Chernobyl, 25 năm sau thảm họa

05/04/2011 10:52 GMT+7

25 năm sau thảm họa hạt nhân Chernobyl, hoạt động ngăn chặn rò rỉ phóng xạ vẫn đang tiếp diễn. Cuộc sống của 130.000 người được di tản khẩn cấp ra ngoài “vùng đất chết” hay “thị trấn ma” vẫn tiếp tục với nhiều di chứng...


Các góa phụ, thân nhân trong lễ tưởng niệm nạn nhân thảm họa Chernobyl hằng năm - Ảnh: Getty Images


Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl nhìn từ thị trấn bỏ hoang Pripyat  - Ảnh: AFP

Igor Gramotkin là quản lý Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Ukraine. Suốt 25 năm qua, ông đã bám trụ ở Nhà máy Chernobyl để thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn phóng xạ rò rỉ ra môi trường. Ông cho biết lò phản ứng số 4 nổ ngày 26-4-1986 vẫn chứa đầy rác thải phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân.

Khoảng 3.000 người đang làm việc trong khu vực đã được làm sạch, với nhiệm vụ ngăn chặn phóng xạ rò rỉ. Khoảng 4.000 người khác có trách nhiệm đảm bảo an ninh trong khu vực cấm xâm nhập trong bán kính 30km tính từ nhà máy. Những chuyến tàu liên tục đến và đi trên đoạn đường sắt mới được xây dựng. Khói vẫn bốc lên nghi ngút từ ống khói một nhà máy chạy bằng khí đốt, cung cấp nước nóng cho toàn bộ khu Chernobyl. Các công nhân cũng đảm trách nhiệm vụ quản lý nguồn nước và ngăn chặn cháy rừng, một phần trong nỗ lực ngăn chặn ô nhiễm phóng xạ lây lan không bao giờ chấm dứt.

"Một tai nạn nghiêm trọng. Sẽ phải mất ít nhất 10 năm để tính toán những hậu quả của nó. Cứ xem, ở Nhà máy Three Mile Island của Mỹ, đã phải mất đến sáu năm mới có thể tiếp cận vào bên trong lò phản ứng để hiểu ra gần một nửa các thanh nhiên liệu hạt nhân vẫn còn đang nóng chảy sau tai nạn từ năm 1979"

Philippe Jamet (thanh tra Cơ quan An toàn hạt nhân Pháp trong đoàn chuyên gia hạt nhân Pháp đến Nhật giúp nước này đánh giá cùng xử lý cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Nhà máy Fukushima Daiichi)

“Mộ đá” mới trùm lên “mộ đá” cũ

Đêm 26-4-1986, lõi của lò phản ứng số 4 Nhà máy Chernobyl đã phát nổ vì một thử nghiệm nguy hiểm. Vụ nổ mạnh đến mức làm nắp lò phản ứng nặng 2.000 tấn văng lên cao 35m và phun ra một đám mây phóng xạ trong không trung.

Hai ngày sau, người ta mới bịt được lỗ thủng này. 49.000 dân làng Pripyat được di tản hai ngày sau đó. Tổng cộng 250.000 người đã được di tản khẩn cấp, còn 660.000 người - trong đó có 360.000 “cảm tử quân” - đã phải chiến đấu với sự cố suốt nhiều tháng trời ròng rã sau đó.

Sau vụ nổ, chính quyền Liên Xô đã trùm một lớp vỏ bọc bằng bêtông, được mệnh danh là “ngôi mộ đá” lên lò phản ứng này. Theo thiết kế ban đầu, “ngôi mộ đá” sẽ tồn tại trong vòng 10 năm. Và sau 25 năm, nó đã suy yếu nghiêm trọng. “Đó không phải là một cấu trúc vững vàng ngay từ đầu - chuyên gia Laurin Dodd, người quản lý nhà máy Chernobyl trong năm năm qua, cho biết - Có rất nhiều lỗ hổng lớn ở các bức tường bêtông, các con vật nhỏ và chim chóc vẫn chui ra chui vào thường xuyên”.

Hiện ba tập đoàn Bechtel, Battelle (Mỹ) và Electricite de France (Pháp) đang xây dựng một “ngôi mộ đá” mới gọi là vỏ bọc an toàn mới (NSC) hình mái vòm bằng thép với chi phí khoảng 1,2 tỉ USD từ Quỹ che chắn Chernobyl (CSF), để trùm lên “ngôi mộ đá” cũ.

Dự kiến công trình này sẽ hoàn thành vào năm 2013 và có khả năng che phủ lò phản ứng số 4 của Nhà máy Chernobyl, ngăn chặn phóng xạ rò rỉ trong vòng 100 năm. NSC có độ cao 100m và chiều dài 150m, là công trình di động lớn nhất thế giới. Do phóng xạ ở khu vực nhà máy quá cao, các kỹ sư phải xây NSC ở khu vực gần đó. Khi hoàn thành, nó sẽ được di dời bằng đường ray đến để phủ trùm lên lò phản ứng số 4.

