Thách thức bức tường âm thanh

05/06/2010 23:21 GMT+7

Dù các thử nghiệm chưa mang lại kết quả như ý, Mỹ vẫn đang nỗ lực chế tạo những hệ thống vũ khí có thể vượt hơn tốc độ âm thanh nhiều lần.

Trong những ngày qua, các phương tiện truyền thông thế giới đưa tin: Vào ngày 26.5, hãng Boeing đã phóng thử thành công tên lửa hành trình siêu vượt âm X-51A Waverider đạt 6 lần tốc độ âm thanh. Thật ra khi thử nghiệm, X-51A Waverider chỉ đạt 5 lần tốc độ âm thanh.

Trước đó gần một tháng, không lực Mỹ đã thử nghiệm vật thể bay FHTV-2 (Falcon Hypersonic Technology Vehicle 2), có tốc độ vượt 20 lần tốc độ âm thanh. Cuộc thử nghiệm của cả 2 hệ thống vũ khí này chỉ thành công một phần, bởi trong quá trình thử nghiệm, các nhà điều khiển đã gặp phải hiện tượng mất thông tin mà hiện vẫn chưa giải thích được.

Đứt đoạn thông tin bí ẩn

Theo dự tính ban đầu, cuộc thử nghiệm của X-51A Waverider sẽ được tiến hành vào ngày 25.5.2010. Thế nhưng, một giờ đồng hồ trước khi tiến hành, người ta buộc phải lui lại một ngày. Nguyên nhân là có một chiếc tàu chở hàng đang nằm trong khu vực thuộc Thái Bình Dương mà dự kiến X-51A Waverider sẽ rơi xuống đó sau khi được phóng lên. 

Igla và Kholod

Tại Nga, việc nghiên cứu các loại tên lửa có tính năng tương tự X-51A và FHTV-2 do Viện nghiên cứu động cơ hàng không trung ương mang tên Baranov đảm nhiệm. Tên lửa Kholod được thiết kế dựa trên tên lửa

Zenit S-200 được phóng lần đầu tiên vào năm 1991 và đạt tốc độ Mach 5,7. Hiện viện nghiên cứu này đang thiết kế tên lửa siêu vượt âm mang tên Igla.
Ngày hôm sau, một máy bay B-52 mang theo tên lửa X-51A Waverider cất cánh theo lịch trình từ căn cứ Edwards ở bang California. Khi đã đạt độ cao 15.000m trên Thái Bình Dương, máy bay phóng tên lửa rồi trở về. Trong khi X-51A Waverider đang bay, không lực Mỹ sẽ thu thập thông tin thông qua nhiều bộ cảm biến gắn trên nó. Trước hết là thông tin về tác động của khí nóng đối với kết cấu tên lửa, sau đó là đường đi của nó với tốc độ siêu vượt âm. Ngoài ra, các nhà khoa học sẽ ghi nhận hoạt động của động cơ cũng như các trang thiết bị gắn trong tên lửa. Tất cả các thông tin này sẽ được tổng hợp để ứng dụng cho chuyến bay thứ hai của X-51A Waverider, dự kiến sẽ được tiến hành trong khoảng từ tháng 10 đến tháng 11 năm nay. 

Theo số liệu của Phòng thí nghiệm không quân Mỹ - đơn vị tham gia vào cuộc thử nghiệm nêu trên - sau khi được phóng ra từ độ cao 15.000m, tầng khởi tốc của X-51A Waverider đưa tên lửa tới độ cao 19.800m, đạt tốc độ gấp 4,8 lần tốc độ âm thanh, được ký hiệu là Mach 4,8 (hơn 5.800 km/giờ). Sau đó, tên lửa đạt độ cao 21.300m, đạt tốc độ Mach 5 và coi như thử nghiệm đã thành công. Tuy nhiên chính ở thời điểm này bắt đầu xảy ra trục trặc mà căn nguyên vẫn chưa rõ ràng.

Theo kế hoạch, X-51A Waverider sẽ phải đạt vận tốc Mach 6 và động cơ của nó phải hoạt động trong suốt 300 giây. Chỉ sau đó, tên lửa mới rơi xuống Thái Bình Dương. Thực tế thì động cơ của tên lửa chỉ hoạt động được gần 200 giây và trạm chỉ huy dưới mặt đất buộc phải truyền tín hiệu cho X-51A tự hủy. Nguyên nhân của vụ việc là do hoạt động bất thường của các trang thiết bị gắn trên tên lửa. Đến giây thứ 140, các chỉ số trắc viễn nhận được không đều, thời gian ngắt quãng các thông số thông tin càng lúc càng dài hơn.

Điều đáng nói là trước khi phóng X-51A Waverider, tất cả các bộ cảm biến, trang thiết bị đi kèm đã được kiểm tra rất kỹ lưỡng. Trước đó, hãng Boeing cùng không lực Mỹ đã phối hợp thử nghiệm vật thể bay FHTV-2 và cũng kết thúc khi thông tin bị ngắt. 

