Thử lý giải nguyên nhân khiến Tổng thống Trump hủy họp thượng đỉnh Mỹ-Triều

Bảo Vinh
Bảo Vinh
25/05/2018 15:15 GMT+7

Sự do dự từ 2 phía cũng như quan điểm không nhất quán trong nội bộ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là nguyên nhân khiến cuộc hội đàm Singapore bị hủy.

Tối 24.5, Tổng thống Donald Trump đưa ra thông báo gây bất ngờ cho nhiều nước, trong đó có đồng minh Hàn Quốc, là sẽ hủy cuộc gặp lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore vào ngày 12.6. Giới chuyên gia nhận định có nhiều nguyên nhân góp phần dẫn đến quyết định nói trên.
Mỹ hiểu sai lập trường của Triều Tiên
Tổng thống Trump được coi là người mở đầu và cũng là người đưa ra quyết định dập tắt hy vọng cho cuộc gặp ở Singapore. Ngày 8.3, cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Chung Eui-yong có chuyến thăm Washington và truyền đạt thông điệp rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un ngỏ ý sẵn sàng gặp Tổng thống Trump để bàn về việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Ông Chung khi đó vừa kết thúc chuyến thăm Bình Nhưỡng và gặp ông Kim.
Tổng thống Trump cho rằng chiến dịch gây sức ép tối đa của mình đã buộc ông Kim ngồi vào bàn đàm phán nên quyết định nắm bắt thời cơ, đề nghị ông Chung công bố thông tin này cho báo chí.
Tuy nhiên, có thể Tổng thống Mỹ chưa nắm bắt được ý nghĩa của việc phi hạt nhân mà phía Triều Tiên diễn đạt. Theo tờ The Guardian, Triều Tiên muốn việc phi hạt nhân phải là một quá trình đàm phán dài lâu trong đó nước này muốn được coi là một cường quốc hạt nhân, ngang hàng với Mỹ.
Cần nhớ rằng nhà lãnh đạo Kim chỉ đưa đề xuất đối thoại với Hàn Quốc - và sau đó là Mỹ - sau khi có được khả năng răn đe đáng tin cậy là phát triển được đầu đạn hạt nhân và kết hợp được đầu đạn đó với tên lửa đạn đạo, như tuyên bố hồi tháng 1. Do đó, Triều Tiên tự coi nước này có vị thế sức mạnh trên bàn đàm phán.
Trong khi đó, chính quyền Trump lại hiểu việc phi hạt nhân là Triều Tiên đơn phương từ bỏ toàn bộ kho vũ khí hủy diệt và chương trình tên lửa đạn đạo để đổi lại được dỡ bỏ lệnh cấm vận. Điều này được chứng minh qua nhiều tuyên bố của các quan chức chính quyền Trump rằng việc gây sức ép vẫn tiếp tục cho đến khi đạt được thỏa thuận.
Chính quyền Trump bị cho là hiểu sai quan điểm của Triều Tiên về việc phi hạt nhân hóa AFP
Mô hình Libya
Đài NBC News ngày 25.5 dẫn lời nhiều quan chức chính quyền Trump nói rằng quyết định hủy hội đàm cho thấy sự bất đồng giữa các cố vấn cấp cao. Các quan chức giấu tên này tiết lộ Ngoại trưởng Mike Pompeo đổ lỗi cho Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton làm sụp đổ những nỗ lực được gây dựng thời gian qua. Ông Pompeo đã 2 lần đến Triều Tiên để chuẩn bị cho cuộc gặp và đóng góp lớn trong việc Bình Nhưỡng thả 3 công dân Mỹ.
Theo Thư ký toàn soạn Ankit Panda của tạp chí The Diplomat, việc cuộc hội đàm bị hủy bắt đầu từ phát ngôn của ông Bolton. Cụ thể, trong cuộc phỏng vấn ngày 29.4, ông Bolton nói Mỹ sẽ sử dụng mô hình Libya cho việc giải trừ vũ khí hạt nhân Triều Tiên, đưa toàn bộ các đầu đạn hạt nhân và trang thiết bị liên quan đến Mỹ để hủy bỏ.
