Chân dung một hung thần Khmer Đỏ

28/11/2007 23:53 GMT+7

Kỳ cuối: Trừng phạt Sau gần 3 thập kỷ, Duch và một số kẻ cầm đầu chế độ Khmer Đỏ mới bị đưa ra ánh sáng công lý.

Chạy trốn

Sau khi Phnom Penh được giải phóng, Pol Pot cùng các thủ lĩnh Khmer Đỏ tháo chạy về phía tây, khu vực giáp biên giới Campuchia - Thái Lan. Trong suốt thời gian 1979 - 1996, các nhóm tàn quân Pol Pot đã được tài trợ về tiền bạc, vũ khí và sự ủng hộ về chính trị rất lớn từ bên ngoài để tiếp tục chống phá đất nước. Do vậy tiến trình hòa bình dân tộc và phát triển của Campuchia gặp nhiều khó khăn.

Sau 1990, chính phủ của Thủ tướng Hun Sen đã tìm mọi cách để thúc đẩy tiến trình hòa hợp dân tộc. Tuy nhiên, Pol Pot vẫn kiên quyết chống lại mọi thiện chí, nỗ lực từ phía chính phủ. Năm 1996, các phe phái trong nội bộ Khmer Đỏ bắt đầu bị phân hóa và tan rã khiến nhiều kẻ chủ chốt  và khoảng một nửa tàn quân Khmer Đỏ (khoảng 4.000 tên) đã ra hàng chính quyền. Tháng 6.1997, nội bộ Khmer Đỏ đã bắt đầu gần như đổ bể hoàn toàn sau khi Pol Pot hạ lệnh tử hình Son Sen và toàn bộ gia đình gồm 11 người, vì cho rằng Son Sen đã có ý định móc nối với chính phủ, chấp nhận tiến trình hòa bình của của Thủ tướng Hun Sen. Trước đó, Son Sen là trợ thủ đắc lực, tin cậy đã gắn bó với Pol Pot từ nhiều năm, từng được Pol Pot giao một số quyền lực quan trọng kể từ năm 1985. Tháng 11.1997, Pol Pot lại bị chính một nhân vật thân tín khác là Ta Mok bắt giữ và kết án chung thân bởi tội đã sát hại Son Sen.

Với Duch, sau khi chạy trốn cùng Pol Pot tới khu vực biên giới Thái Lan, cương vị của y đã bị Nuon Chea thay thế, bởi tội đã không hủy hết tài liệu về trại tù Tuol Sleng trước khi tháo chạy. Trong thời gian này, Duch đã học tiếng Anh, ôn lại kiến thức toán học khi xưa và trở lại nghề dạy học trong một trại tị nạn thuộc lãnh thổ Thái Lan. Tháng 6.1986, có tin cho rằng Duch đã sang Trung Quốc giảng dạy tiếng Khmer tại Học viện Quan hệ quốc tế Bắc Kinh. Đến năm 1987, Duch quay về nước và đổi tên thành Hang Pin, làm thư ký cho Pol Pot và về ẩn náu tại làng Phkoam (giáp biên giới Thái Lan). Với bề ngoài của một ông giáo tốt bụng nhưng tính tình đôi khi rất hung bạo, quãng đời tội ác của Duch lại tiếp tục được che giấu trong một thời gian dài. Năm 1995, sau khi vợ chết bởi một vụ tấn công không rõ thủ phạm, Duch trở thành tín đồ Thiên Chúa giáo và phải thay đổi chỗ ở liên tục để tránh bị phát hiện cho tới khi bị bắt vào năm 1999 tại Samlaut. Từ đó đến nay, cựu trại trưởng Tuol Sleng đã bị giam giữ để chờ ngày ra tòa.

Công lý muộn

Năm 1997, Campuchia thành lập một đơn vị đặc biệt để chuẩn bị những thủ tục pháp lý cần thiết cho việc xét xử các thủ lĩnh Khmer Đỏ về những tội ác chiến tranh và các tội ác chống lại loài người. Theo đó, các nhân vật này phải chịu trách nhiệm về cuộc tàn sát khoảng 2 triệu người dân vô tội Campuchia (gần 1/3 dân số Campuchia thời đó) trong thời kỳ cầm quyền. Tuy nhiên, tiến trình điều tra, truy tố để đưa ra xét xử các tội phạm diệt chủng này rất chậm vì rất nhiều lý do, trong đó có những khó khăn về kinh tế (một số nước cam kết viện trợ nhưng đã không thực hiện đầy đủ) và thời điểm mở cuộc điều tra lại khá lâu sau khi chế độ Khmer Đỏ sụp đổ.

Mặt khác, tuy tội ác diệt chủng của Pol Pot và những trùm Khmer Đỏ khác là không thể dung thứ, nhưng người dân Campuchia cũng đã tìm cách để giai đoạn lịch sử đau thương này dần đi vào quá khứ. Chính phủ cũng không đưa nhiều vào sách giáo khoa những tư liệu, hình ảnh về thời kỳ này. Do vậy, không ít thanh niên Campuchia mới lớn chỉ biết được những tội ác của Khmer Đỏ qua những câu chuyện do người lớn kể lại. Vì những lý do trên, ngoại trừ Pol Pot (chết 1998), vợ chồng Son Sen - Yun Yat (chết năm 1997), Ke Pauk (chết 2002) đã chết trước khi bị bắt và Ta Mok chết trong tù (2006), số còn lại vẫn sống yên ổn ngoài xã hội và chỉ bị bắt gần đây như Ieng Sary, Nuon Chea, Khieu Samphan, Ieng Thirith.

Với cựu trại trưởng Tuol Sleng, y bị tòa án quân sự Campuchia giam giữ từ năm 1999 đến nay với cáo buộc giết người và hành hạ dã man người khác. Biện pháp ngăn chặn này của tòa án quân sự Campuchia áp dụng với Duch không phải không có lý do: năm 1980, khi khai thác, thống kê hồ sơ số tù nhân của trại Tuol Sleng, người ta đã phát hiện được 6.000 tấm ảnh tù nhân, 4.000 bản thú tội, 200.000 biên bản đánh máy ghi lời khai và viết tay tự khai và những mệnh lệnh, chỉ thị khác. Trong số tài liệu này, có đầy đủ những chỉ đạo của Duch về các biện pháp thẩm vấn, bút tích phê duyệt danh sách tù nhân sẽ bị tử hình, đặc biệt còn có một bản chỉ đạo của Duch về việc thủ tiêu 17 trẻ em có cha mẹ đã bị kết tội là gián điệp. Đây sẽ là những bằng chứng không thể chối cãi để tòa án xét xử Duch trong những ngày tới về những tội ác chống lại loài người. Với những tội ác này, nếu như được xử ở một phiên tòa như Nuremberg với các tội phạm Đức Quốc xã trước kia, Duch và các bị cáo còn lại có thể bị tử hình. Tuy nhiên, Campuchia không áp dụng án tử hình, lịch sử cũng đã dần đi vào dĩ vãng và các bị cáo đã ở tuổi gần đất xa trời, nên nhiều khả năng sẽ không thể có những bản án như đã từng ở phiên tòa Nuremberg.

* Kỳ 2: Địa ngục Tuol Sleng
* Kỳ 1: Gia nhập Khmer Đỏ

Hiếu Lê

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.