Khai tử Hummer huyền thoại

06/03/2010 16:07 GMT+7

(TNTS) Vào chiều tối ngày 24.2 vừa qua, đại diện General Motors (GM) của Mỹ tuyên bố: Trong một thời gian ngắn nữa hãng này sẽ xóa sổ thương hiệu chiếc xe địa hình huyền thoại Hummer.

Triển vọng mịt mù

Như vậy, Hummer sẽ gia nhập đội ngũ “những linh hồn chết” của GM như Saturn, Penske, Pontiac. Đây là những thương hiệu vang bóng một thời mà GM không thể kiếm được đối tác để mua lại.

Nguyên nhân dẫn đến việc GM đưa ra quyết định đầy khắc nghiệt là do hợp đồng bán thương hiệu Hummer cho hãng xe Sichuan Tengzhong Heavy Industrial Machines của Trung Quốc bất thành. Chính phủ Trung Quốc không chấp thuận việc Sichuan Tengzhong mua lại hãng Hummer với giá 150 triệu USD.

Cũng cần nhắc lại rằng, vào mùa xuân năm ngoái, Sichuan Tengzhong Heavy Industrial Machines, hãng chuyên sản xuất thiết bị kỹ thuật xây dựng, thiết bị giao thông đặt vấn đề mua lại Hummer với GM. Phía Trung Quốc khi đó ngoài việc muốn mua lại thương hiệu còn muốn mua luôn bản quyền các dòng xe Hummer đang tồn tại và cả các thiết kế Hummer tương lai cũng như quyền bán hàng trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, người chủ tương lai còn đồng ý sẽ không sa thải nhân công, giữ nguyên hệ thống phân phối, đặt đại bản doanh tại Mỹ và sẽ nhanh chóng cho ra đời các kiểu dáng mới. Trong thời gian chờ đợi ký hợp đồng, GM phải bỏ tiền túi để tiếp tục sản xuất dòng Hummer H3 theo kế hoạch.

Có cảm giác như người khổng lồ GM Mỹ chuẩn bị trút bỏ được gánh nặng mang tên Hummer. Điều này được lý giải bằng giá trị hợp đồng hết sức khiêm tốn - bán như cho không với giá 150 triệu USD, cho dù theo vài nguồn tin, giá trị thương hiệu Hummer vào khoảng 500 triệu USD. Thậm chí, GM còn chuyển giao toàn bộ quyền sở hữu các dòng Hummer cho phía Trung Quốc. Đây là điều khoản trước đó hoàn toàn không được tính đến trong hợp đồng mua bán.

Mọi việc tưởng như thuận buồm xuôi gió, nhưng đến đầu mùa hè 2009 bắt đầu xuất hiện các tín hiệu xấu. Lúc đầu hợp đồng đình hoãn một tuần so với thời điểm dự tính sẽ ký kết. Sau đó lại kéo dài thêm một tuần, rồi một tháng và cuối cùng là kéo dài đúng một năm.  

Nguyên nhân của sự chậm trễ là do Chính phủ Trung Quốc - cơ quan có quyền quyết định cho phép doanh nghiệp nước này mua hay không cổ phiếu của bất kỳ doanh nghiệp nước ngoài nào có tổng trị giá trên 100 triệu USD. Và cuối cùng các nhà hành pháp Trung Quốc đã lắc đầu. 


Dù đại diện của Tengzhong và GM cười tươi nhưng hợp đồng mua Hummer lại bất thành - Ảnh: Reuters

Vào đầu những năm 1980, Công ty AM General của Mỹ thiết kế một loại xe di động đa mục đích có tên gọi là Humvee theo hợp đồng với quân đội Mỹ. Năm 1983, AM General ký hợp đồng sản xuất 55.000 chiếc Humvee trong 5 năm để cung cấp cho quân đội Mỹ. Loại Humvees này rất nổi tiếng trong Chiến tranh vùng Vịnh vào đầu thập niên 1990. Vào năm 1992, AM General quyết định cho ra đời loại xe Humvee dân dụng, được đặt tên Hummer. Đến năm 1999, General Motors mua bản quyền thương hiệu Hummer và chịu trách nhiệm về sự phát triển, quảng cáo và phân phối sản phẩm xe SUV của Hummer trong tương lai. Loại xe Hummer nguyên bản gọi là H1, sau này GM còn sản xuất thêm các dòng như H2, H3 được cải tiến gọn, nhẹ hơn so với H1.

