Vụ tiết lộ thông tin mật chấn động nước Anh

12/05/2007 21:20 GMT+7

Một cuộc nói chuyện sau cánh cửa đóng kín giữa Tổng thống Mỹ George W.Bush và Thủ tướng Anh Tony Blair vào năm 2004 đã bị tiết lộ. Vụ việc gây xôn xao dư luận này cuối cùng đã kết thúc bằng án tù đối với hai công dân Anh.

Tiết lộ thông tin mật

Tòa hình sự London giữa tuần này đã kết án 6 tháng tù giam đối với David Keogh và 3 tháng đối với Leo O'Connor. Đây là hai nhân vật liên quan đến vụ tiết lộ thông tin về cuộc nói chuyện giữa Thủ tướng Anh T.Blair và Tổng thống Mỹ G.Bush tại Phòng Bầu dục ở Washington DC vào tháng 4.2004. David Keogh, 50 tuổi, là một quan chức truyền thông của chính phủ còn Leo O'Connor, 44 tuổi, là trợ lý của một nhà làm luật. Phán quyết của tòa khẳng định Keogh và O'Connor đã phạm tội tiết lộ thông tin dẫn đến các tác động có hại chiếu theo Đạo luật về những bí mật chính thức. 

Điểm bắt đầu của vụ án là vào tháng 4.2004, thời điểm Mỹ và Anh đang căng sức trên chiến trường Iraq cũng như các mặt trận chống khủng bố. Theo Hãng tin BBC, trong chuyến thăm Mỹ, Thủ tướng Anh Blair đã có cuộc nói chuyện bí mật với Tổng thống Bush của nước chủ nhà vào ngày 16.4.2004 tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng. Phía Mỹ sau đó không công bố thông tin về cuộc nói chuyện này còn Chính phủ Anh thì liệt nó vào dạng "bí mật quốc gia". Có thể 30, 50 hoặc 100 năm nữa, thông tin sẽ được công bố, nhưng hiện giờ thì không. Ai tiết lộ là phạm luật và có thể ngồi tù đến 2 năm.

Thư ký phụ trách đối ngoại của ông Blair lúc bấy giờ là Matthew Rycroft đã thực hiện bản ghi chép cuộc nói chuyện ở Phòng Bầu dục và kèm thêm ghi chú: "tuyệt mật". Sau đó, tài liệu này được lưu giữ trong kho hồ sơ mật của Bộ Quốc phòng Anh. Lúc đó, David Keogh là một quan chức dân sự làm việc trong khu vực bảo mật bên dưới trụ sở bộ này. Vào tháng 5.2004, Keogh nhận được lệnh đem bản ghi chép của Matthew Rycroft đi photocopy để phát cho một nhóm quan chức đặc biệt và "sự cố" đã xảy ra.

Sau khi liếc qua tập tài liệu, Keogh thấy rằng mình phải có trách nhiệm công bố cho công chúng. Theo BBC, Keogh sau này kể rằng ông muốn thông tin trên có thể được thượng nghị sĩ John Kerry, lúc đó đang là ứng viên Tổng thống Mỹ, sử dụng. John Kerry, đại diện cho đảng Dân chủ, là người theo đường lối phản chiến và tập tài liệu này có thể giúp ông ta giành lợi thế đáng kể trong cuộc chạy đua với ông G.Bush. Sau một hồi cân nhắc, cuối cùng, Keogh quyết định chuyển tài liệu cho Leo O'Connor, một trợ lý của nhà lập pháp Công đảng Tony Clarke. Leo O'Connor sau đó đã trao tới tay ông Clarke.

Nghị sĩ Clarke là người từng bỏ phiếu chống việc Anh tham gia cuộc chiến tại Iraq. Vì thế, thật dễ hiểu khi Keogh và O'Connor đã chọn ông ta để "gửi vàng". Tuy nhiên, sau khi xem kỹ bộ hồ sơ mà cấp dưới trình lên, ngài Tony Clarke đã báo với cảnh sát. Thế là hai gã nhân viên nhiều chuyện phải hầu tòa.


Quân Mỹ tiến vào Fallujah trong Chiến dịch Vigilant Resolve năm 2004 - ảnh: Reuters

Tranh cãi quanh bản án

Cho đến thời điểm này, thông tin về cuộc nói chuyện giữa hai ông Bush - Blair vào ngày 16.4.2004 vẫn chưa chính thức được công bố. Vì thế, nếu có ai dại dột theo gót Keogh và O'Connor, người đó có thể phải nhận bản án tương tự. Tuy nhiên, đây là vấn đề gây tranh cãi.

Tòa án đã trừng phạt Keogh và O'Connor vì cho rằng hai người này tiết lộ thông tin mật đi ngược lại lợi ích của nước Anh. Tuy nhiên, cố vấn pháp luật của Keogh - ông Stuart Jeffrey - lại phát biểu với BBC rằng thông tin mà thân chủ mình tiết lộ hoàn toàn không có hại đối với nước Anh. "Chúng tôi đã tranh luận rằng không hề có thiệt hại nào đối với quyền lợi của nước Anh (nếu thông tin được tiết lộ). Bản ghi chú đó mang nội dung gây bối rối, chứ không hề gây tác hại nào đối với lợi ích quốc gia". Nghị sĩ Walton của xứ Liverpool thì nói thẳng thừng: "Ở đây chẳng có gì gọi là giữ bí mật vì an ninh quốc gia cả. Tất cả ở đây chỉ là bảo vệ danh tiếng cho Tổng thống Bush và có thể cả Thủ tướng Blair nữa".

