Toan tính quân sự của Trung Quốc khi xây kênh đào ở Thái Lan

01/06/2015 13:07 GMT+7

(TNO) Ngoài mục đích kinh tế, việc Trung Quốc ký kết xây dựng một kênh đào tại miền nam Thái Lan còn nhằm phá vỡ tầm ảnh hưởng của Hải quân Mỹ tại khu vực này, theo truyền thông Hồng Kông.

(TNO) Ngoài mục đích kinh tế, việc Trung Quốc ký kết xây dựng một kênh đào tại miền nam Thái Lan còn nhằm phá vỡ tầm ảnh hưởng của Hải quân Mỹ tại khu vực này.

Khu trục hạm Changchun (lớp 052C Lữ Dương II) của hải quân Trung Quốc được xem là lớp tàu chiến hùng mạnh nhất của nước này, trang bị radar mảng pha chủ động và tên lửa tầm xa HHQ-9  - Ảnh: AFP

Trang tin Want China Times (Đài Loan) ngày 1.6 dẫn bản tin tiếng Hoa của Tuần san Á châu (Hồng Kông) cho biết Trung Quốc và Thái Lan vừa ký kết thỏa thuận xây dựng một kênh đào tại khu vực Kra Isthmus (miền nam Thái Lan).

Kênh đào này một khi hoàn thành sẽ cho phép tàu chở dầu của Trung Quốc từ Vịnh Thái Lan đi thẳng ra biển Andaman thuộc Ấn Độ Dương mà không cần phải băng qua eo biển Malacca, nơi đang bị nạn cướp biển hoành hành.

Ngoài ra, kênh đào Kra cũng sẽ giúp rút ngắn 1.200 km đường biển và giảm từ 2 đến 5 ngày cho việc lưu thông giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, theo Tuần san Á châu.

Nhật báo Đông Phương (Hồng Kông) cho biết theo thỏa thuận ký giữa 2 bên, kênh đào Kra sẽ có 2 luồng, sâu 25 m, dài 102 km và rộng 400 m. Dự kiến, dự án sẽ mất 10 năm để hoàn thành, với chi phí lên đến 28 tỉ USD.

Đồ họa dự kiến về kênh đào Kra – Ảnh: statestimesreview.com

Sau khi Nhật báo Đông Phương đăng tải bản tin nói trên, chính phủ Trung Quốc và Thái Lan đã lên tiếng bác bỏ. Tuy nhiên, Tuần san Á châu bình luận bất chấp thông tin có thật hay không, nó đã thu hút sự chú ý của thế giới vì lợi ích lớn lao của dự án này đối với Trung Quốc.

Đầu tiên, theo Tuần san Á châu, dự án xây kênh Kra phù hợp với chiến lược Vành đai kinh tế (trên bộ) và Con đường Tơ lụa (trên biển) do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất, nhằm tăng tính kết nối và hợp tác trong khu vực Á Âu.

Thứ hai, ngoài lợi ích về kinh tế, kênh đào này có lẽ đóng vai trò rất quan trọng đối với quân đội Trung Quốc, Tuần san Á châu nhận định.

Hiện tại, nhờ mối quan hệ đồng minh với Singapore, Mỹ đã kiểm soát eo biển Malacca. Chiến hạm Mỹ được phép ra vào quân cảng của Singapore và nếu có phát sinh “sự cố” liên quan đến Trung Quốc, Hải quân Mỹ có thể dễ dàng phong tỏa eo biển quan trọng này, theo Tuần san Á châu.

Do đó, nếu nắm trong tay kênh Kra, Bắc Kinh có thể bẻ gãy thế kìm kẹp của Mỹ trong khu vực, tuần san Hồng Kông bình luận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.