Trung Quốc lu loa 'mất đảo' ở Biển Đông

17/11/2015 14:09 GMT+7

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân ngày 17.11 tuyên bố Bắc Kinh không muốn Biển Đông đưa ra bàn thảo tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á và còn lu loa rằng Trung Quốc mới là “nạn nhân” trên Biển Đông.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân ngày 17.11 tuyên bố Bắc Kinh không muốn Biển Đông đưa ra bàn thảo tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á và còn lu loa rằng Trung Quốc mới là “nạn nhân” trên Biển Đông.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân lu loa rằng Trung Quốc mới là nạn nhân ở Biển Đông, và Trung Quốc đã rất kiềm chế không chiếm lại các đảo, bãi đá bị "nước ngoài chiếm đóng" dù đủ quyền và khả năng làm chuyện này (?) - Ảnh: ReutersThứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân lu loa rằng Trung Quốc mới là nạn nhân ở Biển Đông, và Trung Quốc đã rất kiềm chế không chiếm lại các đảo, bãi đá bị "nước ngoài chiếm đóng" dù đủ quyền và khả năng làm chuyện này (?) - Ảnh: Reuters
Tuần này, lãnh đạo các nước trong khu vực sẽ tham dự các hội nghị cấp cao bàn về nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề tranh chấp trên Biển Đông. Các hội nghị này bao gồm hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Philippines từ 18-19.11, hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) tại Malaysia trong hai ngày 21-22.11 và hội nghị thượng đỉnh ASEAN cũng tại Malaysia từ ngày 18-22.11.
Trước thềm các hội nghị này, Trung Quốc tỏ ý không muốn đưa vấn đề Biển Đông ra thảo luận. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân ngày 17.11 tuyên bố Bắc Kinh không muốn Biển Đông trở thành vấn đề trọng tâm tại hội nghị EAS sắp tới. Ông Lưu nói EAS nên tập trung vào lĩnh vực phát triển và “thổi phồng vấn đề Biển Đông sẽ không có lợi cho việc hợp tác”, theo Reuters.
Tuy vậy, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc thừa nhận dù Bắc Kinh không muốn nhưng sẽ rất khó tránh việc Biển Đông được đưa ra thảo luận tại EAS vì một số nước khác sẽ đưa vấn đề này ra.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 17.11 ở Bắc Kinh, ông Lưu Chấn Dân ngụy biện rằng việc Trung Quốc xây dựng các cơ sở phi pháp ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam không phải là hoạt động quân sự hóa, và đường băng mà Bắc Kinh xây dựng mang lại các lợi ích dân sự (?). Trong khi đó, hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc xây dựng đường băng dài khoảng 3.000 m tại các đảo, đá mà nước này chiếm đóng trái phép của Việt Nam; các nhà phân tích cũng như các chuyên gia nước ngoài đều nhận định đường băng này phục vụ mục đích quân sự.
Không chỉ lớn tiếng nói về các cơ sở xây dựng trái phép, ông Lưu còn lu loa rằng chính Trung Quốc mới là “nạn nhân thực sự” trên Biển Đông vì các nước khác đã chiếm nhiều đảo, đá ở quần đảo Trường Sa (?). Quan chức ngoại giao này còn ngang ngược nói rằng Trung Quốc đã rất kiềm chế không chiếm lại các đảo và bãi đá bị "nước ngoài chiếm đóng" dù đủ quyền và khả năng làm chuyện này (?).
Trên thực tế, Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép các đảo, đá ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam, không những thế còn đưa ra yêu sách “đường lưỡi bò” nuốt gần trọn Biển Đông.

Đá Chữ Thập của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng và bồi đắp phi pháp ở Trường Sa, còn xây đường băng dài hơn 3.000 m phục vụ mục đích quân sự - Ảnh: Reuters

Các tuyên bố và hành động hung hăng của Trung Quốc đã bị nhiều nước và dư luận thế giới lên án. Các hội nghị thượng đỉnh ở Philippines và Malaysia sắp diễn ra chắc chắn cũng sẽ có thêm những tiếng nói phản đối nhằm vào Trung Quốc, vì vậy Trung Quốc mới nhất mực phản đối việc nêu vấn đề Biển Đông ở các hội nghị này.
Trước đó, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice đã khẳng định Biển Đông là vấn đề trọng tâm trong chuyến công du châu Á lần này của Tổng thống Barack Obama. “Đó sẽ là vấn đề trọng tâm được đưa ra thảo luận tại cả hai hội nghị gồm thượng đỉnh Đông Á và thượng đỉnh ASEAN-Mỹ, cũng như các cuộc tiếp xúc khác mà chúng tôi tham gia trong chuyến công du châu Á lần này”, bà Rice nói. Ngoài ra, Mỹ cũng tuyên bố sẽ bàn về vấn đề Biển Đông ở các cuộc họp bên lề nếu như không được xếp vào chương trình nghị sự chính thức tại hội nghị APEC.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.