“Đây là một công trình đầy thử thách bởi nó độc nhất vô nhị và quá lớn” - ông Seal Evans, lãnh đạo CSF, cho biết. Dù mức phóng xạ trong khu vực xây dựng NSC thấp hơn trong nhà máy, nhưng đó vẫn là một bãi mìn phóng xạ. “Các đội công nhân đào đất để đóng cọc thép đã đụng phải hàng loạt thiết bị ô nhiễm phóng xạ từ thời Liên Xô - chuyên gia Dodd cho biết -

Nhật đổ nước nhiễm phóng xạ xuống biển

Theo Kyodo News, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) đổ 11.500 tấn nước nhiễm phóng xạ mức độ thấp xuống biển để lấy bể chứa nước nhiễm phóng xạ mức độ cao ở Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. “Chúng tôi không còn chọn lựa nào khác là đổ nước nhiễm xạ này ra biển như một biện pháp an toàn”, người phát ngôn chính phủ Yukio Edano giải thích trên truyền hình.

Trong khi đó, các công nhân TEPCO vẫn chưa xác định được nguyên nhân khiến nước nhiễm phóng xạ tràn ra biển. Ban đầu các kỹ sư cho rằng có vết nứt trong hầm bêtông dưới lò phản ứng số 2. Họ đã bơm hỗn hợp mùn cưa, giấy báo trộn với nhựa và ximăng vào hầm để trám vết nứt nhưng không thành công. Do đó TEPCO xác định nước nhiễm xạ chảy theo đường khác ra biển. Hôm qua 4-4, TEPCO đã đổ 13kg bột màu vào một đường ống để thử tìm ra nguồn rò rỉ nước nhiễm xạ.

Thỉnh thoảng chúng tôi cũng đụng phải những mẩu nhiên liệu hạt nhân bị bắn ra từ vụ nổ”. Sau khi NSC được đưa đến bao trùm lò phản ứng số 4, các công nhân sẽ tiếp tục nhiệm vụ mới đầy nguy hiểm là dỡ bỏ khu “mộ đá” bên trong.

Mục tiêu cuối cùng là phá hủy toàn bộ khu nhà chứa lò phản ứng số 4, làm sạch toàn bộ hầm ngầm chứa 200 tấn nhiên liệu hạt nhân bị rò rỉ khi tai nạn xảy ra và chôn lấp toàn bộ đống rác thải hạt nhân. Khi thực hiện chiến dịch này, các kỹ sư sẽ phải đảm bảo độ ẩm bên trong NSC luôn dưới mức 40% để ngăn chặn nguy cơ khung thép hoen gỉ. Giới chuyên gia thừa nhận hoạt động làm sạch Chernobyl sẽ còn tiếp tục kéo dài trong nhiều thập kỷ tới.

Cuộc sống khắc nghiệt

Khu vực trong phạm vi 30km tính từ nhà máy là một vùng đất chết: cỏ dại mọc cao hàng mét trùm kín các con đường, các ngôi làng đổ nát, hoang tàn. Pripyat, thị trấn cách nhà máy vài kilômet, đã trở thành một “thị trấn ma”. Chỉ còn một vài dấu vết của sự sống 25 năm trước, khi cuộc di tản vội vã diễn ra. Trên sàn các phòng một trường tiểu học, giấy vở cũ nát vương vãi khắp nơi. Một chiếc máy tính cháy sém nằm trong đống kính vỡ của một siêu thị nhỏ 1/4 thế kỷ trước.

Còn bên ngoài khu vực cấm là một cộng đồng rộng lớn với hàng chục ngàn người di tản, gia đình các cựu công nhân Nhà máy Chernobyl, nông dân... sống trong các khu làng bị ô nhiễm, nhưng vẫn có thể ở được. Trên lý thuyết, 130.000 người được di tản trong khu vực 30km phải được hưởng những khoản trợ cấp của chính phủ, cũng như các công nhân làm việc tại Nhà máy Chernobyl và người dân làng ở vùng ngoài bán kính 30km.

Maria Krivolapova, 61 tuổi, làm tại một nhà máy thép trong vùng 25 năm trước, còn chồng bà - ông Mikhail - là công nhân Nhà máy Chernobyl. Khi thảm họa xảy ra, bà đã xúc cát lên các trực thăng để bay đến dập lửa ở nhà máy. Sau tám ngày, gia đình bà được di tản.

Ông Mikhail mất 13 năm trước vì bệnh ung thư phổi, con gái họ là Yelena bị bệnh mạch máu, còn bà cũng bị bệnh tuyến giáp, tim, huyết áp cao. Hàng ngàn người khác rơi vào hoàn cảnh giống họ nhưng không được chính phủ hỗ trợ. Theo một nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc, ngoài 57 người thiệt mạng từ vụ tai nạn, còn có tới 6.000 trường hợp ung thư có liên quan đến thảm họa Chernobyl.

Theo Tổ chức Hòa bình xanh, đến nay sữa và các nông sản ở nhiều vùng tại Ukraine vẫn bị ô nhiễm phóng xạ từ Chernobyl.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.