Sự trỗi dậy của quân đội Nhật Bản

28/03/2009 22:33 GMT+7

Sau nhiều năm im lìm kể từ thất bại hồi Thế chiến 2, Nhật Bản gần đây đã tăng cường sức mạnh quân sự và đang đóng vai trò ngày một lớn hơn trong các vấn đề quốc tế.

Hai quả bom nguyên tử được ném xuống Hiroshima và Nagasaki. Hàng loạt quan quân xứ mặt trời mọc mổ bụng tự sát tại Đông Dương, trên các quần đảo thuộc Thái Bình Dương và ngay trên thảm cỏ trước hoàng cung ở Tokyo. Thế chiến 2 kết thúc bằng thất bại thảm hại của Nhật Bản và chủ nghĩa phát xít. Sau cuộc chiến điêu tàn đó, người Mỹ chiếm đóng Nhật Bản đã soạn ra Hiến pháp Hòa bình, trong đó cam kết hòa bình được cô đúc tại Điều 9: “Nhân dân Nhật Bản thành thật mong muốn một nền hòa bình quốc tế dựa trên chính nghĩa và trật tự, cam kết vĩnh viễn không phát động chiến tranh như là một phương tiện giải quyết xung đột quốc tế bao gồm chiến tranh xâm phạm chủ quyền dân tộc và các hành vi vũ lực hoặc hành vi đe dọa bằng vũ lực. Để thực hiện mục đích ghi ở trên, lục quân, hải quân và không quân cũng như các tiềm lực chiến tranh khác sẽ không được duy trì. Quyền tham chiến của đất nước sẽ không được công nhận”.

Trên nền tảng của Hiến pháp Hòa bình, Nhật Bản đã không xây dựng lực lượng quân đội chính thức, không có Bộ Quốc phòng mà chỉ có Cục Phòng vệ. Điều này đã được duy trì trong một thời gian dài trước khi có những thay đổi mang tính bước ngoặt vào năm 2007, đúng 60 năm sau khi Hiến pháp Hòa bình ra đời.

Đổi thay

Sau Thế chiến 2, Cục Phòng vệ Nhật Bản đã được thành lập thay cho một lực lượng quân đội chính quy như hầu hết các nước khác. Cái tên Cục Phòng vệ cùng các lực lượng trực thuộc như Tự vệ Mặt đất, Tự vệ Hàng hải, Tự vệ Hàng không đều làm nổi bật tinh thần của Hiến pháp Hòa bình. Cục Phòng vệ phối hợp với lực lượng Mỹ đồn trú có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của đất nước vùng Đông Á này.

 

Máy bay Mitsubishi F-2 của Nhật Bản trong một đợt tập luyện - Ảnh: USAF

Không phải là một tổ chức quân đội như các nước khác, nhưng Cục Phòng vệ Nhật Bản có phương tiện chiến đấu rất hiện đại, với hệ thống tàu chiến, máy bay, xe tăng, súng ống của một cường quốc quân sự. Ngoài vũ khí, khí tài nhập từ Mỹ và các nước đồng minh khác, Nhật Bản cũng không ngừng tự nâng cấp năng lực chiến đấu của mình bằng các sản phẩm nội địa hoặc hợp tác như chiến đấu cơ Mitsubishi F-2, máy bay vận tải Kawasaki C-1, xe tăng Type 74, Type 90, các tàu khu trục, tuần dương hiện đại hàng đầu thế giới... Kết quả là các lực lượng chiến đấu, như Tự vệ Hàng hải chẳng hạn, được đánh giá cao, về phương diện tác chiến và công nghệ thì chỉ kém Mỹ. Nhưng do không phải là một cơ quan cấp bộ nên Cục Phòng vệ có rất nhiều hạn chế, chẳng hạn như trong việc trình dự án luật, làm nhiệm vụ quốc tế, triển khai các biện pháp ngăn ngừa...