Cuộc thử nghiệm trên tiến hành vào ngày 20.4.2010. FHTV-2 do tên lửa đẩy Minotaur IV phóng lên từ căn cứ không quân Vandenberg ở California. Theo kế hoạch, trong lần bay đầu tiên của FHTV-2, tốc độ của nó trong giai đoạn đầu sẽ là 7.600 km/giờ. Sau đó nó sẽ tăng tốc lên Mach 20 (hơn 24.000 km/giờ), bay trong vòng 30 phút rồi rơi xuống vị trí cách không xa đảo san hô Kwajalein. Liên lạc thông tin với FHTV-2 đã bị đứt hoàn toàn khi bay với tốc độ Mach 20. Các kỹ sư thiết kế X-51A Waverider và FHTV-2 hiện vẫn chưa đưa ra lời giải thích vì sao thông tin bị đứt đoạn như thế. Sau các sự cố nói trên, họ đang soạn thảo và nghiên cứu cơ chế thu nhận thông tin của các hệ thống siêu vượt âm. Tất cả các kết luận chỉ được các nhà chuyên môn đưa ra sau khi thử nghiệm các chuyến bay tiếp theo với cả hai loại hình này.

Vũ khí của tương lai

Chi phí quân sự tiếp tục tăng

Chi phí quân sự của thế giới năm 2009 tiếp tục tăng, đạt mức kỷ lục là 1,53 ngàn tỉ USD, theo báo cáo của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) của Thụy Điển. So sánh với năm 2008, chỉ số này tăng 5,9%, còn với năm 2000 là 49%. Tựu trung, khủng hoảng kinh tế toàn cầu trong năm 2008 không ảnh hưởng tới ngành công nghiệp quân sự.

Theo số liệu của SIPRI, trong năm 2009, phần lớn các quốc gia đều tăng đầu tư vào ngành tài chính và các lĩnh vực chủ chốt của kinh tế để chống giảm phát. Tuy nhiên, đầu tư cho quân sự cũng gia tăng và được coi là một trong những giải pháp kích cầu. Đứng đầu là Mỹ - nước chi 661 tỉ USD cho quốc phòng, chiếm 43% trong tổng mức đầu tư quốc phòng toàn thế giới. Xếp thứ hai là Trung Quốc với gần 100 tỉ USD. Tiếp theo là Pháp - 63,9 tỉ USD, Anh - 58 tỉ USD và Nga đứng ở vị trí thứ năm với mức 53 tỉ USD.
Cả hai dự án nêu trên đều rất được quan tâm và có tầm quan trọng đặc biệt đối với Washington, trước hết là đối với Lầu Năm Góc, nơi các lãnh đạo Bộ Quốc phòng Mỹ đang soạn thảo chiến lược “Phản ứng nhanh toàn cầu”. Dự án FHTV-2 được thực thi trong khuôn khổ của chiến lược này, còn tên lửa X-51A Waverider sau đó mới được tính đến để bổ sung thêm. Nó sẽ được áp dụng vào chiến lược “Phản ứng nhanh toàn cầu” sau khi được thử nghiệm 6 lần.

Cho đến nay, có khá ít thông tin về FHTV-2 được công bố. Không loại trừ khả năng nó sẽ mang đầu đạn thông thường, được sử dụng thay thế cho tên lửa đạn đạo. Với tốc độ hơn 24.000 km/giờ, hẳn các quốc gia đang sở hữu vũ khí hạt nhân phải lưu tâm đến  FHTV-2 như một mối đe dọa lớn.

Không quân Mỹ cũng đang xem xét sử dụng các vũ khí tương tự FHTV-2 phục vụ cho việc do thám, quan sát cho mục đích quân sự. Nó sẽ được sử dụng trong trường hợp các vệ tinh - do thám gần mặt đất bị hư hỏng. Ngoài ra, hệ thống này có thể dùng làm tên lửa đẩy, đưa vệ tinh lên quỹ đạo gần Trái đất. 

Vào trung tuần tháng 4.2010, hãng Boeing thông báo sẽ thiết kế dựa trên mẫu X-51A loại tên lửa mới mang tên X-51A+. Dự án này sẽ bắt đầu sau một vài năm nữa nếu các cuộc thử nghiệm tên lửa X-51A Waverider thu được thành công. Tuy nhiên, tài chính cho dự án này sẽ bắt đầu được huy động từ năm 2011. Với loại tên lửa mới này, Boeing dự kiến sẽ gắn thiết bị tìm diệt nhanh các mục tiêu của đối phương trong tình huống xảy ra mâu thuẫn lớn. Nhiều khả năng, X-51A+ sẽ mang cả đầu đạn thông thường lẫn đầu đạn hạt nhân.

Ngoài ra, X-51A+ sẽ có quỹ đạo biến hóa, để hạ thấp nguy cơ bị các phương tiện phòng không của đối phương tiêu diệt. Trong trường hợp cần thiết, có thể Boeing sẽ cải tiến tên lửa siêu vượt âm này thành máy bay không người lái trang bị vũ khí có độ chính xác cao. 

Như vậy, X-51A + và FHTV-2 sẽ là các vũ khí chủ lực của Lầu Năm Góc trong tương lai. Điều này không có gì phải bàn cãi. Vào tháng 8.1998, từ vùng biển Ả Rập, Mỹ từng phóng tên lửa đạn đạo BGM-109 Tomahawk để tiêu diệt một căn cứ của phiến quân ở Afghanistan mà theo tin tình báo là nơi ẩn nấp của trùm khủng bố Osama bin Laden. Phải mất hơn 2 giờ tên lửa mới bay đến mục tiêu. Trong khi đó, nếu dùng X-51A Waverider sẽ chỉ mất 13 phút, còn FHTV-2 sẽ là 4,5 phút.

Hoàng Hoài Sơn (theo Lenta)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.