Có lẽ chiếc Hummer cồng kềnh, ngốn quá nhiều xăng, không kinh tế, gây ô nhiễm môi trường đối nghịch với hình ảnh mà Chính phủ Trung Quốc đang muốn xây dựng. Đó là thu hẹp việc sản xuất các loại xe lớn nhằm cải thiện môi trường vốn đang ô nhiễm ở mức phải cảnh báo. Ngay cả việc lãnh đạo Sichuan Tengzhong Heavy Industrial Machines cố gắng thuyết phục bằng việc sẽ cải tiến cho Hummer cho nhỏ gọn lại, sử dụng các nguyên liệu tổng hợp, tiết kiệm nhiên liệu cũng không làm thay đổi quyết định của Chính phủ Trung Quốc. 

Tương lai đen tối

Quyết định của phía Trung Quốc là hợp lý. Bởi, một doanh nghiệp không có tên tuổi trong công nghiệp xe hơi thế giới như Sichuan Tengzhong khó mà có thể phát triển thương hiệu Hummer. Tờ The Wall Street Journal vào năm 2007 cho biết, Hummer chỉ đạt doanh thu 440 triệu USD - số tiền mà ngay cả để đầu tư một dòng xe mới cũng chưa đủ chứ chưa nói đến chuyện marketing.

Và nếu Sichuan Tengzhong mua được Hummer thì ngoài các vấn đề nêu trên, thì chỉ riêng phục hồi số lượng xe bán ra đã là cả một vấn đề. Năm 2009 vừa qua, lượng Hummer bán ra sụt giảm như tàu không phanh: chỉ được 9 ngàn chiếc so với 71,5 ngàn chiếc của năm 2006. Hơn thế, phía Trung Quốc chưa có kinh nghiệm tiếp cận với các thương hiệu nước ngoài. Chẳng hạn, vào năm 2009, thương hiệu SsangYong của Hàn Quốc buộc phải tuyên bố phá sản sau khi được Tập đoàn xe Shanghai Automotive Industry Corporation Group (SAIC) mua lại. Hay trước đó vào năm 2005 thương hiệu MG của Anh Quốc được hãng Nanjing Automotive mua lại cuối cùng cũng “mất tích” trên thị trường.

Do các khó khăn nêu trên mà lãnh đạo GM quyết định sẽ khai tử thương hiệu Hummer cũng như hệ thống đại lý thuộc xe này. Như vậy sẽ có khoảng ít nhất 3.000 người mất việc làm. Phó chủ tịch GM - John Smith tuyên bố: “Chúng tôi thất vọng vì hợp đồng với Tengzhong không thành. Giờ đây chúng tôi buộc phải tìm kiếm đóng cửa thương hiệu này một cách khả quan nhất vì còn phải tính đến lợi ích của các nhà phân phối, các công nhân thuộc Hummer”.

Nói thế, nhưng chắc chắn General Motors sẽ sẵn sàng xem xét nghiêm túc bất kỳ đề nghị nào mua lại thương hiệu Hummer. Nếu có một tín hiệu khả quan nào thì ngay lập tức GM sẽ ngừng ngay quá trình khai tử chiếc xe địa hình số 1 thế giới này. Theo thông tin từ tờ The New York Times, sau khi hợp đồng với Tengzhong bất thành, hiện đã có một số nhà đầu tư tư nhân đang cố gắng liên kết nhằm mua lại Hummer. Nhưng khả năng này là khó. Vì từ việc liên kết, đến thành lập công ty, tiến hành thương thảo là khoảng thời gian khá dài, trong khi đó đời sống của Hummer chỉ được tính bằng ngày. Ngoài ra, hãng xe Mahindra & Mahindra của Ấn Độ cũng quan tâm đến Hummer, nhưng liệu có đạt được một thỏa thuận mua bán hay không thì điều đó không ai dám chắc chắn.

Ngữ Tử Yên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.