Những chuyện kỳ thú - Kỳ 5: Kho vàng của người Maya

30/01/2012 00:51 GMT+7

Năm 2011, nhà toán học người Đức - Joachim Rittsteig thông báo tin làm chấn động giới săn tìm kho báu: ông giải mã thành công ngôn ngữ cổ Maya và tìm ra chỗ giấu kho báu của nền văn minh đã bị biến mất này.

Năm 2011, nhà toán học người Đức - Joachim Rittsteig thông báo tin làm chấn động giới săn tìm kho báu: ông giải mã thành công ngôn ngữ cổ Maya và tìm ra chỗ giấu kho báu của nền văn minh đã bị biến mất này.

>> Kỳ 4: Kim tự tháp là trạm quan trắc toàn cầu?

 
Nhà toán học Joachim Rittsteig

Có không 2.156 thỏi vàng của người Maya?

Joachim Rittsteig nói rằng ông đã nắm mật mã để đọc văn bản cổ của người Maya. Giờ đây, ông hiểu chính xác nơi cất giấu kho báu của vương quốc Maya. Rittsteig đang nói về 2.156 thỏi vàng được đề cập trong một cuốn sách cổ của vương quốc Maya huyền thoại. Theo tính toán của nhà toán học người Đức, tổng trọng lượng của kho vàng này là 8 tấn và có giá thị trường trên dưới 300 triệu USD. Nhưng nếu chúng không phải là các thỏi vàng thông thường mà là vàng mỹ nghệ, chứa đựng nhiều thông tin thì giá trị còn cao hơn dự đoán.

 
Một trang của Dresden Codex - Ảnh: Wikipedia

Rittsteig năm nay 72 tuổi, là nhà giáo về hưu. Ông mất 40 năm để nghiên cứu Dresden Codex (Lưu giữ tại Thư viện Hoàng gia Dresden), một trong bốn cuốn sách còn lại đến ngày nay của người Maya. Cuối cùng, ông thu được kết quả như đã công bố. Cuốn Dresden Codex có 71 trang, tại trang thứ 52, Rittsteig tìm thấy thông tin nói rằng vào ngày 30.10.666 thủ đô Atlan của vương quốc Maya bị động đất và chìm xuống hồ Izabal (lãnh thổ Guatemala ngày nay). Tại trang 52 này Rittsteig còn biết được thông tin số vàng nêu trên được cất tại kho báu của Atlan. Rittsteig liên lạc với các cộng sự tại Guatemala, nhờ họ khảo sát hồ Izabal (rộng 590 km2) và kết quả sơ bộ là họ tìm thấy các khối đá vôi và nghi đó là tàn tích của thủ đô Atlan. Rittsteig cho rằng, cần phải đến Izabal tìm và ông tin kho báu nằm trong một khối đá vôi nào đó.

Thông tin mà Rittsteig đưa ra làm giới săn tìm kho báu trên thế giới náo loạn. Họ chuẩn bị đồ nghề và sẵn sàng đến Trung Mỹ. Tuy thế, chính phủ Guatemala tuyên bố những người săn tìm vàng sẽ không được đón chào tại đây. Hơn thế, Bộ Văn hóa Guatemala thông báo trước khi khảo sát hồ Izabal cần phải đưa ra các bằng chứng khoa học xác thực chứng minh cho sự đúng đắn của Rittsteig khi tiếp cận Dresden Codex

Cú lừa thế kỷ?

Trong khi đó, đánh giá về công trình nghiên cứu của Rittsteig, phó tiến sĩ sử học người Nga - Dmitri Belyev, chuyên nghiên cứu về nền văn minh Maya, nói: “Nghiên cứu của Rittsteig là sự hoang tưởng, ngoài người Maya, hồ Izabal và Guatemala là có thật”. Belyev khẳng định trước đó vào năm 1952, nhà nghiên cứu Liên Xô - Yuri Knorozov đã giải mã văn bản của người Maya cổ. Đó chính là Dresden Codex mà bản dịch của nó được xuất bản vào năm 1975.

Belyev cho rằng, Rittsteig là nhà nghiên cứu không mấy nổi tiếng, chuyên tìm hiểu mối liên hệ giữa người Maya và người Viking (nhà thám hiểm, thương nhân, chiến binh, hải tặc thời xưa). Thông tin ông này đưa ra làm giới khoa học phải nghi ngờ, bởi “người Maya không có thủ đô gọi là Atlan”. Khảo sát tại Guatemala, Mexico, Honduras - nơi có các thành phố cổ lớn của người Maya - các nhà khảo cổ cho rằng người Maya không có khái niệm thủ đô theo cách hiểu của chúng ta ngày nay. Họ có vài vương quốc nhỏ và ở mỗi vương quốc dường như có trung tâm hành chính. Quan trọng hơn, vào năm 666 tại phía đông Guatemala, nơi có hồ Izabal, không có thành phố lớn nào của người Maya.

Thông tin mà Dmitri Belyev đưa ra càng làm cho giới săn tìm kho báu thất vọng: không thể có chuyện 8 tấn vàng của người Maya, bởi tộc người này không sử dụng vàng. Loại mà người Maya cho là báu vật quý nhất chính là ngọc bích. Vào đầu thế kỷ 20, người ta tìm thấy lượng vàng lớn tại Chichen Itza, Mexico, lãnh thổ trước đây của vương quốc Maya, nhưng “đó không phải là vàng do người Maya làm ra”, Belyev nói. Lượng vàng này được chế tác vào thế kỷ thứ 10 và có liên hệ với sự xuất hiện với ngành luyện kim ở nơi đây.

Nhiều nhà nghiên cứu khác cũng tranh cãi về vàng của người Maya. Bởi vàng tìm thấy ở Nam Mỹ (vùng Peru ngày nay) hay tại Chichen Itza (Mexico) là của người da đỏ, nhưng là của các tộc người khác như Aztec, Oaxaca... chứ không phải người Maya. Người Maya không quý vàng và họ không thể luyện được 8 tấn vàng.

Nhưng nếu đặt giả thiết là người Maya có chế tác vàng và họ bí mật cất giấu chúng, liệu thông tin mà Joachim Rittsteig đưa ra có xác thực? Bởi theo bản dịch Dresden Codex đã được công bố trước đây, không có thông tin về kho báu của người Maya. “Dresden Codex dường như là cuốn lịch thiên văn, một số quy định về nghi lễ dành cho các nhà tư tế tra cứu”, Belyev nói. Hơn thế, nhà sử học này khẳng định trong Dresden Codex không hề có thông tin về năm 666. Cuốn sách này hầu như không ghi chép về các sự kiện lịch sử. Về trang thứ 52 mà Rittsteig dẫn giải có thông tin về kho vàng, theo Belyev trang này thuộc về chương nói về hiện tượng nguyệt thực. Năm tháng mà trang này đề cập đến là năm 755 hoặc 818.

Nói thế, nhưng chưa hẳn Joachim Rittsteig đã hết cơ hội tìm kho báu của người Maya. Điều mà Rittsteig cần làm là phải chứng minh tính xác thực của các thông tin mà ông đưa ra. Nếu không, ông sẽ không thể đặt chân đến hồ Izabal để tìm vàng. Tuy thế, cho đến nay nhà toán học người Đức này vẫn không phản hồi trước yêu cầu của Bộ Văn hóa Guatemala. Nhiều khả năng Rittsteig đã đưa ra thông tin giả hơn là sự thật. Nhưng đằng sau các thông tin giả đó là gì? Điều này vẫn chưa ai biết. 

Hoàng Hoài Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.