Trung Quốc bị cáo giác lập lữ đoàn tên lửa uy hiếp biển Đông

04/07/2012 03:05 GMT+7

Lữ đoàn tên lửa 827 tại Thiều Quan, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc đang bị cho là nhằm vào các bên đang tham gia tranh chấp trên biển Đông.

Tờ Liên Hợp của Đài Loan ngày 2.7 loan tin Trung Quốc đã thành lập một lữ đoàn tên lửa mang số hiệu 827 với căn cứ đặt tại thành phố Thiều Quan của tỉnh Quảng Đông. Tờ báo dẫn các nguồn giấu tên cho hay, đến tháng 3.2012, căn cứ trên vẫn đang trong giai đoạn xây dựng nhưng các xe chở tên lửa và bệ phóng đã được đưa đến đây.

 Trung Quốc bị cáo giác lập lữ đoàn tên lửa uy hiếp biển Đông
Xe chở tên lửa được cho là Đông Phong 16 - Ảnh: Liên Hợp

Phân tích hình ảnh do nguồn tin cung cấp, các chuyên gia quân sự nhận định với Liên Hợp rằng quân đội Trung Quốc có thể sẽ biên chế tên lửa chống hạm Đông Phong-21D và tên lửa tầm trung Đông Phong-16 cho Lữ đoàn 827.

Động thái “hăm dọa”

Chính quyền Trung Quốc chưa có bình luận gì về thông tin trên nhưng vào ngày 3.7, hàng loạt báo đài của đại lục, Hồng Kông đều đăng lại vấn đề này, kể cả Tân Hoa xã. Giới quan sát nhận định việc lập lữ đoàn tên lửa ở một tỉnh miền nam như Quảng Đông có thể nằm trong chiến lược tranh giành chủ quyền trên biển Đông của Bắc Kinh, thậm chí là cố tình uy hiếp các bên khác. Tờ Liên Hợp chỉ rõ tên lửa Đông Phong-16 có tầm bắn 1.200 km trong khi khoảng cách từ Hà Nội đến Thiều Quan chỉ có 1.000 km.

Trước đó, hồi tháng 5, báo The China Post dẫn nguồn tin tình báo Đài Loan cho hay Trung Quốc sắp hoàn tất căn cứ không quân mới mang tên Thủy Môn ở một tỉnh miền nam khác là Phúc Kiến. Căn cứ này có thể được dùng để ngăn chặn tàu chiến, máy bay của Mỹ và Nhật Bản hay các nước khác tiến vào biển Đông và Hoa Đông trong trường hợp xảy ra xung đột ở những khu vực tranh chấp. Quân đội Trung Quốc đã điều nhiều chiến đấu cơ J-10, Su-30, máy bay tấn công không người lái và tên lửa S-300 tới căn cứ Thủy Môn.

Mặt khác, cuối tháng trước, Trung Quốc ngang nhiên vi phạm chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa khi tuyên bố lập thành phố Tam Sa và xây dựng bộ chỉ huy quân sự Tam Sa. Tờ Tin báo Hồng Kông đánh giá thêm rằng việc xuất hiện thông tin thành lập Lữ đoàn 827 cùng những tuyên bố nói trên có ý nghĩa tương hỗ lẫn nhau, nằm trong âm mưu “đe dọa, giương oai” nhằm vào các bên có tranh chấp trên biển.

Sáng 3.7, đội tàu hải giám Trung Quốc gồm 4 tàu số 83, 84, 71 và 66 chính thức đến những bãi đá và đảo mà nước này chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo Tân Hoa xã, ngay khi đến nơi, đội này ngang nhiên ra thông cáo bằng các thứ tiếng Anh, Hoa và Thái với nội dung tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trong khi Trung Quốc liên tục có những động thái xâm phạm chủ quyền và gây lo ngại cho các bên thì tờ Nhân Dân Nhật Báo của nước này ngày 3.7 lại đăng bài bình luận chỉ trích Philippines đang thực hiện “âm mưu khuấy động căng thẳng”. Bài viết được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Philippines Benigno Aquino III tiết lộ với Reuters rằng ông có thể yêu cầu Mỹ điều máy bay do thám tới biển Đông.

Minh Trung

Tên lửa DF-21D và DF-16

Các chuyên gia quân sự cho rằng Đông Phong-21D (DF-21D) là tên lửa đạn đạo chống tàu 2 tầng, tầm bắn tối đa 3.000 km và có khả năng tấn công các mục tiêu đang di chuyển trên biển, bao gồm cả tàu sân bay. DF-21D được cho là có vận tốc gấp 10 lần vận tốc âm thanh. Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn cho rằng DF-21D phải mất nhiều năm thử nghiệm mới có thể được đưa vào tác chiến.

Trong khi đó, tên lửa Đông Phong-16 (DF-16), với tầm bắn 1.200 km và có sức công phá đáng kể. Báo Liên Hợp dẫn lời chuyên gia Rick Fisher tại Trung tâm chiến lược và đánh giá quốc tế ở Washington nhận định rằng DF-16 là phiên bản cải tiến của tên lửa tầm ngắn DF-15 với nhiều thay đổi về tầm bắn, nhiên liệu tên lửa rắn, hệ thống hướng dẫn và thiết kế đầu đạn. Ông Fisher còn cho rằng DF-16 có thể đánh bại tên lửa đánh chặn PAC-3 mà Đài Loan mua từ Mỹ.

Đến nay, Bắc Kinh vẫn chưa có tuyên bố cụ thể nào về tính năng và kế hoạch triển khai tác chiến đối với 2 loại tên lửa này.

Văn Khoa

Lucy Nguyễn

>> Báo Nhật Bản chỉ trích việc thành lập “TP.Tam Sa”
>> Kiên quyết phản đối việc Trung Quốc thành lập “thành phố Tam Sa”
>> Âm mưu Tam Sa của Trung Quốc
>> Đội tàu hải giám Trung Quốc diễn tập ở biển Đông
>> Nhật Bản ủng hộ lập trường VN về biển Đông
>> Cần kíp cho ra đời Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông
>> Trung Quốc tổ chức tuần tra hải quân trên biển Đông
>> Hội nghị biển Đông tại Washington
>> Đội tàu hải giám Trung Quốc trên biển Đông
>> Nhật, Indonesia cam kết hợp tác về biển Đông
>> Mỹ - Philippines bắt tay xây dựng Trung tâm giám sát biển Đông
>> Ngang nhiên thâu tóm biển Đông
>> Tàu Trung Quốc tràn ngập biển Đông
>> Mỹ sắp điều thêm tàu chiến đến biển Đông
>> Biển Đông là tài sản của thế giới

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.