Năm 2003, lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi đồng ý dỡ bỏ và giao lại chương trình hạt nhân còn thô sơ của nước này để được giảm cấm vận. Tuy nhiên, điều khiến Triều Tiên lo ngại chính là sự kiện vào 8 năm sau đó, khi ông Gaddafi bị phe nổi dậy do phương Tây hậu thuẫn lật đổ.
Tổng thống Trump và Phó tổng thống Mike Pence sau đó đề cập lại việc giải trừ chương trình vũ khí hạt nhân của Libya, càng khiến Triều Tiên lo ngại rằng đó là lời cảnh báo về hậu quả sau này. Sự đe dọa khiến phía Triều Tiên tức giận và đưa ra tuyên bố chỉ trích, dẫn đến việc Tổng thống Trump hủy bỏ cuộc hội đàm. Trong bức thư ngày 24.5, Tổng thống Trump cũng nói lý do hủy bỏ cuộc gặp là do những tuyên bố "đầy giận dữ và thù địch" của phía Triều Tiên gần đây.
Sự mâu thuẫn trong cách tiếp cận của các quan chức chính quyền Trump bị cho là một phần nguyên nhân khiến hội đàm bị hủy Reuters
Sự chần chừ của 2 bên
Đối với Mỹ, sự chần chừ được thể hiện qua cách tiếp cận mà giới lãnh đạo muốn áp dụng đối với việc phi hạt nhân Triều Tiên. Cố vấn Bolton được cho là người muốn giải quyết vấn đề này theo cách dứt điểm ngay lập tức trong khi Ngoại trưởng Pompeo lại lưỡng lự giữa phương án này và việc giải trừ dần dần.
Trong khi đó, phía Triều Tiên cũng cho thấy sự chần chừ qua việc im lặng trong công tác chuẩn bị cho hội đàm những ngày qua. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trả lời trong phiên điều trần tại thượng viện ngày 24.5 rằng phía Mỹ gặp khó khăn trong việc tổ chức cuộc thượng đỉnh vì phía Triều Tiên đã giữ im lặng.
Trang Business Insider dẫn lời một quan chức Nhà Trắng giấu tên cho biết Triều Tiên và Mỹ hồi tuần trước đồng ý cử quan chức gặp nhau tại Singapore để chuẩn bị về hậu cần cho cuộc thượng đỉnh tuy nhiên chỉ có quan chức Mỹ đến, còn phía Triều Tiên thì không thấy đâu. "Chúng tôi cứ chờ mãi chờ hoài trong khi phía Triều Tiên không xuất hiện", quan chức này nói.
Cựu thành viên hội đồng an ninh quốc gia Mỹ Victor Cha nhận định “Tổng thống Trump không muốn bay một chặng đường xa đến đó (Singapore) nhưng phía Triều Tiên lại không có mặt ở đó”. Ông Cha cho biết Triều Tiên cũng từng làm điều tương tự trong thời gian các bên tổ chức đối thoại để phi hạt nhân vào năm 2007.
Nhiều quan chức chính quyền Mỹ nói với NBC News rằng “Tổng thống Trump sợ Triều Tiên sẽ tung ra cú đấm nên muốn là người đầu tiên hủy bỏ cuộc hội đàm”.
Dù vậy, các chuyên gia nhận định việc hủy hội đàm không phải là điều quá tồi tệ cho nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Trong bức thư gửi lãnh đạo Triều Tiên, Tổng thống Trump viết: “Nếu ông thay đổi ý định về cuộc gặp quan trọng nhất này thì đừng ngần ngại gọi điện hoặc viết thư cho tôi”.
Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Kim Kye-gwan sau đó cũng tuyên bố sẵn sàng đối thoại trực tiếp với Mỹ để giải quyết mọi vấn đề “bất cứ khi nào và bằng bất cứ cách nào”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.