Trung Quốc chính thức điều tra ông Chu Vĩnh Khang

30/07/2014 09:00 GMT+7

Trung Quốc hôm qua tuyên bố chính thức mở cuộc điều tra cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Chu Vĩnh Khang.

 
Ông Chu Vĩnh Khang (giữa) khi còn quyền cao chức trọng - Ảnh: Reuters

Tân Hoa xã ngày 29.7 đưa tin Đảng Cộng sản Trung Quốc đã quyết định điều tra ông Chu Vĩnh Khang (71 tuổi) do tình nghi “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng” (cụm từ thường được dùng để ám chỉ hành vi tham nhũng). Cuộc điều tra sẽ do Ủy ban Kiểm tra kỷ luật T.Ư tiến hành và quyết định điều tra phù hợp với điều lệ đảng cũng như các quy định chống tham nhũng hiện hành.

Theo BBC, ông Chu là chính khách cao cấp nhất của Trung Quốc bị điều tra kể từ phiên tòa xử bè lũ 4 tên về tội danh chống đảng vào đầu thập niên 1980. Với cương vị Chủ nhiệm Ủy ban Chính pháp trước khi về hưu năm 2012, ông Chu từng nắm trong tay toàn bộ các bộ máy cảnh sát, tình báo dân sự, tòa án và viện kiểm sát. Trong thời gian ông Chu tại chức, ngân sách dành cho an ninh quốc nội thậm chí cao hơn cả ngân sách quốc phòng. 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vốn xác định chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng trong thời gian cầm quyền của mình và đã cam kết xử lý mạnh tay quan chức tham nhũng ở mọi cấp. Theo Reuters, bằng cách ra lệnh điều tra ông Chu, ông Tập đã phá vỡ luật bất thành văn là các ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị sẽ không bị điều tra sau khi về hưu. Do vậy, quyết định điều tra ông Chu chẳng khác nào một cơn địa chấn chính trị ở Trung Quốc.

Cách đây khoảng 1 năm, vào tháng 8.2013, tờ South China Morning Post từng đưa tin các lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhất trí mở cuộc điều tra ông Chu về cáo buộc tham nhũng. Vào tháng 12.2013, Reuters dẫn một số nguồn tin thân cận với lãnh đạo chính phủ Trung Quốc tiết lộ ông Chu bị quản thúc tại gia. Những tin đồn về số phận của ông Chu đã rộ lên từ khi đồng minh thân cận là cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai “ngã ngựa” hồi năm 2012.

Thông tin ông Chu sẽ bị điều tra bắt đầu lan truyền sau khi 4 quản lý cấp cao của Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC), nơi ông Chu từng lãnh đạo vào đầu thập niên 1990, bị liệt vào diện điều tra tham nhũng. Theo South China Morning Post, cuộc điều tra sẽ tập trung vào thời gian ông Chu làm việc tại CNPC cũng như giai đoạn ông giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Tứ Xuyên (1999 - 2002). 

Ông Chu Vĩnh Khang sinh năm 1942, người tỉnh Giang Tô, tốt nghiệp Viện Dầu khí Bắc Kinh (nay là Đại học Dầu khí Trung Quốc) vào năm 1966. Sau đó, ông Chu làm việc trong ngành dầu khí và thăm dò địa vật lý ở tỉnh Liêu Ninh trước khi được đề bạt làm thị trưởng một thành phố thuộc tỉnh này vào năm 1983. Những vị trí khác ông Chu từng giữ gồm: Thứ trưởng Công nghiệp dầu khí (1985 - 1988), lãnh đạo Tập đoàn dầu khí quốc gia (1996 - 1998), Bộ trưởng Đất đai và tài nguyên (1998 - 1999). Ông là Bí thư Tỉnh ủy Tứ Xuyên giai đoạn 1999 - 2002 rồi vào Bộ Chính trị và giữ chức Bộ trưởng Công an đến năm 2007. Ông trở thành Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, lãnh đạo Ủy ban Chính pháp từ năm 2007 - 2012.

Minh Trung

“Tấn công khủng bố” tại Tân Cương

Tân Hoa xã hôm qua đưa tin hàng chục người đã thiệt mạng và bị thương trong một vụ “tấn công khủng bố” tại Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương. Theo thông tin ban đầu, vào rạng sáng 28.7, một nhóm xách dao và mã tấu đã xông vào đồn cảnh sát và các văn phòng chính phủ tại Yarkant, thị trấn gần biên giới với Tajikistan. Cảnh sát đã bắn chết hàng chục thành viên của nhóm này. Vẫn chưa rõ tại sao phải mất hơn một ngày truyền thông chính thống của Trung Quốc mới đưa tin về vụ việc. Hãng BBC dẫn nguồn tin địa phương cho hay ít nhất 13 người đã thiệt mạng, dường như toàn là người Hán, trong khi Tân Hoa xã cho hay số người chết và bị thương có cả người Hán lẫn người Duy Ngô Nhĩ.

H.G

Trùng Quang

>> Trung Quốc bắt đầu điều tra ông Chu Vĩnh Khang
>> Trung Quốc tử hình tỉ phú khai thác mỏ có quan hệ mật thiết với ông Chu Vĩnh Khang
>> Thêm vây cánh của Chu Vĩnh Khang bị điều tra
>> Trung Quốc điều tra thêm 2 quan chức thân cận Chu Vĩnh Khang
>> Một thuộc cấp của Chu Vĩnh Khang bị sa thải, khai trừ đảng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.