Thụy Sĩ đau đầu với “du lịch tự tử”

29/10/2009 17:51 GMT+7

(TNO) Mỗi năm ở Thụy Sĩ có khoảng 400 người chọn hình thức tự tử với sự hỗ trợ của một tổ chức nào đó một cách hợp pháp, trong đó có khoảng 130 người nước ngoài. Nếu chỉ tính riêng Anh Quốc, đã có ít nhất 100 trường hợp chọn Thụy Sĩ là điểm đến để được giúp đỡ... tự tử. Những con số này đang khiến người Thụy Sĩ phiền lòng, bởi không muốn mang tiếng là điểm đến hấp dẫn cho hình thức… du lịch tự tử.

Con tự tử, cha mẹ chứng kiến

Kể từ lúc uống ly nước trắng đục như sữa và ngả đầu xuống cái gối to, Daniel James, cầu thủ bóng bầu dục từng tràn đầy sức sống, biết rõ sẽ chẳng có sự thay đổi nào nữa.

 
Sự ra đi của một người lúc nào cũng để lại bao đau đớn cho người sống - Ảnh minh họa: AFP

Chỉ trong vòng 2, 3 phút, người thanh niên 23 tuổi nhắm mắt lại, nhịp thở chậm dần và không biết gì nữa. Anh ta đang từ từ đi qua thế giới bên kia một cách bình thản. Cơ thể cường tráng của chàng cầu thủ bóng bầu dục chuyên nghiệp người Anh ngày nào bắt đầu lạnh ngắt. Anh ta đã chết, chết bằng cách chọn hình thức hỗ trợ tự tử ở một đất nước xa lạ: Thụy Sĩ. Ly nước trắng đục kia chính là thuốc ngủ cực mạnh.

Nơi James tự tử là một căn phòng nằm trong Dignitas, cơ sở y tế tư ở Thụy Sĩ chuyên cung cấp dịch vụ hỗ trợ tự tử cho những người bệnh không còn thiết tha với cuộc sống nữa. Ở cuối giường là một cái camera ghi lại mọi động thái, để Dignitas gửi cho cảnh sát sau đó nhằm chứng minh là James hoàn toàn tự nguyện tự tử.

Đứng cạnh anh ta là một tình nguyện viên hỗ trợ tự tử cùng ông Mark James và bà Julie James. Họ chính là cha mẹ của James. Họ vừa chứng kiến từ đầu tới cuối giây phút tự tử của đứa con rứt ruột đẻ ra.

Gia đình James sau đó ra một tuyên bố: “Cái chết này là một sự mất mát đau buồn cùng cực cho gia đình, bạn bè và những ai đã chăm sóc con chúng tôi, nhưng rõ ràng đó lại là sự giải thoát khỏi cái cơ thể mà con chúng tôi đã coi là nhà tù”.

Riêng bà Julie James cho biết thêm con trai của bà, sau một tai nạn khi chơi bóng bầu dục đã bị liệt, không thể đi đứng được, tay thì dù không hoạt động nhưng các ngón tay lại gây đau đớn kinh niên. James cũng không điều khiến được cơ thể, chân cứ co giật liên tục và cần có người chăm sóc 24/24.

“Dù không phải ai trong tình huống của Daniel (James) đều cảm thấy không thể chịu đựng được như Daniel nhưng một người lấy quyền gì để nói với người khác là phải sống một cuộc đời đầy sợ hãi, lo lắng và đau đớn như thế?”, báo Times Online dẫn lời bà Julie James.

Cũng theo lời người mẹ, Dignitas là lựa chọn duy nhất cho con bà: “Daniel đã tìm cách tự tử 3 lần nhưng đều bất thành do tình trạng khuyết tật của mình. Ngoài cách nhịn ăn cho tới chết, đến Thụy Sĩ là lựa chọn tiếp theo của nó”.

Kinh doanh tự tử?

Cái chết của James, mặc dù đã xảy ra từ hơn một năm nay nhưng vẫn đang gây tranh cãi ở nhiều nơi. Bản thân hình thức hỗ trợ tự tử (cung cấp phương tiện, chẳng hạn như thuốc ngủ, để bệnh nhân kết liễu cuộc đời) hay cái chết êm ái (hành động được tính toán cẩn thận, ví dụ tiêm thuốc hoặc rút các thiết bị hỗ trợ sự sống ra khỏi cơ thể bệnh nhân để chết) đã đầy tranh cãi. Cái chết của James càng gây xôn xao hơn, bởi anh ta không hề bị một chứng bệnh nan y giai đoạn cuối nào và còn quá trẻ (23 tuổi).

Một cuộc nghiên cứu hồi năm ngoái ở Thụy Sĩ cho thấy ngày càng có nhiều người nước ngoài tìm đến đây để được giúp đỡ tự tử.

Ở cương vị một quốc gia, chúng tôi chẳng hề mong muốn là điểm đến hấp dẫn cho hình thức du lịch tự tử
Bộ trưởng Tư pháp Thụy Sĩ Eveline Widmer-Schlumpf
Luật pháp Thụy Sĩ cho phép hình thức hỗ trợ tự tử, tức giúp những bệnh nhân nan y kết liễu cuộc đời mình. Ngoại trừ trường hợp người giúp đỡ tự tử hành động không phải theo mong muốn của bệnh nhân, chuyện truy tố khó lòng xảy ra được.

Tuy nhiên, trước “trào lưu” đến Thụy Sĩ để tự tử đang ngày càng có khuynh hướng gia tăng, người ta bắt đầu lo ngại sự lạm dụng điều luật kể trên, nhất là để trục lợi (đối với các cơ sở y tế cung cấp hình thức hỗ trợ tự tử).

Hãng truyền thông BBC dẫn lời Bộ trưởng Tư pháp Thụy Sĩ Eveline Widmer-Schlumpf phát biểu hôm 28.10 rằng, cần phải hành động để hình thức hỗ trợ tự tử không trở thành “ngành kinh doanh bị thúc đẩy bởi yếu tố lợi nhuận”.

Hành động

Chính phủ Thụy Sĩ hôm 28.10 đã công bố chi tiết 2 đề nghị sẽ được gửi cho quốc hội, một cấm hoàn toàn hình thức hỗ trợ tự tử, một thắt chặt các quy định liên quan đến hình thức này.

Những người am hiểu tình hình cho rằng phía quốc hội có lẽ sẽ nghiêng về phía thắt chặt kiểm soát hơn là cấm hoàn toàn hỗ trợ tự tử.

Một trong những đề nghị thắt chặt kiểm soát có việc bệnh nhân muốn được hỗ trợ tự tử phải trình rõ 2 văn bản hợp pháp ghi 2 ý kiến y khoa khác nhau, cho thấy họ đang mắc một chứng bệnh nan y nào đó và chỉ còn vài tháng để sống. Như vậy, những người bị các loại bệnh kinh niên hoặc các chứng bệnh về tâm thần sẽ “không có cửa” để được hỗ trợ tự tử tại Thụy Sĩ.

Bộ trưởng Widmer-Schlumpf nêu đích danh rằng, một khi những quy định như thế này được quốc hội thông qua, các cơ sở như Dignitas sẽ bị truy tố trước pháp luật nếu không chịu tuân thủ.

Trong tuyên bố của mình, bộ Tư pháp Thụy Sĩ nêu rõ tự tử chỉ phải được xem là giải pháp cuối cùng và bộ này ủng hộ việc bảo vệ sự sống của con người.

Đoan Nhật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.