Chuyện về nữ anh hùng Ba Lan

18/03/2007 09:55 GMT+7

Bất chấp sinh mạng của mình, một phụ nữ Ba Lan đã liều mình cứu sống 2.500 trẻ em Do Thái hồi Thế chiến thứ 2. Mới đây, bà đã được chính phủ Ba Lan vinh danh là nữ anh hùng dân tộc.

Nữ anh hùng đó chính là bà Irena Sendler, hiện 97 tuổi, sống tại một viện dưỡng lão ở Warsaw. Chuyện xảy ra trong giai đoạn từ năm 1942 - 1943. Thời điểm đó, bà làm việc cho Sở Y tế Warsaw nên được phép ra vào khu dân cư Do Thái tại đây.

Nơi này được lập ra vào tháng 11.1940 để cô lập 380.000 người Do Thái của thành phố. Bà cũng là thành viên của Zegota, một tổ chức bí mật do chính phủ Ba Lan sống lưu vong tại London (Anh) hồi Thế chiến thứ 2 lập ra để cứu người Ba Lan gốc Do Thái. Khi bọn Đức quốc xã bắt đầu gom những người Do Thái đến trại tập trung, bà đã tìm cách đưa 2.500 trẻ ra khỏi khu này. Bà làm giấy tờ tùy thân mới cho bọn trẻ và đưa chúng đến các gia đình Ba Lan, tu viện hoặc trại mồ côi.

Việc giải cứu trẻ em Do Thái là hết sức nguy hiểm. Vì nếu chẳng may ai đó bị phát hiện thì chính họ và gia đình sẽ bị bắn chết ngay lập tức. Bà giải thoát bọn trẻ bằng cách giấu chúng trong xe cứu thương, túi đựng dụng cụ, hoặc bồng chúng chạy trong các đường ống cống, đường hầm dẫn đến các khu vực không có người Do Thái sinh sống.

Bà cẩn thận ghi tên bọn trẻ trên giấy, gấp đôi lại bỏ vào hai lọ thủy tinh, niêm phong và đem chôn trong vườn nhà của một đồng nghiệp. Chiến tranh kết thúc, những chai lọ này được đào lên và danh sách bọn trẻ được giao cho các đại diện Do Thái. Những đứa trẻ có tên trong danh sách đã được đoàn tụ với gia đình. Đáng tiếc là khá nhiều bậc cha mẹ đã bỏ mạng trong các trại tập trung.

Trở lại câu chuyện của bà Sendler. Bà bị bắt vào tháng 10.1943 và được đưa đến các trụ sở Gestapo. Tại đây, bà bị đánh đập và tra tấn dã man nhưng bà một mực vẫn không tiết lộ tên tuổi bọn trẻ. Người ta đánh bà đến gãy chân và sau đó đưa bà đi hành hình.

Tuy nhiên, một ba lô chứa đầy đô la Mỹ do tổ chức Zegota gửi đến hối lộ đã cứu thoát bà. Bà bị đánh đến bất tỉnh và ném bên vệ đường. Đến nay, bà vẫn phải dùng nạng để đi lại, di chứng của các vết thương ngày xưa.

Không như nhà tư bản người Đức O.Schindler, người cứu sống hơn 1.000 trẻ Do Thái bằng cách tuyển dụng chúng vào nhà máy của mình ở Krakow và được mọi người biết đến nhờ vào một bộ phim đoạt giải của đạo diễn lừng danh Steven Spielberg, chuyện của bà Sendler vẫn “nằm im trong bóng tối”. Mãi đến khi cách đây vài năm, một nhóm học sinh ở trường Kansas (Mỹ) tình cờ phát hiện ra câu chuyện và viết thành một vở kịch mang tên Cuộc sống trong cái lọ, bà mới được biết đến. 

Cảm kích trước tấm lòng quả cảm của bà Sendler, tại phiên họp đặc biệt ở Thượng Viện Ba Lan hồi trung tuần tháng 3, các thành viên trong Quốc hội đã nhất trí thông qua nghị quyết vinh danh bà là nữ anh hùng dân tộc. Tổng thống L.Kaczynski gọi bà Sendler là một nữ anh hùng tuyệt vời và xứng đáng được đề cử cho giải Nobel Hòa bình.

Ông còn thêm rằng:“Bà xứng đáng được cả đất nước kính trọng”. Tuy nhiên, bà Sendler khẳng định rằng mình chẳng làm gì đặc biệt. Trả lời phỏng vấn báo giới, bà nói:“Tôi được dạy dỗ phải cứu sống một người nào đó khi họ sắp bị chết đuối cho dù họ mang quốc tịch hoặc tôn giáo gì”.

Một trong “những cái tên trong lọ” là M.Glowinski, hiện là giáo sư về văn chương, bày tỏ: “Tôi nghĩ về bà ta như cách bạn nghĩ về người mà bạn nợ cả cuộc đời của mình”. Còn bà E.Ficowska, người đã được đưa ra khỏi khu cư dân Do Thái lúc mới 5 tháng tuổi, xúc động: “Đứng trước sự thờ ơ hiện nay, việc làm của bà Sendler là rất quan trọng. Bà Sendler giống như một người mẹ thứ 3 của tôi và những đứa trẻ khác được bà cứu sống”. Bà Ficowska cũng đề cập đến người mẹ ruột và mẹ nuôi người Ba Lan của bà...

Châu Yên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.