Tranh cãi quanh hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD): Nhà Trắng muốn xoa dịu Moscow

24/11/2011 10:57 GMT+7

Các nghị sĩ Cộng hòa hiện đang phản đối kịch liệt việc Nhà Trắng có ý định chuyển cho phía Nga dữ liệu về kỹ thuật tên lửa đánh chặn.

Các nghị sĩ Cộng hòa hiện đang phản đối kịch liệt việc Nhà Trắng có ý định chuyển cho phía Nga dữ liệu về kỹ thuật tên lửa đánh chặn.

Nỗ lực của chính quyền Mỹ nhằm trấn an Nga, vốn không bằng lòng với việc triển khai hệ thống lá chắn phòng thủ  tên lửa (NMD) ở châu u, đã khiến Quốc hội Mỹ nổi giận. Các nghị sĩ thuộc Đảng Cộng hòa nhận ra rằng Washington sẵn sàng chuyển cho Moscow thông tin mật về loại tên lửa đánh chặn của Mỹ, chỉ nhằm xoa dịu nỗi lo  của phía Nga liên quan đến việc hình thành NMD châu u.

Đàm phán bí mật

Báo Kommersant trích dẫn các nguồn tin từ Mỹ cho biết Washington hy vọng thuyết phục được Moscow rằng loại tên lửa đánh chặn không có khả năng bắn hạ tên lửa đạn đạo của Nga. Tuy nhiên, sau khi biết chính quyền Tổng thống (TT) Barack Obama có động thái trên, các nghị sĩ Cộng hòa đã yêu cầu Nhà Trắng ngừng ngay các cuộc đàm phán bí mật.

 

Tàu hải quân Mỹ USS Hopper bắn thử nghiệm tên lửa SM-3 - Ảnh: defense-update

Mỹ đã không chỉ một lần nhượng bộ Nga khi cố chứng minh tính chất vô hại của hệ thống NMD. Mới tháng 10 vừa qua, Washington đã chính thức mời các chuyên gia Nga tham dự cuộc phóng thử nghiệm tên lửa đánh chặn SM-3 và đến thăm căn cứ hải quân Peterson ở Colorado-Springs, nơi đặt tổng hành dinh của hệ thống liên hợp phòng thủ không gian vũ trụ (NORAD).
Phía Nga đã có thái độ lạnh nhạt trước lời mời này bởi vì Moscow nghi ngờ rằng họ nhận được những dữ liệu không đáng tin cậy. Liên quan đến vấn đề trên, gần đây, sau khi đến Moscow, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman phụ trách các vấn đề chính trị lưu ý rằng các đại diện của Nga có thể sử dụng bất kỳ thiết bị đo đạc nào tại các cuộc thử nghiệm để xác định hệ thống NMD không đe dọa sức mạnh hạt nhân của Nga.
Trước đó, cũng trong tháng 10, bà Ellen Tausher, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề kiểm soát vũ trang và an ninh quốc  tế, đã đến Nga. Bà đề nghị trao cho phía Nga các dữ liệu về kỹ thuật của tên lửa đánh chặn trên biển SM-3, là cốt lõi của hệ thống phòng thủ tên lửa, chẳng hạn thông tin về tốc độ mà tên lửa đánh chặn này có khả năng đạt được. Những dữ liệu trên, viết tắt là VBO, cho phép xác định có thể tiêu diệt tên lửa như thế nào. Ngoài ra, tốc độ thấp của các tên lửa đánh chặn là một minh chứng rằng chúng không thể đe dọa các tên lửa của Nga.

