Thăm hàng không mẫu hạm Mỹ

25/04/2009 23:56 GMT+7

Chuyến thăm tàu sân bay USS John C.Stennis của phái đoàn sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam hôm 22.4 ngoài ý nghĩa lịch sử quan trọng giữa hải quân hai nước, còn để lại nhiều điều đáng nhớ khác.

“Trò chơi” cảm giác mạnh

Trước khi tiến ra đường băng dành cho máy bay quân sự trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, phái đoàn sĩ quan Việt Nam, Đại sứ Mỹ Michael Michalak cùng một số phóng viên được chuẩn bị kỹ lưỡng về những điều chưa từng gặp ở máy bay dân dụng. Toàn bộ 14 thành viên trong đoàn lên máy bay từ phía đuôi. Tất cả ghế ngồi trong khoang đều được thiết kế quay lưng lại với buồng lái của phi công. Không có bộ phận đẩy ghế ra sau. Chỉ có 2 cửa sổ nhỏ đồng thời cũng là cửa thoát hiểm.

Mọi thành viên trong đoàn được trang bị tận răng với nón bảo hộ, áo phao, bộ phận chống ồn. Cách thắt dây an toàn cũng phải trải qua nhiều công đoạn hơn so với máy bay dân dụng. Hai binh sĩ Mỹ di chuyển liên tục trong suốt khoang hành khách để đảm bảo mọi người thắt dây an toàn đúng cách. Chỉ cần một cái nhìn thoáng qua là hai binh sĩ này biết được ngay ai chưa làm đúng quy tắc và lập tức điều chỉnh.

Trao đổi với báo giới sau chuyến đi, đại tá Nguyễn Hữu Vinh, Phó tham mưu trưởng Hải quân Việt Nam và Đại sứ Mỹ Michael Michalak nói hai ông tin rằng chuyến đi sẽ mở ra quan hệ hợp tác sâu rộng hơn nữa giữa hải quân hai nước. Thanh Niên đã có cuộc tiếp xúc với Đại sứ Michael Michalak:

* Chính quyền Obama đặt trọng tâm vào phương thức ngoại giao hòa bình. Theo ông, việc phô diễn của một thiết bị quân sự tầm cỡ như tàu sân bay USS John C.Stennis song hành với tư tưởng đó như thế nào?

- Đại sứ Michael Michalak: Chính quyền Obama đặt giá trị rất cao lên việc đa phương diện, sẵn sàng và cởi mở cho một cuộc thương thuyết. Những gì bạn chứng kiến hôm nay cho thấy chúng tôi không chỉ có thể đối ngoại ở khía cạnh đa phương diện, ở khía cạnh đối thoại và lắng nghe, mà còn cho thấy chúng tôi cũng sẵn sàng cho những lựa chọn khác.

Các thành viên trong đội bay mất nhiều thời gian nhất để chuẩn bị cho mọi người trong đoàn về những cảm giác không được dễ chịu lắm khi máy bay hạ và cất cánh. “Sẽ có một cuộc hạ cánh rất nhanh, từ khoảng 290 km/giờ xuống 0 km/giờ chỉ trong vòng 6 giây. Bạn sẽ thấy mình như một trái bóng bị ném mạnh xuống sàn và bật tung trở lại” - lời dặn dò của một thành viên trong đội bay được kiểm chứng tương đối chính xác khi máy bay hạ cánh sau khoảng 1 giờ bay.

“Khi cất cánh, yêu cầu mọi người bắt chéo hay tay trước ngực, ngồi thẳng lưng vì vận tốc máy bay sẽ đi từ 0 km/giờ lên 240 km/giờ trong vòng 1,4 giây”. Lời cảnh báo “bom tấn” ấy hóa ra cũng chẳng là gì so với trải nghiệm thực tế.

Trước khi máy bay cất cánh quay trở về TP.HCM, cô phiên dịch viên – một trong hai thành viên nữ trong đoàn, cùng với tùy viên văn hóa của Lãnh sự quán Mỹ Patricia Norland – quay ngược xuôi nhắc mọi người đặt chéo hai tay trước ngực và chuẩn bị tinh thần. Dặn dò xong, cô nhắm mắt lại. Chúng tôi chỉ biết làm theo.

Không thể dùng từ thót tim để diễn tả cảm giác khi máy bay cất cánh. Chúng tôi có cảm giác như mình bị bắn thật mạnh lên không trung chỉ trong tích tắc. Mở mắt ra, thấy toàn thân bị trút ngược xuống và tưởng chừng như có thể văng đi bất cứ lúc nào. Chỉ khoảng hai giây mà cái cảm giác sởn tóc gáy đó vẫn còn cho tới tận bây giờ.

Chuyến đi còn đem lại nhiều điều đáng nhớ khác, ở một hải phận quốc tế cách phía nam Côn Đảo khoảng 250 hải lý...

 
Chuẩn đô đốc Mark A.Vance tiếp đoàn sĩ quan VN

Gã khổng lồ trên biển

Phái đoàn Việt Nam, do đại tá Đỗ Minh Tuấn - Phó tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không - Không quân và đại tá Nguyễn Hữu Vinh – Phó tham mưu trưởng Hải quân dẫn đầu, đã hạ cánh xuống tàu khoảng 10 giờ 30 (giờ Việt Nam). Đoàn được chuẩn đô đốc Mark A.Vance đón tiếp tại tàu sau khoảng 1 giờ bay. Mọi người vừa dùng bữa ăn nhẹ vừa nghe những nét khái quát về USS John C.Stennis, một trong 10 hàng không mẫu hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân lớn nhất của quân đội Mỹ.

