Một nghệ sĩ Đức triển lãm ảnh về Việt Nam

29/10/2009 12:17 GMT+7

(TNTT>) Jochen là nhiếp ảnh gia, kiêm đạo diễn người Đức. Ông đến Việt Nam từ thời chiến và trở lại Việt Nam nhiều lần trong thời bình để rong ruổi khắp những nẻo đường nước ta, chụp những bức hình sống động

Jochen mang đến triển lãm lần này 127 bức ảnh. 107 bức ảnh trong số đó đã được trưng bày tại triển lãm sắp đặt.   Thanh Niên TT & GT may mắn tiếp cận được nhà nhiếp ảnh, kiêm đạo diễn rất nặng nợ với đất nước này, và ông đã bỏ ra 3 tiếng đồng hồ để trò chuyện rất cởi mở. 

Được biết đây là cuộc triển lãm ảnh sắp đặt, nhưng có 20 bức ảnh không được triển lãm, như vậy có phá vỡ ý tưởng ban đầu của ông không?

Đúng như bạn nói, vì là triển lãm sắp đặt, mỗi tấm ảnh như một mắt xích, việc mất đi 20 “mắt xích” khiến tôi phải sắp xếp lại ý tưởng rất nhiều lần. Tuy nhiên, hiện tại mọi việc vẫn ổn vì tôi vẫn có thể diễn đạt được những gì mình muốn với những bức ảnh còn lại.

Thật ra đây cũng là lần đầu tiên tôi vấp phải tình huống như thế. Trước đây tôi đã từng có hai cuộc triển lãm ảnh về VN ở Đức vào năm 2003 và năm 2006. Cả hai cuộc đều diễn ra một cách suôn sẻ, thành công. Còn lần này có trục trặc nho nhỏ, tuy nhiên tôi là người không thích than thở. Khi sống ở Đức, tôi vẫn thường uống bia với những Việt kiều ở đó, thỉnh thoảng họ than thở sao ở Đức thuế cao quá, hoặc giá cả đắt đỏ, tôi cũng chia sẻ với họ, nhưng nếu họ cứ than vãn đủ điều thì thật sự tôi không thích.

Vậy trong hai cuộc triển lãm trước ông đã nhận được những phản hồi như thế nào từ người xem? Và cuộc triển lãm lần này ông mong đợi điều gì?

Ảnh trong hai cuộc triển lãm trước hầu hết đều là ảnh về chiến tranh ở VN, và thường mọi người xem xong chỉ nói: “Xin cảm ơn đã cho chúng tôi những bức ảnh này”. Bạn biết đấy hiện nay có rất nhiều người châu u, châu Mỹ rất muốn được xem những bức ảnh như thế để hiểu rõ những gì binh lính nước họ đã gây ra ở VN. Vì thế, những cuộc triển lãm như vậy thu hút được rất nhiều người xem. Còn với cuộc triển lãm lần này, trước tiên tôi phải nói đây chỉ là cái nhìn rất cá nhân của tôi chứ không phải cái nhìn của đa số người Đức về VN trong thời chiến và cả trong thời bình. Tôi chỉ muốn chia sẻ cái nhìn của mình với những người bạn Việt, những người mà tôi yêu quý, chứ không mong muốn tuyên bố hay truyền đạt bất cứ điều gì cả. Và tất nhiên, tôi cũng mong muốn những người bạn Việt cũng sẽ chia sẻ với tôi về những cảm xúc của họ sau khi xem ảnh.

Theo cách nói của ông thì có vẻ ông rất yêu  đất nước con người Việt Nam, nhưng có  thể tình cảm đó là dành cho những người dân quê chân chất, những cảnh đẹp nông thôn yên bình mà ông đã đi qua, còn đối với TP.HCM, một thành phố bận rộn và ngày nào cũng kẹt xe thì ông cảm nhận như thế nào?

Tôi yêu VN không chỉ  bởi những cảnh đẹp hoặc những con người thân thiện, mà còn vì VN chứa một phần tuổi trẻ của tôi. Lần đầu tiên tôi đến VN là vào năm 1967 với vai trò là nhiếp ảnh của các đoàn bác sĩ cứu trợ của Cộng hòa Liên bang Đức tại Hội An. Khi đó tôi mới 21 tuổi, tôi đã được chứng kiến rất nhiều đau thương mất mát của những người xung quanh tôi.