Tức là theo những người ủng hộ Keogh và O'Connor, không nên xếp những thông tin trong bản ghi chép về cuộc nói chuyện giữa hai ông Bush và Blair vào loại bí mật quốc gia. Hơn thế, đó là loại thông tin nên công bố cho người dân biết, vì lợi ích










David Keogh (trái) và Leo O'Connor

chính đáng của người dân. Từ đó, một số nhà làm luật từng đề nghị đưa thêm điều khoản bảo vệ lợi ích công chúng vào Đạo luật về những bí mật chính thức.

Bất chấp những tranh cãi gay gắt nói trên, cuối cùng thì Keogh và O'Connor cũng đã bị xử kín và chịu sự trừng phạt theo luật pháp vì họ đã tiết lộ những thông tin không được phép tiết lộ. Vậy thực ra bản ghi chú đó chứa những gì?

Thông tin mật

Vào ngày 22.11.2005, Báo The Daily Mirror của Anh chạy ở trang nhất dòng tít lớn: Bush âm mưu ném bom một đồng minh Ả Rập và miêu tả khá chi tiết về cuộc nói chuyện giữa hai ông Bush và Blair mà họ khẳng định đã biết được thông qua bản ghi chú dài 5 trang do Matthew Rycroft thực hiện.

Theo The Daily Mirror, cuộc nói chuyện giữa hai nguyên thủ Anh - Mỹ diễn ra trong thời điểm thủy quân lục chiến Mỹ cùng lực lượng an ninh Iraq đang thực hiện Chiến dịch Quyết định thận trọng (Operation Vigilant Resolve) nhằm vào thành phố Fallujah của Iraq. Nhiều phóng viên Đài truyền hình al-Jazeera của Qatar đã có mặt tại đây để cung cấp các cảnh quay về cuộc chiến tàn khốc này. Ngay trước ngày Thủ tướng Anh gặp ông Bush tại Nhà Trắng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó là Donald Rumsfeld đã ta thán rằng các phóng sự của al-Jazeera về cuộc chiến Fallujah là "đầy hằn học, không chính xác và không thể tha thứ được". Đáp lại, đại diện al-Jazeera bảo vệ việc phát hình trực tiếp cảnh chết chóc của thường dân bằng lập luận: "Hình ảnh chẳng bao giờ biết nói dối cả".

Giữa lúc al-Jazeera dường như đang trở thành cái gai trong mắt người Mỹ thì ông Blair và ông Bush gặp nhau tại Nhà Trắng trong căn phòng đóng kín cửa. Báo The Daily Mirror sau này cho biết trong cuộc gặp đó, ông Bush đã đề cập đến khả năng cho máy bay ném bom vào tổng hành dinh của Đài al-Jazeera ở Doha, thủ đô của Qatar. Cũng theo báo này, lúc đó ông Blair đã can ông Bush.

Phát ngôn viên Nhà Trắng sau đó đã bác bỏ những thông tin của The Daily Mirror và một quan chức Lầu Năm Góc gọi bài báo này là "hoàn toàn ngớ ngẩn". Hãng tin BBC thì cho rằng có thể "âm mưu dội bom al-Jazeera" thực ra chỉ là một câu đùa của ông Bush với người bạn đến từ xứ sương mù. Tuy nhiên, theo tác giả Andreas Whittam Smith của Báo The Independent thì các bản ghi chú chính thức thường không ghi lại những câu đùa. Tiếp sau The Daily Mirror, đại diện một số tờ báo như The Spectator và Private Eye cũng lên tiếng rằng họ có thể công bố bản ghi chép nếu có được tài liệu này.

Trên thực tế thì đến nay, chưa có nguồn tin nào khẳng định tính xác thực của thông tin đăng trên tờ The Daily Mirror. Tuy nhiên, thông tin này lại trùng hợp với một số sự kiện xảy ra trước cuộc gặp Bush - Blair. Đó là việc một số cơ sở của al-Jazeera từng bị tấn công. Vào ngày 13.11.2001, một tên lửa của Mỹ đã rơi trúng văn phòng của đài này ở Kabul, Afghanistan. Không biết đây là một vụ bắn nhầm hay là hành động có chủ đích nhưng một thư ký tòa soạn của al-Jazeera là M.al-Ali lúc đó nói rằng ông đã thông báo tọa độ các cơ sở của đài này cho người Mỹ để tránh bị bắn nhầm.

Năm 2006, cựu Bộ trưởng Nội vụ Anh David Blunkett cũng tiết lộ ông từng đề nghị Thủ tướng Blair vào năm 2003 rằng hãy dội bom xuống văn phòng của al-Jazeera ở Baghdad, Iraq. Vào ngày 8.4.2003, một tên lửa của Mỹ lại bắn trúng văn phòng của đài này ở Baghdad khiến một phóng viên thiệt mạng và một người bị thương. Sau đó, cố vấn Lầu Năm Góc Frank Gaffney trong một phát biểu vào ngày 29.9.2003 đã kêu gọi hạ bệ al-Jazeera và al-Arabiya (có trụ sở tại UAE) "bằng cách này hay cách khác" bởi những đài này là "phương tiện truyền thông của kẻ thù".

Từ những sự kiện liên tiếp này, nhất là vào giữa lúc al-Jazeera bị phương Tây chỉ trích dữ dội, nhiều người liên tưởng rằng mạng lưới truyền hình này đã trở thành mục tiêu tấn công của Mỹ. Đây cũng là lý do khiến câu chuyện trên tờ The Daily Mirror được nhiều người tin tưởng dù nó đã bị chính Nhà Trắng phủ nhận.

Đỗ Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.