Tàu được đưa vào sử dụng từ năm 1995 với trọng tải 97.000 tấn. Dài 333 mét và ngang 78 mét, tàu có thể chở được hơn 80 chiếc thuộc nhiều loại máy bay chiến đấu khác nhau như F/A-18F Super Hornet, F/A-18C Hornet, E-2C Hawkeye, MH-60S Knighthawk, C-2A Greyhound, EA-6B Prowler, MH-60R Seahawk... “Tôi như một người quản lý khách sạn thường xuyên phục vụ cho khoảng 5.000 – 6.000 người trên tàu”, chuẩn đô đốc Vance nói.

Hằng ngày, tàu phục vụ trung bình 18.600 suất ăn với số lượng trứng chỉ dùng riêng cho điểm tâm là 12.000 quả. Tàu có khoảng 2.000 điện thoại; hệ thống điều hòa không khí trên tàu đủ phục vụ cho 950 căn hộ. Số nệm sử dụng cho các thủy thủ tàu, nếu đặt sát nhau từ đầu này tới đầu khác, kéo dài khoảng 14 km.

Các binh sĩ trên tàu mặc những màu áo tượng trưng cho những nhiệm vụ khác nhau. Màu tím phụ trách xăng dầu; trắng lo về an ninh; vàng hướng dẫn các bước chuyển động của máy bay; đỏ xử lý vũ khí và đạn dược; xanh lá móc máy bay vào bệ phóng cũng như xử lý các đoạn cáp hãm; nâu là những cơ trưởng phụ trách các chuyến bay cá nhân; xanh da trời chèn và xích máy bay vào vị trí.

Ngoài việc được tham quan phòng điều khiển không lưu, đài quan sát, khoang chứa các loại máy bay, đoàn được đưa lên boong tàu để quan sát hoạt động cất cánh của các chuyên cơ chiến đấu. Sức nóng trên boong tàu rất gay gắt nên mọi người phải mặc thêm áo, đeo nón bảo hộ và các thiết bị chống ồn y như đang ngồi trên máy bay. Cứ cách khoảng ba phút lại có một chiếc máy bay cất cánh. Trước khi cất cánh, luôn có một đội ngũ nhân viên đứng trước từng chiếc máy bay để hướng dẫn những thao tác kỹ thuật cần thiết. Khi mọi thứ đã sẵn sàng, chiếc máy bay chạy một khoảng rất ngắn trước khi lao lên với một tốc độ khủng khiếp. Sự chênh lệch vận tốc là từ 0 km/giờ đến 240 km/giờ chỉ trong khoảng 1,4 giây. Do đứng rất gần vị trí biểu diễn nên mọi người trong đoàn đều cảm được rất rõ thế nào là tốc độ “xé gió” cũng như nóng ran trong ngực mỗi khi từng chiếc máy bay vút lên.

Chúng tôi cũng có dịp trò chuyện với các thủy thủ trên tàu ở mọi nơi đoàn đến. Có một điều khá đặc biệt là mặc dù phải thường xuyên làm việc với cường độ và áp lực khá cao, mọi chuyện yêu đương trên tàu đều bị cấm tiệt. “Binh sĩ trên tàu không được phép yêu nhau và nếu bị phát hiện, họ sẽ bị sa thải khỏi tàu ngay lập tức”, bà Cindy Fields, phụ trách đối ngoại trên tàu, nói.

Nhưng điều đáng nhớ đối với các thành viên trong đoàn hơn cả là tiếp đón chúng tôi còn có cả những binh sĩ người Mỹ gốc Việt.

Một góc Việt

Những binh sĩ gốc Việt chúng tôi gặp đều rất trẻ. Tom Phạm, 25 tuổi, đã có hơn 1.300 giờ bay thành công trong lực lượng quân đội Mỹ. Joseph Nguyễn, 23 tuổi, làm ở bộ phận tin học, nói anh cũng đã làm việc trên tàu được hai năm. Joseph Nguyễn qua Mỹ từ nhỏ nhưng vẫn có thể chuyện trò với mọi người trong đoàn. Tiếng Việt của anh đủ để giải thích cho chúng tôi hiểu những vấn đề kỹ thuật liên quan tới tàu sân bay. “Ở nhà bên Mỹ ba mẹ chỉ nói chuyện với con cái bằng tiếng Việt thôi. Chỉ khi nào ra ngoài mới đụng đến tiếng Anh”, anh nói. Trong khi đó, Vũ Huy Đăng chỉ mới định cư tại Mỹ từ 2003 cùng gia đình. Học xong trung học, anh nộp đơn thi tuyển và làm việc trên tàu. Đăng bày tỏ sự ham thích binh nghiệp và mong muốn được phục vụ lâu dài trong Hải quân Mỹ.

Trong suốt cuộc trò chuyện của những người trẻ đó với những sĩ quan Việt Nam, tuyệt nhiên không hề nghe thấy bất cứ một “ok”, một “à há” nào từ phía họ. Chỉ có “dạ”, “vâng” cùng thái độ rất lịch sự.

Chúng tôi phải chia tay với những binh sĩ trẻ gốc Việt sớm hơn một giờ so với dự kiến để tránh một cơn bão đang vần vũ ngoài biển Đông.

Tàu USS Stennis được đặt tên theo cố thượng nghị sĩ bang Mississippi John C. Stennis (1901-1995), người từng có hơn 40 năm phục vụ tại Thượng viện Mỹ. Tàu vừa đi thăm một số nước trong khu vực và mới tham gia tập trận lớn với Hàn Quốc hồi tháng 3. Trao đổi qua e-mail với Thanh Niên hôm 24.4, bà Cindy Fields cho hay lúc ấy tàu đang ở Singapore và sẽ rời cảng trong khoảng bốn ngày nữa. 

An Điền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.