Tường thuật từ Hồng Kông: Trắng đêm sôi sục ở Mong Kok

06/10/2014 07:30 GMT+7

(TNO) “Tôi không sợ hãi thì không quan trọng lắm đâu. Điều quan trọng hơn là tất cả mọi người đều không sợ hãi”, So, sinh viên 21 tuổi, nói trước giờ tối hậu thư của chính quyền hết hạn vào 6.10, trong đó đe dọa sẽ “dùng mọi biện pháp để khôi phục trật tự”.

Sáng 6.10 đánh dấu cuộc biểu tình ở Hồng Kong đã bước qua ngày thứ 9. Trước đó, tối 4.10, Đặc khu trưởng Lương Chấn Anh cảnh báo chính quyền và cảnh sát quyết tâm dùng mọi biện pháp cần thiết để khôi phục trật tự xã hội để hôm nay, 6.10, chính quyền và người dân trở lại làm việc bình thường.

Đến 23 giờ 30 ngày 5.10, ở Mong Kok, tôi vẫn không thấy có dấu hiệu người biểu tình di chuyển khỏi vị trí của họ trên đường phố. Mặc dù số lượng người biểu tình tối chủ nhật không đông bằng tối thứ bảy nhưng những người bám trụ tỏ vẻ kiên quyết và không sợ hãi với các biện pháp đe dọa của chính quyền.

Người biểu tình tập trung trước tòa nhà làm việc của Đặc khu trưởng đêm 5.10 - Ảnh: Nguyễn Thành Trung 

Khoảng 22 giờ ngày 5.10, Tổng thư ký Tổng hội sinh viên Hồng Kong (HKFS) Alex Chow cho biết HKFS đang chuẩn bị để nối lại đàm phán với chính quyền sau khi đưa ra hai điều kiện: chính quyền phải hứa điều tra vụ tấn công người biểu tình vào ngày 3.10, và không được dùng vũ lực để trấn áp người biểu tình.

Chow cho biết Tổng hội sinh viên sẽ không nhường bước đối với yêu cầu đòi quyền công dân được đề cử ứng viên cho cuộc tổng tuyển cử đặc khu trưởng vào năm 2017 (civic nomination) và bãi bỏ khu vực bầu cử theo nghiệp đoàn (functional constituency) cho cuộc bầu cử lập pháp Hồng Kông. Hiện nay khu vực bầu cử theo nghiệp đoàn chiếm 35 trong tổng số 70 ghế trong Hội đồng lập pháp, vốn được cho thân Trung Quốc; 35 ghế còn lại được bầu cử theo khu vực địa lý (geographical constituency).

 

Cảnh sát ở khu Mong Kok - Ảnh: Nguyễn Thành Trung

Trong đêm 5.10, hơn 80 giáo sư và học giả từ 8 trường đại học hàng đầu ở Hồng Kông cùng ký tên vào bản đề nghị chính quyền phải đáp ứng yêu cầu của sinh viên với hành động cụ thể và tránh dùng bạo lực đối với người biểu tình. Trước đó, tối 4.10, Ủy ban hiệu trưởng các trường đại học ra thông báo yêu cầu sinh viên rời khỏi các khu vực biểu tình và đặt an toàn cá nhân lên trên, nhưng nhiều bạn trẻ nói rằng chính bạo lực khiến họ ở lại.

Hai sinh viên So và Ben, cùng 21 tuổi, khi được hỏi có sợ hãi khi biết Đặc khu trưởng ra cảnh báo sẽ dùng mọi biện pháp để lập lại trật tự vào đêm nay không, cả hai đều lắc đầu một cách dứt khoát.

 

So (trái) và Ben (phải) - Ảnh: Nguyễn Thành Trung

Hai sinh viên này cùng ở ngay tuyến đầu, đối diện với cảnh sát tại trước tòa nhà chính quyền. So từng bị cảnh sát xịt hơi cay vào ngày 28.9, nhưng So không lùi bước. So nói bạo lực sẽ chỉ làm họ mạnh mẽ hơn mà thôi. Hai bạn trẻ này cho biết đêm nay họ sẽ ngủ lại đây, ngay trên đường phố. So và Ben chỉ những người xung quanh: “Anh nhìn xem, chúng tôi không cô đơn đâu”.

Khi tôi nói cảm ơn các bạn, So siết chặt tay tôi và nói: “Việc tôi không biết sợ hãi thì không quan trọng lắm. Điều quan trọng hơn là tất cả mọi người đều không sợ hãi”. So và Ben cho biết họ sẽ vẫn tiếp tục ở tuyến đối đầu trực diện với cảnh sát vào tuần tới.

Tôi chứng kiến nhiều người vẫn kiên trì bám trụ ở khu vực Mong Kok. Sau hai ngày căng thẳng giữa những người biểu tình và những nguời phản đối biểu tình, tình hình tối 5.10 có vẻ êm dịu hơn khi cảnh sát xuất hiện dày đặc để ngăn chặn va chạm giữa hai nhóm này.

Ở khu Mong Kok, người biểu tình vẫn còn tập trung đông đúc (chụp lúc 23 giờ ngày 5.10) - Ảnh: Nguyễn Thành Trung

Cuộc kháng nghị trên đường phố mặc dù đang vào giai đoạn cuối nhưng có vẻ không kết thúc vào sáng 6.10 như cảnh báo của Đặc khu trưởng Lương Chấn Anh.

Cuộc đàm phán cải cách chính trị trên bàn thương lượng giữa Tổng hội sinh viên Hồng Kông (HKFS) và bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) nếu được nối lại sẽ không có nhiều dấu hiệu khả quan. Cuộc đàm phán không những kéo dài mà có thể không đem lại hiệu quả, bởi quyền quyết định công dân tự đề cử ứng viên cho cuộc tổng tuyển cử 2017 theo yêu cầu của Tổng hội sinh viên Hồng Kông lại không nằm trong tay những nhà lãnh đạo ở Hồng Kông, mà ở tận Bắc Kinh.

Nguyễn Thành Trung (từ Hồng Kông)

>> Công chức Hồng Kông trở lại làm việc khi biểu tình tạm lắng xuống
>> Chùm ảnh biểu tình ở Hồng Kông
>> Thứ sáu yên ắng của Hồng Kông
>> Người biểu tình Hồng Kông bất chấp đe dọa của Trưởng đặc khu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.