Tường trình của PV từ thảm họa sóng thần ở Indonesia: Cuộc sống đảo lộn vì thiếu xăng dầu

05/10/2018 08:00 GMT+7

Xăng dầu hết, nguồn nước dự trữ cũng đã cạn, điện vẫn bị cắt...; những khó khăn chồng chất khiến cuộc sống của cư dân Palu ngày đêm đảo lộn.

Hàng ngàn người còn lại muốn thoát khỏi Palu, nhưng cửa ngõ duy nhất là sân bay lại bị quá tải.
Ngoài những đổ nát, hoang tàn và tang thương ở Palu, hình ảnh ấn tượng khác với chúng tôi trong những ngày tác nghiệp ở nơi này là những cây xăng luôn kín người cả ngày lẫn đêm, cùng hàng xe hơi đậu dài vài cây số. Việc có được một lít xăng, dầu để vận hành các phương tiện giao thông thực sự quan trọng với người dân Palu. Ở Palu bây giờ, cư dân cần nhất chính là xăng dầu, kế đến mới là lương thực và nước uống. Nhưng từ trưa hôm qua 4.10, các cửa hàng xăng dầu đã cạn kiệt và thông báo tạm nghỉ, lại thêm những ngày sắp tới đầy gian khổ đến với người dân Palu.
[VIDEO] Hậu thảm họa kép Indonesia: Tranh đấu mưu sinh mỗi ngày
150.000 đồng/lít xăng
Các điểm đến du lịch ở Palu khá xa nhau, phương tiện di chuyển phổ thông nhất là xe máy và ô tô, nguồn xăng bị cắt đồng nghĩa với mọi việc trở nên đình trệ, tê liệt. Khi đến tác nghiệp tại Palu, chúng tôi tìm thuê xe máy và được báo với mức giá khủng khiếp, một ngày thuê xe 8 tiếng được “chém” đẹp với giá không tưởng là 3 triệu rupi (khoảng 4,5 triệu đồng), đắt hơn cả giá vé máy bay từ Jakarta đến Palu. Do chưa hiểu sự tình nên chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng lái xe không muốn đi những chỗ bị sóng thần nên hét đại giá cho khách từ chối. Nhưng khi được nghe giải thích mỗi lít xăng mua lẻ được bán với mức giá khủng từ 100.000 rupi/lít trở lên (khoảng 150.000 đồng) nhưng cũng không có để mua, mới thấy cuộc sống bình yên của người dân Palu đang thực sự bị xăng dầu… khủng bố.
Câu xăng dưới chân cầu Vàng bên bờ biển Talise

