Thế hệ lãnh đạo thứ 6 của Trung Quốc

18/05/2009 22:08 GMT+7

Mặc dù việc chuyển giao quyền lực giữa thế hệ lãnh đạo thứ 4 và thứ 5 vẫn còn đang diễn ra, Trung Quốc đã bắt đầu giới thiệu dàn lãnh đạo tương lai thuộc thế hệ thứ 6.

Họ bắt đầu trưởng thành trong giai đoạn cải tổ kinh tế của Trung Quốc vào những năm 80 thế kỷ trước. Đối với họ, Cách mạng Văn hóa là một dĩ vãng xa xưa. Không giống như các nhà lãnh đạo hiện tại thuộc thế hệ thứ 4, với phần lớn là kỹ sư tốt nghiệp trong nước, đặc biệt là từ Đại học Thanh Hoa, họ là những chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, luật pháp và khoa học chính trị. Họ là những ngôi sao đang lên trên chính trường Trung Quốc, sẵn sàng điều hành đất nước sau 10 năm nữa.

Những dấu hiệu

Nhiều lời đồn đoán đã bắt đầu rộ lên trong giới phân tích tình hình Trung Quốc, rằng thế hệ lãnh đạo tương lai của nước này đã được chọn sau khi cơ quan phát ngôn cho Đảng Cộng sản Trung Quốc, Nhân dân Nhật báo, đã đặt 5 nhân vật trong độ tuổi 40 lên trang bìa của một ấn phẩm có tên Nhân vật Toàn cầu. Những nhà lãnh đạo đang lên hiện tại cũng có cùng sự đối đãi như trên trước khi được cất nhắc vào cơ quan quyền lực nhất Trung Quốc - Bộ Chính trị - vào năm 2007, theo ghi nhận của tờ Straits Times (Singapore).

Đúng là không nói trước được chuyện gì có thể xảy ra trong lĩnh vực chính trị, tuy nhiên, việc công bố thông tin rộng rãi như trên đã phát đi tín hiệu về cách thức thế hệ lãnh đạo hiện tại muốn đất nước sẽ được lèo lái theo hướng nào. Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn muốn việc chuyển giao quyền lực diễn ra một cách hòa bình và có tính toán. “Tất nhiên Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn tiếp tục tiến hành việc lựa chọn các nhà lãnh đạo tương lai và để họ chờ đợi sẵn sàng trong khoảng 2 thập niên. Khi đó, họ sẽ tránh bước vào vết xe đổ như thế hệ thứ 2, thời Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương”, tạp chí Forbes dẫn lời chuyên gia phân tích chính trị Michael Davis thuộc Đại học Trung Hoa Hồng Kông.

Thế hệ mới

Những ngôi sao mới thuộc thế hệ lãnh đạo thứ 6 của Trung Quốc gồm Chủ tịch tỉnh Hồ Nam Chu Cường, Chủ tịch tỉnh Hà Bắc Hồ Xuân Hoa, Bộ trưởng Nông nghiệp Tôn Chính Tài và Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Lục Hạo. Nur Bekri, Chủ tịch khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, cũng xuất hiện trên trang bìa của tạp chí Nhân vật Toàn cầu cùng với 4 người trên, nhưng có rất ít thông tin về ông này và đây được xem là “con ngựa ô” trong cuộc đua vào ghế lãnh đạo tương lai.

 

Những “ngôi sao” đang lên trên chính trường Trung Quốc (từ trái sang): Chu Cường, Hồ Xuân Hoa, Lục Hạo, Tôn Chính Tài, Nur Bekri - Ảnh: Forbes, Xjtnews.com

Theo Tân Hoa xã, trong số đó, hai ông Chu Cường và Hồ Xuân Hoa được Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Phó thủ tướng Lý Khắc Cường đỡ đầu. Người cố vấn cho Tôn Chính Tài là Phó chủ tịch Tập Cận Bình. Riêng ông Lục Hạo có đến 2 cố vấn là Tập Cận Bình và Tăng Khánh Hồng, nguyên Phó chủ tịch nước thuộc thế hệ lãnh đạo thứ 4.

Theo Forbes, đứng trên một số phương diện thì thế hệ lãnh đạo thứ 6 có điểm tương đồng với thế hệ lãnh đạo thứ 5, với 2 nhân vật trung tâm là Phó chủ tịch Tập Cận Bình và Phó thủ tướng Lý Khắc Cường. Đến Đại hội Đảng Trung Quốc lần thứ 18 vào năm 2012, ông Tập và ông Lý được dự kiến sẽ thay thế Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo - thuộc thế hệ thứ 4 để lãnh đạo Trung Quốc cho đến năm 2022. Nếu Chủ tịch và Thủ tướng Trung Quốc hiện tại tốt nghiệp ngành kỹ sư thì hai ông Tập, Lý học kinh tế và luật. Đảng Cộng sản nước này thường có truyền thống cất nhắc các kỹ sư lên vị trí hàng đầu, nhưng các ngành khoa học xã hội cũng rất phổ biến trong giới lãnh đạo kế tiếp. “Lịch sử và kinh tế học đang tạo sự thay đổi mới mẻ trong giai tầng xã hội cấp cao vốn chủ yếu thiên về kỹ nghệ của giới lãnh đạo Trung Quốc. Thời của họ đã đến, do những thực tế phát triển kinh tế nước này mang lại”, Forbes dẫn lời Philip Kuhn, nhà viết sử về Trung Quốc tại Đại học Harvard. Một nền tảng và sự rèn luyện trong các môn khoa học xã hội sẽ trang bị tốt hơn cho thế hệ lãnh đạo trẻ trong việc xử lý các thách thức kinh tế xã hội ngày một tăng tại quốc gia Đông Á.

Một trong những điều đáng chú ý là không có thành viên nào của thế hệ thứ 6 thuộc vào dạng con dòng cháu giống, là con cháu của những lãnh đạo trước đây. Phó chủ tịch Tập Cận Bình và một vài người thế hệ thứ 5 là con cái của giới lãnh đạo thời trước. Cụ thể, Tập Cận Bình là con trai của Tập Trọng Huân, một lãnh đạo thế hệ thứ nhất. Và thế hệ thứ 6, có độ tuổi từ 42 đến 49, càng thêm xa cách với những kinh nghiệm thời Cách mạng Văn hóa từ năm 1966 đến 1976.

Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để nghĩ rằng thế hệ thứ 6 đã được xây dựng xong, theo Forbes dẫn lời chuyên gia Lý Thành của Viện Brookings (Mỹ). Theo ông này, mọi chuyện phụ thuộc vào thế hệ lãnh đạo thứ 5 của Trung Quốc. Có thể họ không muốn sẽ sớm bị thay thế, hoặc có thể dàn lãnh đạo thế hệ thứ 5 không muốn dành quá nhiều ánh hào quang cho những hậu duệ trong lúc quyền lực thực sự vẫn chưa đến tay họ.

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.