Một người Đức khoác áo đồng minh

06/05/2005 00:24 GMT+7

Trong dịp kỷ niệm 60 năm chấm dứt Thế chiến II, những chuỗi hồi ức đau thương đã trở lại với những người từng trải qua những ngày đen tối dưới thời Hitler. Tờ Spiegel (Đức) thuật lại câu chuyện của một người Đức vì số phận đã trở về quê hương trong màu áo quân đồng minh.

 

Ông Wolfgang Robinow, 87 tuổi, nhớ lại thời gian 60 năm về trước, lúc ông còn là trung sĩ trong quân đội Mỹ. Khi đó, ông và đồng đội đã nhận được mệnh lệnh tấn công thành phố Munich phía Nam nước Đức. Được trang bị một chiếc xe jeep, súng ngắn và súng trường, đơn vị của Robinow tiến vào Munich trong tâm trạng sẵn sàng đối diện với cái chết.

 

...và hiện nay

Không như những người lính còn lại trong lực lượng Mỹ hành quân đến Đức, trung sĩ Robinow cảm thấy như được về nhà. Robinow là con út trong gia đình 6 người con đã định cư tại Hamburg trên 300 năm. Ngay sau khi Robinow chào đời, gia đình dọn đến Berlin. Cậu  không hề biết rằng tổ tiên của mình là người Do Thái cho đến tháng 1.1933. "Vào một buổi sáng, trưởng nhóm tập hợp chúng tôi lại và nói rằng nhóm hướng đạo sẽ mang tên là Thanh niên Hitler.

 

Chúng tôi chỉ cần về nhà hỏi cha mẹ bằng chứng về nguồn gốc Đức thuần chủng của mình. Tôi chưa từng được nghe từ đó và đã ghi chú rất cẩn thận. Tối hôm đó, tôi đã biết mình có đến 4 người ông là dân Do Thái", Robinow kể lại. Thế là cậu phải rời khỏi đội ngay ngày hôm sau với tâm trạng ấm ức do bị trừng phạt về điều mà mình chưa hề phạm lỗi. Sau đó, Robinow chuyển đến sống ở Đan Mạch rồi tiếp tục di cư sang Mỹ. Số phận đưa đẩy chàng thanh niên gia nhập quân đội Mỹ nhưng vì là người Đức nên anh đã không được gia nhập không lực. Khi phe đồng minh chuẩn bị tiến vào Đức, Robinow được huấn luyện để thẩm vấn các tù binh Đức. Tháng 1.1945, trung sĩ Robinow quay lại quê hương dưới màu áo của một sĩ quan Mỹ.

 

Giải phóng Munich là chiến dịch cuối cùng mà Robinow tham gia trong Thế chiến 2. Thành phố này là nơi đảng Đức Quốc xã đi những bước đầu tiên và là nơi đặt trụ sở báo Volkischer Beobachter, công cụ tuyên truyền chính thức của Hitler. Robinow và binh lính tiến vào trung tâm thành phố mà không gặp chút trở ngại nào bởi chỉ còn người già ở lại. Khi phát hiện một đồn cảnh sát, anh đã chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất trong trường hợp lính Đức quyết tử. Nhưng khi xông vào trụ sở, Robinow rất ngạc nhiên khi được chào đón theo kiểu quân đội và hơn nữa toàn bộ vũ khí đã được đóng thùng để giao nộp. Mỗi khẩu súng lục đều có dán tên sĩ quan sở hữu cùng số hiệu. Trước khi nộp vũ khí cho Robinow, viên sĩ quan Đức chịu trách nhiệm ở đó yêu cầu anh phải ghi vào giấy biên nhận số súng thu được. "Có 102 khẩu tất cả", ông Robinow kể.

 

Sau thời điểm đó, phần còn lại của chiến tranh đối với ông Robinow là theo đuổi các cô gái Đức và thẩm vấn tù nhân chiến tranh; ông đã thẩm vấn khoảng 700 lượt người. Robinow còn tham gia bắt giữ các bác sĩ tại Dachau (trại tập trung đầu tiên của Đức Quốc xã) và các sĩ quan cấp cao của chế độ Hitler. Robinow rùng mình nhớ lại cuộc thẩm vấn một nhân viên mật vụ Gestapo. Khi được hỏi đã hạ sát bao nhiêu người, tên này trả lời tỉnh bơ: "Thế ông có thói quen đếm từng lát bánh mì mỗi khi ăn sáng à?".

 

Thụy Miên

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.