán đảo Brittany đến Massif Central, chìm trong bóng tối. Hơn 100.000 ngôi nhà trên khắp Tây Ban Nha mất điện vì bão. Nhiều chuyến bay đã bị hủy còn hệ thống giao thông công cộng gần như tê liệt. Dự kiến bão sẽ đổ bộ vào Anh, nơi vẫn chưa thoát khỏi ngập lụt sau đợt thời tiết bất thường từ đầu năm.

Một cơn sóng cao 2m cũng đổ vào quần đảo Kuril (còn gọi là Chishima trong tiếng Nhật) - vốn đang bị Nga và Nhật tranh chấp, theo AFP. Vùng đông nam bán đảo Kamchatka của Nga cũng hứng chịu sóng thần nhưng chính quyền địa phương chưa đưa ra báo cáo thiệt hại nào. Hoàn cảnh cũng tương tự tại Úc, New Zealand, Philippines và nhiều vùng khác như Hawaii. Đến chiều qua, Trung tâm Cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương đã hủy bỏ cảnh báo cho 53 nước và vùng lãnh thổ, trong khi Tokyo hạ mức báo động từ “nghiêm trọng” xuống “bình thường”.  

Tuy nhiên, chính phủ nhiều nước vẫn đang theo dõi sát sao tình hình thiên tai. Ký ức về đợt sóng thần giết chết hơn 200.000 người cách đây 5 năm ở châu Á vẫn còn in đậm. Các chuyên gia dự báo sóng thần vẫn sẽ còn tiếp diễn trong vòng khoảng 12 giờ tới và kêu gọi người dân chưa nên quay lại sinh hoạt bình thường. Các quan chức Philippines vẫn giữ nguyên kế hoạch sơ tán. Dân cư các vùng thuộc diện có nguy cơ cao vẫn phải qua đêm trong các lán trại dựng tạm hoặc trong các khu tập trung trong tâm trạng thấp thỏm và hồi hộp.

Trong khi đó, giới chức Chile hôm qua cho hay hơn 300 người đã thiệt mạng, 150 người còn mất tích và khoảng 2 triệu người bị ảnh hưởng bởi trận động đất thuộc loại lớn nhất lịch sử. Các trận dư chấn dữ dội vẫn làm rung chuyển nhiều khu vực khiến công tác cứu nạn gặp nhiều khó khăn trong khi hệ thống giao thông, liên lạc vẫn chưa được phục hồi. Nhiều nơi như Santiago và Concepcion vẫn còn đổ nát ngổn ngang và tình cảnh khá hỗn loạn khi hàng trăm ngàn người dân tháo chạy và tìm kiếm người thân, giữa lúc tình trạng hôi của xảy ra rải rác. Chính phủ nhiều nước như Mỹ, Pháp và Trung Quốc cùng nhiều tổ chức trên thế giới cam kết sẽ nhanh chóng gửi cứu trợ để giúp Chile khắc phục hậu quả thiên tai.

Tuy nhiên, Chính phủ Chile đã yêu cầu thế giới đợi cho đến khi giới hữu quan đưa ra đánh giá đầy đủ về mức độ thiệt hại và những gì cần thiết. “Chúng tôi rất biết ơn thiện chí của mọi người nhưng xin giữ cho việc giúp đỡ không gây rối thêm tình hình”, AFP dẫn lời Ngoại trưởng Mariano Fernandez. Khác với Haiti, nơi hơn 200.000 người đã chết vì trận động đất 7,2 độ Richter hồi tháng 1 vừa qua và không thể tự mình gượng dậy, Chile là nước có khả năng tự ứng phó hiệu quả với thảm họa. Chắc chắn chính quyền Santiago không muốn đất nước rơi vào tình trạng hỗn loạn vì giành giật cứu trợ như tại Haiti.   

Tối 28.2, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần của VN - ông Lê Huy Minh khẳng định, trận động đất ở Chile gây sóng thần tại Thái Bình Dương sẽ không có khả năng ảnh hưởng đến vùng biển của nước ta. “Thông thường chúng tôi nhận các cảnh báo sóng thần đối với VN từ Trung tâm Cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương và Trung tâm Tư vấn sóng thần bắc Thái Bình Dương. Từ ngay sau khi xảy ra trận động đất tại Chile, các trung tâm này liên tục phát đi các bản tin cảnh báo sóng thần nhưng đến tối 28.2, cả hai trung tâm kể trên không hề có cảnh báo sóng thần cho VN”, ông Minh nói.

Quang Duẩn

Trọng Kha

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.