Vòng san hô nóng bỏng

13/03/2010 23:35 GMT+7

Trung Quốc và Nhật Bản đang tranh cãi dữ dội về một vùng biển có vị trí chiến lược ven Thái Bình Dương.

Vào năm 2007, giới chức Nhật Bản đã triển khai chương trình trồng san hô trên một vùng biển ở Thái Bình Dương, trong khu vực mà họ gọi là quần đảo Okinotorishima, cách thủ đô Tokyo 1.700 km về phía nam. Đây không đơn thuần là một chương trình vì mục đích sinh thái, môi trường, mà là nỗ lực nhằm củng cố yêu sách của nước này trong cuộc tranh cãi với Trung Quốc.

Okinotorishima

Tại một vùng mênh mông sóng nước ở biển Philippines thuộc Thái Bình Dương, nằm giữa Nhật Bản, Đài Loan, Philippines và đảo Guam, mọc lên một vòng san hô mà người Nhật Bản gọi là quần đảo Okinotorishima. Trong vùng này, có hai hòn nhỏ và một vòng đá san hô, với diện tích tổng cộng chừng 8 km2.

Okinotorishima có tên tiếng Tây Ban Nha là Parece Vela, mang nghĩa “vùng đất hình cánh buồm”, do một nhà hàng hải xứ bò tót đặt khi phát hiện ra vùng đảo kể trên vào thế kỷ 16. Từ đó đến đầu thế kỷ 20, Parece Vela nằm quên lãng giữa biển khơi. Đôi khi nó được nhắc tới khi một nhà hàng hải nào đó đi qua.

Đến thập niên 1920, tàu hải quân Nhật Bản bắt đầu thám hiểm vùng biển này. Vào năm 1931, khi xác định rằng không có quốc gia nào đòi hỏi chủ quyền đối với Parece Vela, Nhật Bản đã tuyên bố chủ quyền tại đây. Ban đầu, mục đích của việc tuyên bố chủ quyền liên quan tới hoạt động hải quân. Vòng san hô, lúc bấy giờ có năm hòn nhỏ nổi lên mặt nước, bao bọc một vùng lớn, tạo thành đầm nước khá lặng bên trong. Người Nhật Bản muốn sử dụng làm một căn cứ cho tàu bè. Vị trí của vùng đảo san hô này cũng rất chiến lược, như là một cửa ngõ mở về hướng nam Thái Bình Dương cho hải quân Nhật Bản trong thời kỳ mà tham vọng bành trướng đang ngày một trỗi dậy.


Okinotorishima nằm ở một vị trí chiến lược về phía đông Trung Quốc - Ảnh: wiki

Trong giai đoạn 1939 - 1941, Nhật Bản đã chuẩn bị các kế hoạch xây căn cứ trên vòng san hô này. Tuy nhiên, cuộc chiến Thái Bình Dương trong khuôn khổ Thế chiến 2 đã khiến Tokyo phải tạm ngừng kế hoạch.

Thất trận trong Thế chiến 2, Nhật Bản mất quần đảo Ogasawara - bao gồm cả Okinotorishima - về tay Mỹ. Mãi tới năm 1968, Mỹ mới trao trả lại vòng san hô mỏng manh trên lại cho xứ mặt trời.

Sự hồi phục kinh tế sau chiến tranh đã cho phép người Nhật Bản quan tâm hơn tới vùng biển đảo xa xôi này. Vào cuối thập niên 1970, họ bắt đầu đòi hỏi vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) cho Okinotorishima. Năm 1983, Nhật Bản ký vào Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), trong đó có quy định về điều kiện để hưởng EEZ. Dựa vào UNCLOS, Nhật Bản đã đòi EEZ rộng tới 400.000 km2 cho vòng san hô này từ thập niên 1990. Vào lúc bấy giờ, do sự xói mòn, từ năm hòn đá nổi ban đầu chỉ còn lại hai hòn. Nhật Bản đã gia cố bê tông, thép xung quanh hai hòn này để bảo vệ. Đây là một việc quan trọng đối với Tokyo. Họ muốn giữ “quần đảo” luôn ở trên mực nước biển trong mọi điều kiện thủy triều để được hưởng EEZ. Theo UNCLOS, chỉ có đảo mới được hưởng EEZ, các mỏm đá thì không. Đảo trong định nghĩa của UNCLOS là “một vùng đất được hình thành tự nhiên, xung quanh có nước bao bọc, luôn ở trên mực nước vào lúc thủy triều dâng…”. Còn các mỏm đá “không tự có điều kiện duy trì sự cư trú của con người và đời sống kinh tế của số người này thì  không có vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa”. 

Đây chính là mấu chốt của cuộc tranh cãi giữa Trung Quốc và Nhật Bản hiện nay, cũng như trong nhiều cuộc tranh cãi về EEZ và thềm lục địa khác.

Từ khi Nhật Bản tuyên bố chủ quyền hồi thập niên 1930, Trung Quốc hầu như không có ý kiến gì liên quan tới Okinotorishima. Nhưng đến năm 2004 thì tranh cãi bắt đầu ló dạng. Tại một cuộc họp song phương ở Bắc Kinh, phía Trung Quốc nói rằng họ không tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản đối với Okinotorishima, nhưng cũng không coi đây là quần đảo, mà chỉ là một bãi đá mà thôi. Đã là bãi đá thì Nhật Bản không được hưởng EEZ, theo phía Trung Quốc.