Cùng với thời gian, khi Nhật Bản vươn lên trở thành một trong những quốc gia phồn thịnh nhất hành tinh, khi tình hình an ninh - quân sự thế giới có nhiều biến chuyển phức tạp, đặc biệt là sự trỗi dậy về mặt quân sự của các quốc gia trong khu vực, thì đất nước mặt trời mọc cũng đã thay đổi, bởi Cục Phòng vệ không còn đáp ứng được các yêu cầu trong hoàn cảnh mới. Có thể thấy rõ nhất yêu cầu thay đổi của lực lượng quân sự Nhật Bản trong Sách Trắng năm 2002, tài liệu được công bố không lâu sau vụ khủng bố 11.9.2001 ở Mỹ, sự kiện mà giới phân tích quân sự cùng các nhà quản lý vĩ mô cho rằng đã tạo ra một sự thay đổi quan trọng về bộ mặt an ninh của thế giới cũng như học thuyết quân sự của nhiều quốc gia. Sách Trắng 2002, là bộ sách trắng thứ hai dưới thời Thủ tướng Junichiro Koizumi, nhấn mạnh rằng một hành động như vụ tấn công 11.9 là “không thể tha thứ”. Điều này hé lộ phần nào quan điểm của giới lãnh đạo Nhật Bản về vấn đề khủng bố và những yêu cầu phải thay đổi bộ máy quân sự để đáp ứng nhiệm vụ chống khủng bố.

Sách Trắng 2002 cũng đưa ra cái nhìn tổng quan về tình hình quân sự và tương quan của các lực lượng quân đội trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trong đó, Nhật Bản đặc biệt nhấn mạnh mối đe dọa từ CHDCND Triều Tiên cùng những tranh chấp khu vực, như cuộc tranh chấp với Nga tại quần đảo Kuril, cuộc tranh chấp với Hàn Quốc tại nhóm đảo đá Dokdo/Takeshima, các tranh chấp về khu vực đặc quyền kinh tế biển với Trung Quốc. Sức mạnh quân sự của Nga, CHDCND Triều Tiên và đặc biệt là Trung Quốc là những điểm nhấn của Sách Trắng 2002. Trong tài liệu này, người Nhật cho rằng Trung Quốc đã liên tục tăng ngân sách quốc phòng 10% mỗi năm trong suốt 14 năm kể từ năm 1989. Quốc hội Trung Quốc còn có kế hoạch tăng kinh phí để trang bị “công nghệ hiện đại, đặc biệt là tăng khả năng quốc phòng công nghệ cao”. Người Nhật đã coi sự lớn mạnh của quân đội Trung Quốc là một “mối đe dọa”.

Cuộc chạy đua vũ trang trong nhiều năm qua đã dẫn tới kết quả là Nhật Bản nằm giữa một loạt nước có vũ khí hạt nhân, gồm Nga, Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên, chưa kể đồng minh Mỹ ở bên kia bờ đại dương. Thực tế này cùng với những đổi thay đầy thách thức của an ninh khu vực và thế giới đã đặt Nhật Bản trước đòi hỏi phải có quân đội chính thức. Khi lên thay ông Koizumi vào năm 2006, Thủ tướng Shinzo Abe đã đẩy mạnh tiến trình thành lập Bộ Quốc phòng. Đến ngày 9.1.2007, Bộ Quốc phòng Nhật Bản chính thức ra đời theo một luật mới được thông qua, đánh dấu một sự thay đổi mang tính bước ngoặt trên xứ sở hoa đào.

Nâng tầm

Trước khi Cục Phòng vệ được chuyển thành Bộ Quốc phòng, lực lượng quân sự Nhật Bản vẫn rất hùng hậu, với phương tiện chiến đấu hiện đại, binh sĩ tinh nhuệ. Dù thế, không thể coi sự chuyển đổi vào năm 2007 chỉ là hình thức. Bởi với sự ra đời của Bộ Quốc phòng, quân đội Nhật Bản đã và sẽ có nhiều quyền hơn. Vai trò của quân đội, cả trong nước lẫn quốc tế, vì thế không ngừng được nâng cao.

