Dương Chí Dũng: Bỏ trốn là sai lầm lớn của tôi

12/12/2013 18:48 GMT+7

(TNO) Ngày 12.12, trả lời thẩm vấn của tòa về việc mua ụ nổi 83M gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 366 tỉ đồng, các bị cáo đã đổ tội lẫn nhau. Bị cáo Dương Chí Dũng cho rằng việc bỏ trốn vì quá hoảng loạn chứ không phải nhằm trốn tránh trách nhiệm.

>> Con đường quan chức và phạm tội của Dương Chí Dũng
>> Những hình ảnh đầu tiên phiên xử Dương Chí Dũng và đồng phạm
>> Cuộc chạy trốn ly kỳ của Dương Chí Dũng
>> Xét xử Dương Chí Dũng và các đồng phạm
>> Xét xử 'đại án' tham nhũng tại Vinalines: Dương Chí Dũng có tới 3 luật sư bào chữa   


Một trong số các ụ nổi thuộc dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển phía nam do ông Dương Chí Dũng (ảnh nhỏ) phê duyệt đang bỏ trống, không hoạt động - Ảnh: Diệp Đức Minh

Là người đầu tiên được tòa gọi thẩm vấn, bị cáo Dương Chí Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - Vinalines) tỏ ra khá bình tình, trả lời rành mạch các câu hỏi.

Theo bị cáo này, dự án đầu tư sửa chữa nhà máy đóng tàu phía nam có chủ trương đầu tư từ năm 2006 và thời điểm này bị cáo là Tổng giám đốc, đã ký trình đề án để HĐQT thông qua. Đến tháng 1.2007, bị cáo lên làm Chủ tịch HĐQT, thời điểm này cũng chỉ thực hiện dự án theo Nghị quyết đã được tập thể HĐQT thông qua: “Quyết định cho dự án là của tập thể, còn tôi chỉ là đứng đầu”, bị cáo Dũng nói.

Bị cáo Dũng cho rằng, khi có văn bản đồng ý bổ sung dự án vào quy hoạch ngành hàng hải của Chính phủ, bị cáo hiểu đã được chấp nhận về chủ trương nên giao ban giám đốc lập dự án ngay. Quá trình làm việc với cơ quan điều tra sau khi bị khởi tố, truy nã, bắt giam mới hiểu là phải chờ dự án được Bộ Giao thông vận tải cập nhật trong quy hoạch ngành mới có giá trị.

Không chỉ đạo ai khi mua ụ nổi

Trong chủ trương mua ụ nổi 83M, bị cáo này cho rằng không hề chỉ đạo tác động đến ai, vì tập thể HĐQT đã giao cho Tổng giám đốc Mai Văn Phúc đảm nhận.

"Tôi không can thiệp gì, không bao giờ chỉ đạo cụ thể anh em trong tổng công ty làm gì", bị cáo này quả quyết.

Trả lời trước tòa, Dương Chí Dũng cho biết, bản thân có biết ụ nổi được sản xuất từ năm 1965, chủ sở hữu ở Nga nhưng phải mua qua một công ty ở Singapore, bị cáo đã băn khoăn về việc này nhưng được báo cáo nếu mua qua Nga gặp rắc rối về thủ tục. Bị cáo cũng lý giải việc thay đổi phương thức vận chuyển ụ nổi về Việt Nam từ phương án lai dắt bằng cách chở trên tàu nâng trọng tải lớn làm tăng chi phí đầu tư là do trước đây Vinashin cũng từng mua hai chiếc tương tự nhưng quá trình kéo về Việt Nam đều bị đắm, chìm cả hai.

“Sau khi mua ụ, tôi cũng không chỉ đạo gì cụ thể vì tất cả việc đó là của ban giám đốc. Không bao giờ tôi can thiệp bất cứ điều gì với việc làm của Tổng giám đốc vì quan hệ cá nhân giữa tôi và anh Phúc không tốt. Tôi không bao giờ chỉ đạo công việc của anh em là vì thế”, Dương Chí Dũng giải trình.

