Quan hệ Việt - Mỹ: Những bước thăng trầm hơn 200 năm

17/06/2005 22:53 GMT+7

Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ không khởi đầu từ 10 năm trước, khi hai nhà nước thiết lập quan hệ ngoại giao, mà đã bắt nguồn từ trước đó rất lâu. Tổng thống Thomas Jefferson là người Mỹ đầu tiên quan tâm đến nước Việt Nam. Sau đó hơn một thế kỷ rưỡi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở đầu bài diễn văn khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa bằng một câu nổi tiếng: "Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng...", đó cũng là lời mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776, và tác giả không phải ai khác ngoài Thomas Jefferson. Bắt đầu từ số báo này, Thanh Niên sẽ điểm lại một số cột mốc đáng nhớ trong mối quan hệ giữa hai quốc gia.

Bài 1: Những tiếp xúc đầu tiên

 

"Cha đẻ" của nước Mỹ tìm giống lúa xứ Đàng Trong

 

Trong cuốn US - Vietnam 1787 - 1941, tác giả Hopkins Miller viết rằng sau khi tuyên bố độc lập (1776), Chính phủ Hoa Kỳ lần đầu tiên đã biết đến xứ "Cochinchina" tức là "Đàng Trong". Tháng 7.1787, Công sứ Hoa Kỳ tại Pháp lúc bấy giờ là Thomas Jefferson đang ở Paris tham gia các cuộc đàm phán thương mại đã ngỏ ý muốn mua giống gạo của xứ Đàng Trong. Ông đã viết một lá thư cho bạn ở Mỹ: "Ông Poivre người thầu thuế vùng Ile-de - France, đang đi thăm nhiều nước châu Á, Ông cho biết là ở Đàng Trong trồng nhiều giống lúa, có ba giống cần nước, có ba giống mọc ở vùng cao". Ý định của Jefferson lúc đó rất rõ ràng: "Lúa cạn Đàng Trong nổi tiếng là trắng thơm và phát triển tốt, tôi sẽ cố cho đem về ít lúa Đàng Trong". Và vị tổng thống tương lai của Hoa Kỳ lúc đó đã liên hệ với con trai của Nguyễn Ánh là Hoàng tử Cảnh để tìm giống lúa. Do không đi tới kết quả nên 4 tháng trước khi cách mạng Pháp bùng nổ (1789) Jefferson tiếp tục viết thư cho Malesherbes - chính khách Pháp và cũng là  nhà nghiên cứu thực vật học - với nội dung: "Nếu ngài có thể bận tâm kiếm cho tôi ít giống lúa Đàng Trong thì thật quả là ông có công lớn đối với đồng hương của tôi". Nhưng cuối cùng Malesherbes đã không giúp được Jefferson.

 

Bản hiệp định thương mại dở dang

 

Tổng thống Jefferson

Năm 1829, khi Tổng thống Andrew Jackson lên nhậm chức, một phái bộ do Edmund Roberts được đích thân tổng thống cử sang đem theo dự thảo hiệp định thương mại để có thể thay mặt Chính phủ Mỹ ký với triều đình nhà Nguyễn. Đầu tháng 1.1832 chiến hạm Peacock chở phái bộ đến Vũng Lấm (nay thuộc Khánh Hòa). Nhưng sau nhiều ngày thảo luận hiệp định thương mại vẫn không được ký kết. Theo lời của Edmund Roberts thì trách nhiệm hoàn toàn thuộc về triều Nguyễn, với các thủ tục ngoại giao quá rườm rà, các quan chức được ủy quyền thương thuyết không có ý kiến rõ ràng, và hay lảng tránh các câu hỏi trực diện do Mỹ nêu ra. Phía Việt Nam tỏ ra quá dè dặt, thận trọng và có thái độ nghi kị. Lý do quan trọng nhất khiến các phái viên của triều Nguyễn không đồng ý ký rốt cuộc lại là những vấn đề thuộc hình thức văn bản. Họ cho rằng những lời lẽ viết trong dự thảo hiệp định không tuân thủ những công thức tôn kính cần phải có đối với Hoàng đế Việt Nam. Thậm chí còn căn vặn phía Mỹ, sau khi được giải thích rằng Tổng thống Hoa Kỳ là do bầu ra nên có nhiệm kỳ (thời hạn), rằng như vậy Tổng thống Mỹ không tương xứng với Hoàng đế Việt Nam.

