Trong rủi có may ?

10/04/2018 18:05 GMT+7

Trong hơn 2 tuần qua, giữa lúc quan hệ thương mại Mỹ - Trung căng thẳng, giá dầu lại giảm đáng kể.

Ngày 9.4, giá dầu WTI trên thị trường New York (Mỹ) ở mức 62,3 USD/thùng, giảm hơn 5% so với mức 65,9 USD/thùng trong đợt cao điểm cuối tháng 3. Giá dầu Brent cùng ngày trên thị trường London (Anh) là 67,42 USD/thùng, cũng thấp hơn đáng kể so với mức 70,45 USD/thùng của ngày 23.3.
Đây là kết quả bất ngờ khi nhiều tháng qua, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu (OPEC) hợp tác với Nga cắt giảm sản lượng khiến giá dầu tăng mạnh trong năm 2017. Dù nhiều nhà khai thác dầu đá phiến của Mỹ và một số nước khác tăng cường sản lượng bù vào nhưng giá dầu vẫn ở mức cao. Đến khi Mỹ tăng thuế nhập khẩu đối với thép, giá thành của dầu đá phiến tăng lên do chi phí mua thép dùng cho đường ống dẫn tăng lên.
Đến khi Mỹ và Trung Quốc quyết ăn miếng trả miếng về thương mại thì tình hình đã thay đổi. Tăng trưởng kinh tế cũng như sản lượng công nghiệp Mỹ lẫn nhiều nước đều bị dự báo tụt giảm, đồng nghĩa với nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu cũng giảm theo nên giá dầu bị kéo xuống.
Vì thế, có thể xem trong cái rủi có cái may. Thương mại căng thẳng giúp giá dầu giảm, nhờ đó có thể kích thích ngược lại sản xuất để ứng phó với tình hình khó khăn hiện tại, nhằm giảm bớt rủi ro từ tranh chấp giữa Mỹ và Trung Quốc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.