Trước khi gặp thảm họa kép động đất và sóng thần, giá xăng bình thường ở đây chỉ là 8.000 rupi/lít (khoảng 12.000 đồng), ngày 3.10 chúng tôi tham khảo ở các cây xăng thấy giá xăng tăng lên 10.000 rupi/lít, sáng 4.10 lên tới 18.000 rupi nhưng chỉ đến xế trưa là nguồn xăng đã hết. Cách người Palu mua xăng cũng rất đặc biệt, do nhu cầu quá cao, nên mọi người phải xếp hàng, cách xếp hàng là xâu bình đựng xăng của mình vào một sợi dây thừng dài, mắc ngoằn ngoèo từ cây xăng ra đến đường lộ, dài đến vài trăm mét. Nhân viên cây xăng lần lượt đổ đầy từng thùng 5 lít bán cho khách hàng. Ngoài cách mua xăng kỳ lạ ấy, tình hình an ninh ở cây xăng cũng chưa bao giờ có tiền lệ với đội hình cảnh sát, an ninh quân đội, súng ống lăm lăm, đeo mặt nạ, luôn túc trực, dàn xếp các vụ người mua xăng chen lấn, xô đẩy, tranh giành vị trí dẫn đến cãi vã nảy lửa chỉ vì ai cũng muốn mua cho được những lít xăng quý giá.
[VIDEO] Hậu thảm họa động đất, sóng thần Indonesia: Bệnh viên quá tải, nguy cơ nhiễm trùng cao
Theo ghi nhận của nhóm phóng viên Thanh Niên, cả Palu sau thảm họa sóng thần chỉ còn 4 cửa hàng xăng dầu hoạt động, nhưng cũng đã chấm dứt việc bán xăng từ trưa 4.10. Nói tới chuyện mua xăng, anh Marinos bảo với tôi: “Tôi và cậu con trai 10 tuổi phải thay phiên nhau đợi từ 6 giờ sáng đến 10 giờ tối mới mua được 2 bình tổng cộng 10 lít xăng. Có xăng thì mới lo các thứ ăn ở, đi lại thuận tiện để nhận hàng tiếp tế được, không thì chỉ có nước chết”. Việc xếp hàng mua xăng theo kiểu lạ đời này cũng được các cư dân Palu cho biết họ chưa từng thấy cảnh này, và trong quá khứ cũng chưa bao giờ làm điều tương tự.
Mua bán xăng trong sự giám sát an ninh của lực lượng quân đội và cảnh sát
Rủ nhau đi câu xăng
Là xứ biển đảo, dân Palu không lạ gì chuyện câu cá, nhưng câu xăng có lẽ là chuyện lần đầu tiên trong đời họ làm. Sau thảm họa sóng thần, nhiều cây xăng bị đổ sập, chính quyền sử dụng các xe bồn thu gom xăng dầu tập trung về những cây xăng còn khả năng sử dụng để phân phối cho người dân. Dưới các bồn xăng chôn sâu trong lòng đất, vẫn còn sót lại một lượng nhỏ, và chuyện câu xăng ra đời.
Hôm tác nghiệp dưới cây cầu dây văng ở bãi biển Talise - dân Palu gọi đây là cây cầu vàng bởi màu sơn của các nhịp sắt - ngay bên chân cầu là cây xăng đã đóng cửa, chúng tôi gặp nhóm thanh niên đang tranh thủ vét những giọt xăng còn lại trong bồn bằng cách cho nùi giẻ vào dây, cạy nắp bồn xăng và thòng xuống để thấm, sau đó kéo lên và vắt vào chai. Hỏi chuyện một thành viên trong nhóm câu xăng là Sayoga, anh bảo: “Nhóm mình ba người câu từ chiều đến giờ, vắt ra được hơn 2 lít, chắc dưới đó còn nữa nhưng vì mảnh giẻ nhỏ, lại thấm chậm nên rút được không nhiều”. Kể ra, 2 lít xăng ở thời điểm hiện tại thực là một giá trị lớn.
Nhìn ba thành viên trong nhóm Sayoga thả dây, ngồi chờ, rồi kéo lên chùm nùi giẻ, vắt ra từng giọt xăng, được mọi người nâng niu, trân trọng, ngẫm lại thật giống với câu nói quen gặp ở VN: “Yêu xe như con, quý xăng như máu”. Nhưng ở Palu bây giờ, xăng còn quý hơn cả máu bởi đằng sau những giọt xăng là cuộc sống của cả gia đình; mất nguồn xăng, mọi việc dần trở nên bế tắc.
Cuộc sống đảo lộn vì thiếu xăng dầu

Tình hình an ninh của Palu hiện tại đã ổn định hơn, không còn nghe nạn trộm cướp các cửa hàng. Khi đề cập đến chuyện cướp giật lương thực, người dân Palu có cái nhìn rất khoan dung, Ulet Putu, chủ cửa hàng điện thoại Telkom ở số 7 đường Kh. Ahmad Dahlan, chia sẻ: “Họ nghèo đói cùng cực rồi, trong khi lương thực còn ở đó, chẳng qua là mọi người chưa biết phân phối cho nhau. Chứ no đủ chẳng ai làm thế, không trách được họ”. Nói đến cuộc sống hiện tại, anh Putu cho biết thêm: “Thứ chúng tôi đang cần là có điện lại bình thường, có điểm cung cấp lương thực cụ thể, đều đặn, và an ninh đảm bảo tốt”.
Cuộc sống đời thường của người dân Palu vẫn chưa thể ổn định bởi thiếu thốn nhiều thứ. Điều kiện sống đang từng ngày khó khăn hơn, đơn cử chuyện mua nước uống phải chạy quanh Palu gần nửa giờ mới tìm được nơi bán, bà chủ tiệm cho hay nguồn dự trữ của cửa hàng cũng chỉ còn khoảng 50 chai nước suối loại 0,5 lít. Chúng tôi vẫn tiếp tục ở lại Palu để chia sẻ thêm những thông tin về thảm họa mà người dân đang phải đối mặt.
(từ Palu, Indonesia)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.