 

Sử liệu Việt Nam thì nói rằng hai viên quan được triều đình giao cho việc đàm phán với Edmund Roberts là Ngoại lang Nguyễn Tri Phương và Tư vụ Lý Văn Phức. Sau khi nghe dịch nội dung quốc thư của Tổng thống Mỹ và dự thảo của hiệp định thương mại, thấy không hợp với cách thức đã không trình lên vua rồi viết thư trả lời rằng Vua Việt Nam không ngăn cản buôn bán, nhưng phải tuân theo pháp luật đã định. Tàu Mỹ đến phải đậu ở Đà Nẵng, không được phép lên bờ. Nhận được thư này, phái đoàn của Edmund Roberts đã rời Việt Nam.

 

"Đại sứ đặc mệnh toàn quyền" Bùi Viện

 

Vua Tự Đức

Có thể xem nhà cải cách Bùi Viện như là một "đại sứ đặc mệnh toàn quyền" đầu tiên của Việt Nam đi sang Mỹ. Một vị đại sứ đặc mệnh mà điểm đặc biệt là ra đi chỉ một mình, không quốc thư, không có tùy tùng chính thức. Một vị đại sứ được quyền tùy ý lựa chọn nước mình đến, và toàn quyền quyết định vấn đề trao đổi thảo luận.

Năm 1858, hải quân Pháp nổ súng tấn công cảng Đà Nẵng, mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam. Muốn cứu nguy cho dân tộc, Vua Tự Đức đã buộc nghĩ tới biện pháp phái người ra ngoài, giao thiệp tìm chỗ dựa để giảm bớt áp lực của Pháp và tìm con đường canh tân tồn tại.

 

Tháng 7.1873 Bùi Viện vượt biển ra đi, sau hai mươi ngày lênh đênh trên biển ông đến được Hồng Kông. Đầu tiên Bùi Viện đến Lãnh sự Mỹ tại Hồng Kông. Tại đây ông kết giao với một sứ giả Mỹ và được ông này giúp đỡ để tiếp kiến Tổng thống Mỹ. Sau đó ông rời Hồng Kông sang Nhật Bản và đến cảng Yokohama xuống tàu đi Mỹ. Bùi Viện đến San Francisco rồi đến thủ đô Washington. Ở đây ông lại phải chờ đợi, tìm mọi cách vận động, sau gần một năm mới được Tổng thống Mỹ Ulysses Grant tiếp. Ông khẩn cầu Tổng thống Mỹ viện trợ Việt Nam đánh đuổi Pháp ra khỏi đất nước. Hoa Kỳ từ lâu đã muốn tìm một chỗ đứng ở phương Đông, nhân cơ hội này Mỹ muốn vào Việt Nam; nhưng Bùi Viện không có quốc thư ủy nhiệm nào để có thể đủ tư cách ký kết hiệp ước liên kết. Thất vọng, Bùi Viện đành xuống tàu quay về nước.

 

Chuyến đi Mỹ lần thứ hai của Bùi Viện là vào năm 1875. Có trong mình quốc thư của Vua Tự Đức, ông hy vọng sẽ đạt những điều mong muốn. Tuy nhiên, bối cảnh trên thế giới lúc này các nước đế quốc đã thỏa thuận xong việc phân chia phạm vi thế lực lần thứ nhất. Pháp cũng đã đứng vững ở Việt Nam. Còn Mỹ thì có bao nhiêu việc cần ổn định trong nước sau nội chiến, tình hình quốc tế cũng chưa có lợi cho họ. Bùi Viện lại ôm mối thất vọng trở về.

 

Xuân Danh

(Bài 2: Cơ hội bị bỏ lỡ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.