Trưởng thành từ nơi đầy rẫy tội phạm

14/01/2018 09:05 GMT+7

Con đường đến với môn trượt băng của thiếu niên 16 tuổi gốc Việt phải đi ngang những khu vực đầy con nghiện ma túy ở thành phố San Francisco, Mỹ.

Dù sống từ nhỏ trong khu Tenderloin, nơi tập trung nhiều người vô gia cư, gái mại dâm và tội phạm ma túy khét tiếng ở San Francisco, nhưng Dinh Tran vẫn không sa ngã.. Ngược lại, cậu đang tiến những bước vững chắc trên con đường đã lựa chọn từ nhỏ, đó là theo đuổi môn trượt băng. Giành được nhiều thành tích trong các giải vô địch cấp liên bang ở Mỹ, mới nhất là huy chương bạc giải vô địch quốc gia tổ chức ở San Jose hồi tuần trước, vận động viên 16 tuổi này hiện nỗ lực tập luyện để có thể tham dự Thế vận hội Mùa đông năm 2022 tại Bắc Kinh (Trung Quốc). “Tôi có đôi giày trượt băng đầu tiên khi mới lên 3. Dĩ nhiên, ở tuổi đó thì tôi chỉ xem đôi giày là một món đồ chơi mà thôi. Mẹ chính là người dẫn dắt và luôn ở cạnh động viên tôi trở thành vận động viên chuyên nghiệp”, Dinh kể với tờ The Mercury News.

Sau khi ly hôn, bà Mimi Hoang một mình nuôi 4 đứa con trai trong căn nhà nhỏ chật hẹp tại khu Tenderloin, cả gia đình phải ngủ chung trên chiếc giường 2 tầng. Thiếu vắng sự che chở của người chồng, người cha nhưng bà Mimi Hoang đã làm được điều hết sức khó khăn: giữ cho cả 4 đứa con trai hiếu động tránh khỏi mọi cám dỗ trong môi trường phức tạp như ở Tenderloin. Từ bé, anh em Dinh Tran nhiều lần chứng kiến mẹ mình bị cướp và phải thường xuyên nghĩ cách tránh né sự lôi kéo của các phần tử xấu. Chính vì thế, bà Hoang đã áp dụng kỷ luật sắt trong gia đình. “Giống như lệnh giới nghiêm: Khi một người ngủ thì tất cả phải im lặng”, Hao Tran, anh trai Dinh Tran, nhớ lại. Bà còn cho con tham gia chương trình đào tạo trượt băng miễn phí trong ngôi trường mình làm việc để không có thời gian giao du với bạn bè xấu. Đến nay chỉ còn mỗi Dinh theo đuổi môn này nhưng tất cả anh em đều nên người. “Dù rất khó khăn nhưng tôi cảm thấy thật hạnh phúc khi sống cùng mẹ và các anh em. Tôi không sợ nơi mình sống. Nếu bạn tập trung phát triển bản thân thì không ai có thể làm phiền bạn”, cậu tự tin nói.
Dinh Tran và mẹ
“Từ những gì đã trải qua, tôi luôn nhắc nhở các con phải học tập và làm việc chăm chỉ, tránh xa rắc rối để có cuộc sống tốt đẹp hơn”, bà Mimi Hoang kể. Là con của một người lính Mỹ và một phụ nữ Việt, bà Hoàng chưa bao giờ gặp cha mình và sống với bà ngoại trong cảnh túng thiếu, cơ cực. Năm 1986, nhờ Đạo luật về con cái của lính Mỹ bị bỏ rơi ở VN, bà Hoang đến Mỹ khi 18 tuổi, không người thân thích và không biết một chữ tiếng Anh. Trong nhiều năm trời, bà đi học vào buổi sáng và làm nhiều công việc khác nhau vào ban đêm để kiếm tiền. Đến nay, bà đã có công việc ổn định là làm trợ giảng giáo dục thể chất tại một trường học ở Tenderloin và dồn hết sức lực để nuôi dạy con cái. Người mẹ này thức dậy lúc 4 giờ sáng để chuẩn bị cho 4 cậu con trai đi học hay tập luyện. Dinh mỗi ngày phải đổi nhiều chuyến xe buýt để đến trường và sân tập. Cuối tuần, cậu đi xe lửa sang San Diego hoặc Oakland tham gia tập huấn tại sân băng chuyên nghiệp.
“Dù từ nhiều lần chấn thương nhưng Dinh quyết không bỏ cuộc. Cậu bé giờ đây có thể tự chọn nhạc và tự thiết kế bài biểu diễn của mình. Tôi rất vui khi thấy gia đình và cộng đồng hỗ trợ hết mình cho vận động viên trẻ này”, The Mercury News dẫn lời huấn luyện viên Jeffrey Crandell.
Bà Jessica Gaynor, Chủ tịch câu lạc bộ trượt băng San Francisco, cũng hết lời khen ngợi: “Trong môn thể thao thường chỉ dành cho giới nhà giàu, do tiền giày, trang phục thi đấu và chi phí hội viên sân băng không hề rẻ, Dinh là một trường hợp đặc biệt. Cậu bé trưởng thành từ hoàn cảnh khó khăn, ở nơi đầy rẫy tội phạm”.
Ngoài trượt băng, Dinh còn đam mê thổi kèn và là thành viên ban nhạc jazz của trường. Mới đây, tài năng trẻ này được nhận học bổng vào nhạc viện để đào tạo chuyên nghiệp. “Tất cả những gì tôi đạt được là nhờ công ơn của mẹ. Bà làm tất cả vì tôi”, Dinh nhấn mạnh với The Mercury News.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.