Hiện quân đội Nhật Bản có tổng cộng khoảng 240.000 quân nhân, trong đó có 130.000 người thuộc lục quân với tên gọi chính thức là Các lực lượng Tự vệ Mặt đất. Theo hãng tin AP thì ngân sách quốc phòng năm 2009 của Nhật Bản là 49 tỉ USD, thấp hơn so với con số khoảng 70 tỉ của Trung Quốc. Tuy nhiên, bù lại việc sử dụng ngân sách của người Nhật lại được đánh giá là hiệu quả hàng đầu thế giới. Với ngân sách lớn như thế, Nhật Bản đã đầu tư vào nhiều kế hoạch cực kỳ quan trọng, trong đó bước đi đáng chú ý nhất là việc thành lập lá chắn tên lửa đa tầng sử dụng hệ thống tên lửa Patriot, SM-3 của Mỹ.

Trong nhiều năm qua, cùng với sự phát triển của lực lượng quân sự, các lực lượng mang tên “phòng vệ” của người Nhật cũng đã có mặt tại nhiều nơi. Họ đã gửi quân nhân tới tham gia công tác hậu cần, nhân đạo và tái thiết tại Iraq. Tàu của Nhật Bản còn làm nhiệm vụ tiếp tế cho tàu bè của Mỹ ở Ấn Độ Dương phục vụ cho chiến trường Afghanistan. Mới đây nhất, người Nhật đã điều hai tàu khu trục tới vùng biển ngoài khơi Somalia để phối hợp với các quốc gia khác chống hải tặc.

Nhật Bản đã có Bộ Quốc phòng và đã có một lực lượng quân đội hùng mạnh nhưng một số hoạt động quân sự của họ vẫn bị Hiến pháp Hòa bình cấm. Chẳng hạn như việc mua hoặc sản xuất tàu sân bay, sắm máy bay tiếp dầu trên không - những phương tiện phục vụ cho các vụ không kích tầm xa, vẫn chưa được hiến pháp cho phép. Một số hành động quân sự mang tính ngăn chặn cũng không được phép. Các hành động như đối phó với việc CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa, cụ thể là bắn hạ tên lửa của Bình Nhưỡng, cũng phải được cân nhắc kỹ càng để không vi phạm hiến pháp. Từ thực tế này, ở Nhật Bản, người ta đang đặt ra câu hỏi liệu có nên thay đổi hiến pháp để “cởi trói” cho quân đội. Bước đi này, nếu được thực hiện, sẽ tạo ra một sự chuyển biến lớn về cán cân quân sự trong khu vực và trên thế giới.

Mới đây nhất, sau khi CHDCND Triều Tiên rục rịch chuẩn bị phóng vệ tinh, mà theo cáo buộc của nhiều nước là nhằm ngụy trang cho một vụ thử tên lửa tầm xa, một số chính trị gia tại Nhật Bản còn nêu lên vấn đề vũ khí hạt nhân. Theo các vị này, một khi bán đảo Triều Tiên được thống nhất mà chưa giải trừ vũ khí hạt nhân thì Nhật Bản cũng nên phát triển loại vũ khí này. Xét về năng lực thì Nhật Bản có thể sản xuất thành công vũ khí hạt nhân trong vòng vài tháng đến vài năm, nhưng bước đi này chắc chắn sẽ tạo ra dư luận bất lợi cũng như những tiền lệ xấu cho thế giới. Vì thế, khả năng này hiện chỉ mới dừng lại ở những đề xuất của các cá nhân.

Trong khoảng 20 năm trở lại đây, đặc biệt là từ sau vụ 11.9.2001, lực lượng quân sự Nhật Bản đã có những bước chuyển ngoạn mục. Điều này tạo ra cán cân quân sự khá cân bằng trong một khu vực có các cường quốc quân sự như Nga, Trung Quốc. Sự lớn mạnh của quân đội Nhật Bản cũng nằm trong chiến lược của Mỹ hầu ngăn chặn ảnh hưởng về phía đông - tức Thái Bình Dương - của Nga, Trung Quốc và một chừng mực nào đó là CHDCND Triều Tiên. Chính vì thế, quá trình phát triển của quân đội Nhật Bản đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Mỹ. 

Đỗ Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.