Trung Quốc gây bất ổn trên biển Đông

29/05/2011 23:23 GMT+7

Nguy cơ bất ổn vẫn chực chờ trên biển Đông do các hành động “phô trương cơ bắp” của Trung Quốc dưới cái lốt “trỗi dậy hòa bình”.

Một điều rất rõ ràng: căng thẳng ở biển Đông hiện nay chủ yếu xuất phát từ Trung Quốc, xoay quanh các hành động quân sự và bán quân sự (thông qua các tàu ngư chính, hải giám... được cho là có trang bị vũ khí) của nước này. Đây là nhận định của ông Walter Lohman, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á thuộc Viện Nghiên cứu Heritage Foundation (Mỹ). Đúng là có nhiều nước tham gia tranh chấp chủ quyền trong khu vực nhưng đa số các vụ gây hấn, chặn bắt tàu, ngăn cản các hoạt động thăm dò dầu khí đều do phía Trung Quốc gây ra, ông Lohman viết trên website Heritage.org. Cũng không có bên nào trong khu vực đưa ra những tuyên bố, bản đồ ngang ngược và phi lý như đường lưỡi bò của Bắc Kinh.


Tàu chiến Trung Quốc tập trận ở biển Đông hồi tháng 11.2010 - Ảnh: Chinanews.com

Ngày 3.5, phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ gửi công hàm đến TTK LHQ khẳng định 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận không tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Động thái này nhằm nêu ý kiến về công hàm gửi ngày 14.4 của phái đoàn thường trực tại LHQ của Trung Quốc trong đó một lần nữa thể hiện yêu sách đường lưỡi bò. Bắc Kinh viện dẫn những đạo luật biển của chính mình để tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa rồi lồng ghép một cách lập lờ các khái niệm như Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, vùng biển tiếp giáp, thềm lục địa... nhằm chiếm trọn 80% diện tích biển Đông trong đường lưỡi bò. Tờ Japan Times dẫn lời chuyên gia Michael Richardson của Viện Đông Nam Á học (Singapore) nhận định: “Theo luật quốc tế hiện hành thì các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông không hề có cơ sở nào”.

Theo luật quốc tế hiện hành thì các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông không hề có cơ sở nào
Michael Richardson, chuyên gia của Viện Đông Nam Á học Singapore
Như nhiều chuyên gia nhận định, một trong những lý do khiến Trung Quốc ngày càng “hung hăng” trong vấn đề biển Đông là nhằm đẩy mạnh hoạt động khai thác dầu khí tại đây. Hồi tháng 4, tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc đăng tải chuyên đề về biển Đông và gọi vùng biển này là “Vịnh Ba Tư thứ hai”. Tờ báo dẫn lời ông Trương Đại Vĩ, quan chức cấp cao thuộc Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc, nói việc tăng cường thăm dò tìm kiếm ngoài khơi là “chìa khóa” để giải quyết cơn khát năng lượng của Trung Quốc. Trong thời gian qua, tàu Trung Quốc cũng tăng cường quấy nhiễu hoạt động thăm dò dầu khí trong khu vực mà việc cắt cáp của tàu Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn dầu khí Việt Nam hôm 26.5 là ví dụ mới nhất. Hải quân và không quân Trung Quốc cũng đang tăng cường khả năng và khí tài để thể hiện sức mạnh trong khu vực và bảo vệ các dự án năng lượng ngoài khơi của Bắc Kinh, theo Japan Times.

Ngoài ra, còn có nhiều thông tin không chính thức về việc chính quyền Bắc Kinh gây sức ép lên các tập đoàn dầu khí quốc tế muốn hợp tác khai thác với các nước tiếp giáp với biển Đông. Tại diễn đàn an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương mang tên Đối thoại Shangri-La diễn ra tại Singapore hồi tháng 6.2010, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tuyên bố Washington phản đối hành vi “ăn hiếp” các công ty hoạt động ở biển Đông, theo Bloomberg.

Đến nay, các nước đã có phản ứng khá mạnh mỗi khi bị quấy rối trên biển Đông. Điển hình là vụ Philippines đưa máy bay chiến đấu và tàu hải quân chặn tàu Trung Quốc hồi tháng 3. Trước đó, vào cuối tháng 4.2010, máy bay và tàu chiến Malaysia và 3 tàu ngư chính của Trung Quốc “vờn nhau” trong nhiều giờ nhưng không có đụng độ, theo Đài truyền hình Phượng Hoàng ở Hồng Kông. Giới quan sát nhận định, tình trạng biển Đông “dậy sóng” sẽ được bàn thảo tại Đối thoại Shangri-La 2011, dự kiến diễn ra từ ngày 3-5.6 tại Singapore. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt sẽ tham dự diễn đàn năm nay.

Trọng Kha

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.