Cội nguồn tranh cãi

Nhật Bản coi Okinotorishima là đảo để được hưởng EEZ, mà cụ thể là được quyền khai thác các nguồn lợi kinh tế như khoáng sản, hải sản, dầu mỏ… Theo hãng tin BBC thì vùng biển xung quanh vòng san hô này có trữ lượng mangan, cobalt, lithium và dầu mỏ lớn. Một nguồn lợi kinh tế khổng lồ đang ẩn mình dưới biển sâu. Chính vì thế mà Nhật Bản đã tăng cường các biện pháp gia cố Okinotorishima, trong đó có việc xây kè và trồng san hô. Bằng mọi cách phải giữ một số mỏm của vòng san hô này nổi trên mặt nước biển khi triều dâng cũng như xây dựng các căn cứ cho con người tới. Cách đây chưa lâu, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua kế hoạch xây dựng cảnh biển tại đây. Họ cũng đã lên kế hoạch thăm dò để khai thác các nguồn lợi kinh tế trong khu vực.

Ông Yasuhiro Okanishi thuộc Ban Chính sách biển của Nhật Bản, nói: “Khi nước xuống, Okinotorishima rộng tới 1,8 km và dài 4,5 km, bờ biển dài tới 10 km. Đây là một đảo lớn”. Phía Nhật Bản cũng thắc mắc rằng tại sao lâu nay không nghe Trung Quốc nói gì mà bây giờ mới phản đối.

Tất nhiên, kinh tế không phải là nguồn lợi duy nhất trong việc tuyên bố EEZ của Nhật Bản. Họ còn có những đòi hỏi chiến lược khác, chẳng hạn như tạo vành đai ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc.

Chính vì thế, phía Trung Quốc muốn coi Okinotorishima chỉ là đá để chặn yêu sách về EEZ của Nhật Bản. Điều này liên quan tới vị trí chiến lược của vùng biển này.

Trong vài thập niên qua, Trung Quốc đã phát triển mạnh về kinh tế và quân sự. Cùng với sự lớn mạnh này thì nhu cầu lan tỏa ảnh hưởng ngày một lớn. Không chỉ là việc bành trướng quyền lực mềm bằng chính sách văn hóa, kinh tế, mở rộng hoạt động quân sự cũng là điều mà chính quyền Bắc Kinh luôn nhấn mạnh. Kể từ sau khi Liên Xô lụi tàn, vùng Thái Bình Dương dường như chỉ chứng kiến sự hoạt động độc tôn của hải quân Mỹ. Giờ đây, Trung Quốc đã đủ mạnh ở một chừng mực nào đấy, họ cần phải vươn ra Thái Bình Dương ở một tầm mức xa hơn. Nhưng cánh tay vươn ra biển lớn của họ luôn bị chặn lại. Trước mặt là Đài Loan, đảo lớn mà Trung Quốc coi là một tỉnh của họ nhưng hiện lại duy trì một chính sách khác và một hệ thống chính trị, quân sự khác, với sự ủng hộ của Mỹ. Nằm giữa Đài Loan và đảo Guam, một căn cứ quân sự khổng lồ ở Thái Bình Dương, bàn đạp cho các chiến dịch của Mỹ ven bờ tây của đại dương này, là Okinotorishima. Vòng san hô mong manh đóng vai trò như một gã hậu vệ khó chịu đứng chắn ngang đường một Trung Quốc đang cố lao về Thái Bình Dương. Đó chính là cội nguồn phát sinh tranh cãi.

Nếu Okinotorishima chỉ là mỏm đá, tức Nhật Bản chỉ hưởng chủ quyền với chính mỏm đá này thôi mà không được hưởng đặc quyền kinh tế đối với vùng biển xung quanh, khi đó, các hoạt động của hải quân Trung Quốc sẽ dễ dàng hơn, đặc biệt là các nỗ lực do thám bằng tàu ngầm hướng ra Thái Bình Dương, tiếp cận Guam và xa hơn nữa. Còn nếu Okinotorishima là đảo, có nghĩa là Nhật Bản có một vùng đặc quyền kinh tế rộng 400.000 km2, tức lớn hơn bản thân diện tích nước Nhật hiện nay. Khi đó, con đường hướng ra Thái Bình Dương của Trung Quốc theo ngả giữa Đài Loan và Philippines sẽ bị chặn bởi một lá khiên khổng lồ của Nhật Bản, vốn là đồng minh thân thiết của Mỹ. Các hoạt động hải quân và hàng hải của Trung Quốc lúc bấy giờ có thể bị cản trở bởi một vùng EEZ rộng 400.000 km2. Lâu nay, Bắc Kinh luôn yêu cầu tàu bè nước ngoài đi qua EEZ của họ phải xin phép nên họ sợ rằng Nhật Bản rồi đây cũng sẽ làm điều tương tự, theo BBC. Hãng tin này dẫn lời Giáo sư Matsushiro Horiguchi tại Đại học Waseda nhận định: “Trung Quốc cho rằng nếu Nhật Bản tuyên bố EEZ khu vực xung quanh Okinotorishima thì các hoạt động hải quân và tàu ngầm của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng”.

Nếu để Nhật Bản đòi EEZ cho Okinotorishima, Trung Quốc lúc bấy giờ sẽ như một gã khổng lồ nhưng chỉ đứng trong một khoảnh sân hẹp, biển lớn trước mặt bị bao vây đủ đường. Đó chính là nguyên nhân của việc Trung Quốc lên tiếng mới đây. Tranh cãi này chắc chắn sẽ còn kéo dài nữa, cùng với những tranh cãi khác về biển đảo giữa hai quốc gia này. 

Đỗ Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.