Vàng lên giá, rừng xơ xác: Chuyện ở Huepetuhe

17/09/2010 10:48 GMT+7

Mấy tháng gần đây, các khu rừng mưa nhiệt đới của Peru và Surinam lại tấp nập “vàng tặc” tứ xứ bởi giá vàng đang tăng liên tục. Họ biến đầu nguồn các dòng sông thành những bãi vàng lậu, sử dụng bừa bãi thủy ngân và tàn phá rừng.

Chị Francisca Hualla là thổ dân vùng cao nguyên Peru. Da mặt chị sạm nắng, ửng màu đồng. Hai bàn tay của chị nứt nẻ, sần sùi - hệ quả của những ngày lao động cực khổ. Chị mặc một chiếc áo len dài tay khoác bên ngoài chiếc áo sơ mi màu cháo lòng. Một tay chị nắm những hạt vàng thô gói trong giấy báo, tay kia giữ chặt một chiếc túi giả da màu đen quàng qua vai.

Chị bước vội đến chi nhánh của Công ty Inversur ở Huepetuhe, một trong những thị trấn mua bán vàng lậu lớn nhất Peru. Nhân viên công ty lịch sự mời chị ngồi ghế, uống Coca-Cola. Chị Hualla vốn là một khách hàng thân thiết của công ty này.
 
Một tháng kiếm được 30.000 USD
 
Chị Hualla cẩn thận mở gói giấy báo đựng cả gia tài của chị. Với vốn tiếng Anh ít ỏi, chị hỏi: “Tất cả giá bao nhiêu?”. Tiếng mẹ đẻ của chị là Quechu, một thổ ngữ của dân tộc Incas, nhưng ở đây chẳng ai biết.
 
Một nhân viên công ty xoay mặt chiếc laptop về phía Hualla để chị thấy rõ giá vàng trên sàn giao dịch London. Ngày hôm ấy, giá một gam vàng là 104 soles (1 sole = 6.982 đồng), thấp hơn nhiều so với bây giờ (ngày 15-9, giá vàng thế giới lập kỷ lục mới: 1.275 USD/ounce). Tay nhân viên thì thầm: “Tất cả nặng 865 g, quy ra tiền khoảng 30.000 USD”. Số tiền này là kết quả một tháng lao động nhọc nhằn nhưng đầy may mắn của Hualla.
 
Chị Hualla đào bới vàng sa khoáng ở đầu nguồn sông Madre de Dios từ 25 năm nay. Trong 3 năm qua, nhờ vàng tăng giá, chị kiếm được nhiều tiền hơn các năm trước; đồng thời, chị cũng góp phần không nhỏ tàn phá rừng đầu nguồn và gây ô nhiễm môi trường bằng độc chất thủy ngân.
 
Chị Hualla là một trong 3 vạn dân sống nhờ ngành khai thác vàng mà hầu hết là khai thác lậu ở bang Madre de Dios. Peru là nước sản xuất vàng đứng hàng thứ năm trên thế giới, trong đó, theo nguồn tin của chính phủ nước này, 40% là vàng khai thác lậu.

Năm ngoái, Chính phủ Peru đã ngưng cấp phép khai thác vàng nhằm ngăn chặn “vàng tặc” và nạn ô nhiễm môi trường do thủy ngân. Tuy nhiên, nỗ lực này đã không ngăn chặn được cơn sốt đào vàng lậu.
 
Nguyên nhân không có gì khó hiểu: USD và đồng euro mất giá. Nhiều loại trái phiếu chính phủ cũng không còn an toàn như lúc trước vì các nước công nghiệp phát triển mắc nợ như chúa chổm.
 
Tất cả dọn đường cho sự trở lại huy hoàng của vàng, một kênh đầu tư cổ xưa nhưng luôn tỏ ra hiệu quả tự cổ chí kim. Thật vậy, kể từ tháng 7-2007, khi tài chính toàn cầu bắt đầu rơi vào khủng hoảng, giá vàng đã tăng gấp đôi trong 2 năm qua và gấp ba trong vòng 5 năm qua.
 
Nhu cầu quý kim mạnh mẽ đã kích hoạt một cơn sốt đi tìm vàng mới ở Nam Mỹ. Hàng chục ngàn người săn vàng và những kẻ phiêu lưu đã tràn về các vùng có quặng vàng “pepitas”(vàng cục) nằm giữa vùng núi Andes và dòng sông Amazone hùng vĩ. Peru chính là nơi quy tụ nhiều quặng vàng nhất ở châu Mỹ Latin, nhất là mỏ vàng Yanacocha có hiệu quả khai thác thương mại cao nhất thế giới.
 
“Hàng nóng” và tham nhũng
 
Chính phủ Peru mất quyền kiểm soát ngành kinh doanh vàng từ lâu, theo tuần báo Đức Der Spiegel. Những cuộc xung đột thường giải quyết bằng “hàng nóng”. Nạn tham nhũng tràn lan. Bộ trưởng môi trường Peru, ông Antonio Brack Egg, than phiền: “Cảnh sát trưởng tỉnh Madre de Dios có hai máy xúc đất cho “vàng tặc” thuê, còn ông tỉnh trưởng có bãi vàng lậu riêng”.
 
Cứ vài tuần, ông Brack Egg rời khỏi văn phòng bộ ở thủ đô Lima, bay đến tỉnh lỵ Puerto Maldonado đàm phán với các nhà khai thác vàng. Ông năn nỉ họ hạn chế việc dùng thủy ngân để lấy vàng nhưng bất thành.
 
Chính phủ không còn cấp giấy phép khai thác vàng mới nhưng điều đó chẳng làm cho ai bận tâm. Họ cứ đào vàng như chẳng có chuyện gì xảy ra. Ông Brack Egg giải thích: “Sức mạnh đồng tiền ở đây quá dữ”.


Dùng thủy ngân phân kim bên bờ sông Madre de Dios. Ảnh: AFP


Dọc theo dòng sông Madre de Dios, mỗi năm, người ta khai thác được 18 tấn vàng, trị giá 600 triệu USD. Không phải tất cả đều là vàng khai thác hợp pháp. Các nhà khai thác vàng có phép thường mua lại vàng từ các bãi vàng lậu khai thác trong các khu rừng mưa nhiệt đới rồi khai báo là vàng của họ khai thác hợp pháp. Chính quyền rất khó xác định vàng nào là vàng lậu cho nên đành bó tay. Sau khi được hợp pháp hóa, vàng được phép xuất khẩu công khai.
 
Khách hàng mua vàng lớn nhất của Peru là các công ty Thụy Sĩ. Năm 2009, nước này đã xuất sang Thụy Sĩ khoảng 60% lượng vàng, trị giá 6,8 tỉ USD.
Pedro Solis, ông chủ Công ty Inversur, một trong những nhà kinh doanh vàng lớn nhất ở tỉnh Madre de Dios, cho biết: “Ngân hàng Thụy Sĩ đưa máy bay tư nhân đến đây chở vàng về thẳng Geneva, Thụy Sĩ”.

Nhân viên của Inversur mỗi ngày dùng xe tải nhỏ chạy từ làng này sang làng nọ mua lại vàng cục của những người đào vàng như chị Hualla. Trên xe có một đội ngũ bảo vệ hùng hậu trang bị súng ống tận răng để phòng ngừa cướp.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.