Triều Tiên tuyên bố sản xuất 'thần dược'

20/06/2015 08:02 GMT+7

Hãng thông tấn KCNA ngày 19.6 dẫn lời giới chức CHDCND Triều Tiên tuyên bố nước này đã sản xuất thành công một loại thuốc “có khả năng chữa khỏi rất nhiều loại bệnh mà y học hiện đại bó tay”.

Hãng thông tấn KCNA ngày 19.6 dẫn lời giới chức CHDCND Triều Tiên tuyên bố nước này đã sản xuất thành công một loại thuốc “có khả năng chữa khỏi rất nhiều loại bệnh mà y học hiện đại bó tay”.

Cụ thể, loại thuốc mang tên Kumdang-2 được quảng cáo là có công dụng “cực kỳ hữu hiệu” trong việc điều trị Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) đang lây nhiễm tại Hàn Quốc, Ebola, AIDS, ung thư, lao phổi, thậm chí là cả “các tác hại do sử dụng máy tính quá nhiều”.
Theo KCNA, Kumdang-2 chứa tinh chất nhân sâm và một số nguyên tố đất hiếm. Loại thuốc này được Công ty dược Pugang của Triều Tiên bắt đầu nghiên cứu sản xuất từ năm 1989 và gần đây “đã đạt thành công đột phá”.
Các chuyên gia và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chưa có phản ứng về các tuyên bố trên. Chính quyền Bình Nhưỡng hiện đang siết chặt các biện pháp kiểm soát tại cửa khẩu và sân bay nhằm ngăn chặn dịch MERS lan tới Triều Tiên. Hồi năm ngoái, nước này từng ra lệnh cấm du khách nhập cảnh trong 4 tháng để ngừa Ebola.
Trong một diễn biến khác, Đài Asahi loan tin CHDCND Triều Tiên đang tiến hành đặt 2 bức tượng mới của Chủ tịch Kim Nhật Thành và lãnh đạo Kim Jong-il (Kim Chính Nhật) tại một loạt đại sứ quán nước này. Phóng viên của Đài truyền hình Nhật ở Moscow, Nga đã quay được cảnh 2 bức tượng được chuyển từ một toa xe lửa lên xe tải để chở về Đại sứ quán Triều Tiên.
Cả quá trình đều được lực lượng an ninh 2 nước bảo vệ cực kỳ nghiêm ngặt. Theo Asahi, 2 bức tượng cao bằng người thật và là bản sao của 2 tượng cao 3 m đặt tại Cung kỷ niệm Kumsusan ở Bình Nhưỡng. Sau Nga, Triều Tiên được cho là sẽ tiếp tục đặt tượng mới tại tất cả các đại sứ quán ở châu Âu, còn tại Trung Quốc việc này đã được hoàn tất trước đó.
Bình Nhưỡng chưa có bình luận về thông tin trên, vốn được đưa ra sau khi Hãng thông tấn KCNA cho biết nước này đang trải qua trận hạn hán nặng nề nhất trong vòng 100 năm, gây lo ngại về nguy cơ thiếu hụt lương thực.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.