Năm 2003 tôi quay lại đây, và từ đó hầu như năm nào tôi cũng sang VN, rong ruổi trên những nẻo đường về miền Trung, cao nguyên, miền Tây... Giờ này, khi ngồi đây nói chuyện với bạn là tôi đã sống được ở Sài Gòn hơn 2 tháng rồi đó. Tôi ở quận 2, mỗi ngày tôi đều chạy vào trung tâm thành phố để làm các thủ tục cần thiết cho cuộc triển lãm, và tất nhiên mỗi ngày tôi cũng đối mặt với nạn kẹt xe như bất kỳ người dân Sài Gòn nào. Tôi không nói là tôi yêu khói bụi, tôi thích kẹt xe, nhưng tôi nghĩ khói bụi và kẹt xe thì ở thành phố nào cũng có, nên tôi tập làm quen với nó. Tuy nhiên có một điều thú vị mà tôi phát hiện trong những lần kẹt xe là cho dù mọi người ai cũng cáu giận, hoặc căng thẳng khi bị kẹt xe, nhưng nếu tôi quay sang chào họ, và cười với họ thì họ cũng sẽ cười và chào tôi. Thậm chí có khi những người đứng cạnh còn vẫy tay và nói “hello”, như vậy là họ cũng thân thiện đấy chứ?!

Ông trở lại VN từ năm 2003 vậy vì sao phải mất đến 6 năm sau mới có cuộc triển lãm này?

Thật ra ý tưởng về cuộc triển lãm đã có trong tôi từ rất lâu rồi, nhưng tôi chưa thể thực hiện bởi lý do về tài chính. Bạn biết đấy, cuộc triển lãm của tôi không nhằm mục đích kinh tế, vì thế để tổ chức được nó tôi phải để dành tiền. Tôi sống ở Đức, mỗi năm, tôi làm việc kiếm tiền hết ¾ thời gian, ¼ thời gian còn lại tôi sang VN rong ruổi trên những quãng đường từ thành phố đến nông thôn, từ đồng bằng đến cao nguyên để chụp ảnh, chuẩn bị cho cuộc triển lãm của tôi.

Lần này tôi gặp may vì quen biết một người bạn làm việc ở Tổng lãnh sự Đức. Cô ấy đã giúp tôi rất nhiều về khâu tổ chức triển lãm, và nhờ có sự tài trợ của Lãnh sự quán Đức tôi mới có thể thực hiện cuộc triển lãm này. Trước đó tôi nghĩ có thể mình phải tốn ít nhất 10 năm mới thực hiện được cuộc triển lãm này đấy (cười).

 
 

Đây là các bức ảnh trong số 107 bức ảnh Jochen giới thiệu tại triển lãm. Những bức ảnh luôn thể hiện cái nhìn thiện cảm dành cho đất nước mà Jochen cho rằng nó chứa một phần tuổi trẻ của mình

•Cuộc triển lãm ảnh "Nhịp cầu thời gian" của Jochen diễn ra từ ngày 25-10 đến 8-11 tại nhà triển lãm 92 Lê Thánh Tôn, TP. HCM.

•Triển lãm kết hợp nghệ thuật sắp đặt thể hiện những góc nhìn của Jochen về con người VN trong quá khứ và trong hiện tại.

•Jochen Voigt sinh năm 1946 tại Hamburg, Đức.

Sau khi tốt nghiệp trường nhiếp ảnh tại Hamburg, ông làm việc cho hãng nhiếp ảnh Conti-Press và nhiều nhật báo ở Đức. Sau đó ông được cử sang VN hoạt động nhiếp ảnh cho các đoàn bác sĩ cứu trợ của Cộng hòa Liên bang Đức tại hội An. Jochen rời VN cuối năm 1968. Từ năm 1984 ông làm đạo diễn và sản xuất khá nhiều phim tài liệu chủ đề về con người. Ông cũng là tác giả của nhiều đầu sách ảnh, nổi tiếng nhất là hai cuốn: Thời khắc của Việt Nam Thời khắc của Mekong

Lê Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.