Trong khi đó, sau khi biết về lời đề nghị mới của Washington, các nghị sĩ có ảnh hưởng của Đảng Cộng hòa cáo buộc Nhà Trắng đã tiến hành đàm phán bí mật với Moscow mà họ cho rằng điều đó có thể đe dọa đến an ninh của Mỹ. Như lời hứa của Chủ tịch Tiểu ban Vũ trang chiến lược Michael Turner, Ủy ban Quốc phòng hạ viện Mỹ đã làm tất cả để buộc chính quyền từ bỏ kế hoạch chuyển cho Nga bất kỳ thông tin nào về dữ liệu kỹ thuật tên lửa của Mỹ. Thượng nghị sĩ bang Illinois Mark Kirk đã gửi thư cho ông Michael McFaul, giám đốc phụ trách mảng nước Nga tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, được chỉ định làm tân đại sứ Mỹ tại Nga, với yêu cầu giao mọi thông tin về các cuộc đàm phán bí mật với Nga về NMD.

Sức ép từ Đảng Cộng hòa

Tham vọng của Mỹ

Về vấn đề NMD, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phản ứng rất gay gắt. Ông nhận định Mỹ sẵn sàng triển khai NMD trên tàu chiến không chỉ ở Địa Trung Hải như đã từng khẳng định trước đây, mà cả ở biển Đen, biển Barents, biển Bắc và biển Baltic. Ông Lavrov tuyên bố: “Tất cả vẫn cứ lặp lại một luận điệu mà chúng tôi đã được nghe từ đầu: Đừng lo, hệ thống NMD không nhằm chống lại Nga đâu! Thế nhưng, điều đó không thể làm chúng tôi yên lòng”.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã không khẳng định hay bác bỏ sự kiện tiến hành đàm phán với Moscow về các dữ liệu kỹ thuật tên lửa đánh chặn Mỹ. Tuy nhiên, sự can thiệp của các nghị sĩ Cộng hòa sẽ làm tổn hại sáng kiến mới của chính quyền Mỹ. Thậm chí nếu như Moscow quan tâm, chính quyền TT Obama sẽ phải mất một thời gian dài thuyết phục các nghị sĩ Cộng hòa rằng sáng kiến nêu trên không đe dọa đến an ninh của Mỹ. Và cuối cùng, Nhà Trắng hoặc sẽ chính thức bác bỏ sự tồn tại của sáng kiến đó hoặc từ bỏ nó mà không giải thích vì sao.

Chuyện tương tự cũng đã xảy ra với bản tuyên bố mà lẽ ra hai TT Mỹ-Nga đã phải ký kết tại Hội nghị G8 ở Dovile (Pháp) hồi tháng 5. Tuyên bố này nhằm xóa bỏ nỗi lo của Moscow rằng hệ thống NMD là nhằm chống lại nước này. Theo báo Kommersant, Bộ Ngoại giao Mỹ đã soạn trước một bản dự thảo giống như sáng kiến của Thứ trưởng Ellen Tausher. Thế nhưng, một vài ngày trước khi diễn ra hội nghị, TT Obama đã từ chối ký văn kiện này. Nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đó là do sức ép của Lầu Năm Góc và Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA).

Hiện nay, cả Nga lẫn Mỹ đều công nhận rằng cuộc tranh cãi chung quanh hệ thống NMD vẫn đang dừng ở điểm chết. Moscow đòi hỏi phải có bảo đảm về pháp lý rằng các tên lửa phòng thủ của Mỹ không nhằm chống lại Nga. Thế nhưng, Washington chỉ sẵn sàng thuyết phục về điều đó bằng lời nói chứ không phải bằng văn bản. Thế là, cuối tháng 10 vừa qua, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định khả năng xóa bỏ bất đồng ngày càng giảm đi.

Các nghị sĩ Cộng hòa tin chắc rằng Moscow hoàn toàn không quan tâm đến việc tìm kiếm sự thỏa hiệp. Theo họ, các chuyên gia Nga chỉ muốn sử dụng cuộc đàm phán để nhận được thông tin mới về các kế hoạch quân sự của Mỹ. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman cũng công nhận rằng cuộc đàm phán Nga-Mỹ về phòng thủ tên lửa hiện đang dừng ở một điểm phức tạp. Tuy vậy, bà vẫn hy vọng về sự tiến bộ sau này.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.