Trả lời chủ tọa, bị cáo này cho biết trong quá trình cơ quan công an vào cuộc điều tra bị cáo đã đến cơ quan điều tra làm việc. “Họ hỏi gì thì tôi đáp nấy và không ý thức được là sai phạm như thế nào”, bị cáo Dũng cho biết.

“Đến ngày 17.5.2012, nghe tin bị khởi tố tôi hoảng quá bỏ trốn, lúc đó cứ nghĩ làm thế nào để đi càng xa Hà Nội càng tốt”, bị cáo nói.

“Đến giờ tôi nhận thức rằng việc bỏ trốn là sai lầm lớn của tôi nhưng không phải là nhằm trốn trách nhiệm”, bị cáo Dũng nói.

Đổ lỗi cho cấp dưới

Trả lời thẩm vấn, bị cáo Mai Văn Phúc, nguyên Tổng giám đốc Vinalines, cũng đổ lỗi cho hoàn cảnh là không tham gia dự án từ đầu vì từ thời điểm 1.4.2007 mới lên làm Tổng giám đốc. Bị cáo này thừa nhận có nhận được báo cáo về tờ trình về dự án nhưng theo quy trình qua nhiều cấp mà bản thân mình chỉ là thành viên không có tiếng nói quyết định.

Khi chủ tọa hỏi căn cứ nào để khảo sát ụ nổi, căn cứ nào khảo sát ở Nga chứ không phải một nơi khác, tại sao không đấu thầu, chào giá?

“Thời điểm đó tôi mới về, chưa nắm được thông tin nên chỉ căn cứ theo đề nghị của anh Trần Hữu Chiều (Phó tổng giám đốc) và các ban tham mưu trong tổng công ty”, bị cáo đáp.

Bị cáo này cũng cho biết, trong quá trình xem xét mua ụ nổi 83M đã tham khảo thêm một ụ nổi 194 của Mỹ sản xuất năm 1988 và đã có chỉ đạo bằng bút phê xem xét để mua. “Thế nhưng sau đó anh Chiều báo lại là chỉ có ụ 83M đáp ứng được yêu cầu duy nhất của tổng công ty”, bị cáo Phúc nói.

Bị cáo này cũng giải thích lý do không mua ụ nổi qua chủ sở hữu Nga mà mua qua công ty môi giới là do thời điểm đó, chủ sở hữu có tình hình rất phức tạp. “Các vấn đề này tôi được đoàn khảo sát và các bộ phận báo cáo lại, tôi tin cậy nên giao hết cho anh Chiều”, bị cáo cho biết.

“Bị cáo thấy trách nhiệm của mình như thế nào khi mua một mặt hàng cho công ty mà chỉ tin vào các báo cáo?”, chủ tọa hỏi.

“Những điều này tôi đã nhận thức rõ từ sau khi bị cơ quan công an bắt giữ”, bị cáo Phúc đáp.

Bị cáo Mai Văn Phúc cũng cho biết, do nghi ngờ Dương Chí Dũng vận động không cho mình lên làm tổng giám đốc nên giữa hai bên có mâu thuẫn đến mức: “không bao giờ bàn bạc riêng với nhau về việc gì, mà chủ yếu chỉ thông qua các cuộc họp tập thể”.

Đáng chú ý, trong phần thẩm vấn đã có một số bị cáo phản cung, cho rằng đã bị điều tra viên ép cung.

Trong đó, bị cáo Lê Văn Dương (nguyên cán bộ Cục Đăng kiểm Việt Nam) cho rằng trong quá trình bị bắt giữ đã yêu cầu có luật sư nhưng không được chấp nhận. Giải thích sự khác nhau giữa lời khai trong bản cung và trước tòa, bị cáo này còn cho rằng đã được điều tra viên viết sẵn rồi ký vào.

Tương tự, bị cáo Lê Ngọc Triện, Lê Văn Lừng (nguyên cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa) cho rằng đã làm đúng quy trình thủ tục theo quy định pháp luật, việc thừa nhận sai phạm trong kiểm tra cho thông quan nhập khẩu ụ nổi là bị ép cung.

Thái Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.