Trung Quốc gây ô nhiễm biển Đông

30/12/2012 03:20 GMT+7

Trong 3 thập niên qua, tình trạng ô nhiễm do Trung Quốc gây ra khiến diện tích các rạn san hô ở biển Đông và các vùng lân cận giảm hơn 80%.

Đây là kết quả đầy ảm đạm của cuộc khảo sát toàn diện đầu tiên được thực hiện ở các rạn san hô nằm dọc theo Trung Quốc đại lục và biển Đông. Kết quả này được chuyên trang môi trường Ens-newswire.com dẫn nguồn từ nghiên cứu của Giáo sư Terry Hughes, chuyên gia Matthew Young thuộc Trung tâm hội đồng nghiên cứu của Úc về san hô và Đại học James Cook. Nghiên cứu còn có sự tham gia của một tiến sĩ làm việc tại một Viện Hải dương Nam Hải (cách Trung Quốc gọi biển Đông - NV).

Nhiều rạn san hô ở biển Đông đang bị hủy hoại
Nhiều rạn san hô ở biển Đông đang bị hủy hoại - Ảnh minh họa: News.discovery.com 

Theo đó, sự phát triển quá nhanh ở các khu vực duyên hải Trung Quốc đã hủy hoại môi trường cùng với tình trạng đánh bắt cá bừa bãi của nước này là nguyên nhân cơ bản khiến diện tích san hô bị suy giảm. Tất nhiên, biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng nhưng không gây ra sự hủy hoại như hai nguyên nhân trên. Trang Ens-newswire.com dẫn nghiên cứu cho biết: “Diện tích các rạn san hô ở khu vực nghiên cứu giảm ít nhất 80% trong vòng 30 năm qua”. Ngoài ra, các chuyên gia trên còn chỉ ra rằng dù Trung Quốc gần đây đã xây dựng một số công viên đại dương nhưng lại chẳng giúp được nhiều để ngăn chặn sự suy giảm diện tích các rạn san hô.

Cũng liên quan đến vấn đề hải dương, Tân Hoa xã ngày 29.12 đưa tin Trung Quốc hiện chú ý đến các nguồn tài nguyên ở khu vực đáy biển quốc tế. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc ngày 28.12 thông qua một đề xuất của Ủy ban Bảo vệ tài nguyên và môi trường (ERPC). Từ đề xuất này, Trung Quốc có thể lần đầu tiên ban hành luật thăm dò đáy biển quốc tế trong 5 năm tới. Tân Hoa xã còn dẫn báo cáo từ ERPC cho hay giới chức Trung Quốc nhận thấy việc xây dựng bộ luật về thăm dò, phát triển và quản lý các nguồn tài nguyên ở đáy biển sâu. Như vậy, bộ luật này có thể là cách để Trung Quốc hợp thức hóa các chương trình nghiên cứu, thăm dò đại dương. Thời gian qua, Bắc Kinh liên tục thực hiện các chương trình như thế. Mặc dù Trung Quốc khẳng định đó chỉ vì mục đích hòa bình nhưng vẫn không thể trấn an dư luận trong khu vực và quốc tế.

Phó thủ tướng Nga Dmitry Rogozin ngày 28.12 thông báo Trung Quốc đã đồng ý xóa khoản nợ 1,7 tỉ USD mà Moscow đã nợ từ thời Liên Xô. Quyết định này của Trung Quốc nhằm tái khởi động chương trình cung cấp trực thăng cho Bắc Kinh. RIA Novosti dẫn lời ông Rogozin cho hay Moscow đã sẵn sàng thực hiện các hợp đồng cung cấp máy bay trực thăng cho Bắc Kinh, vốn được liên kết giữa Công ty nghiên cứu công nghệ thông tin Trung Quốc và Tập đoàn sản xuất trực thăng của Nga.

Lê Loan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.