Vén màn bí mật cơ quan tình báo Hàn Quốc

07/09/2007 22:27 GMT+7

Cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc đang bị dư luận công kích khi giám đốc cơ quan này lộ diện trước công chúng trong vụ giải thoát con tin Hàn Quốc tại Afghanistan. Điều này làm người ta nhớ lại những "trang sử đen" của lực lượng tình báo nước này.

Quy tắc hành xử chính thức của Cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS) từng được gói gọn trong câu "làm việc trong bóng tối, hướng đến ánh sáng", có nghĩa là cơ quan trên phải thực hiện các nhiệm vụ bí mật vì lợi ích của quốc gia. Do đó, người dân Hàn Quốc hết sức ngỡ ngàng khi chứng kiến khuôn mặt của người đứng đầu NIS, Kim Man-bok, xuất hiện trước ống kính truyền hình trong nước lẫn ngoài nước, cho biết ông đã trực tiếp điều đình với Taliban để giành lấy tự do cho những con tin Hàn Quốc. Sự xuất hiện công khai của ông Kim lập tức gây nên làn sóng phản đối tại xứ sở nhân sâm. Báo Chosun Ilbo chỉ trích nặng nề: "Kim hành động như một tay nghiệp dư". Đây không phải là lần đầu tiên NIS bị công kích.

Sự việc động trời nhất xảy ra cách đây 2 năm, khi các công tố viên lần đầu tiên cho khám xét văn phòng của NIS trong lịch sử gần 45 năm của tổ chức tình báo này. NIS thú nhận vào đầu tháng 9.2005 đã từng tiến hành gắn bọ trái phép để theo dõi những nhân vật đứng đầu trong giới thương mại và chính khách dưới thời Tổng thống Kim Young-sam (1993 - 1998) và Tổng thống Kim Dae-jung (1998 - 2003). Vụ bê bối bị khui ra khi Đài truyền hình MBC đưa tin NIS đã bí mật thu âm lại cuộc nói chuyện giữa Hong Seok-hyun, Đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ, và Phó chủ tịch Công ty Samsung Lee Hak-soo. Trong cuộc nói chuyện điện thoại, 2 người đã thảo luận về chuyện các chính trị gia thuộc đảng Đại Dân Tộc (GNP) đã tung tiền hối lộ trong đợt bầu cử lịch sử vào năm 1997. Sau khi những đoạn băng trên được công bố, Hong phải từ chức đại sứ. Còn người chịu trách nhiệm chương trình nghe lén của NIS vào những năm 90, Kong Un-young, đã bị bắt và bóc lịch 18 tháng trong trại giam.

Chính quyền lúc đó đã bắt đầu mở rộng cuộc điều tra về chương trình nghe lén trên. Đầu tiên, NIS đã cố bẻ cong sự thật, chỉ thừa nhận cơ quan này có một đội ngũ phụ trách chuyện nghe lén vào trước thời gian diễn ra bầu cử năm 1997 và đã chấm dứt hoạt động vào năm 1998 khi ông Kim Dae-jung nhậm chức tổng thống. Sau khi giới truyền thông vào cuộc, NIS cuối cùng cũng thừa nhận chương trình trên đã được kéo dài cho đến đầu năm 2002 và tổ chức này có thể xâm nhập vào hầu hết các cuộc gọi qua điện thoại cố định hoặc di động. Kết quả là các cựu điệp viên Lim Dong-won cùng Loo Soo-il bị buộc tội đã theo dõi điện thoại di động của khoảng 1.800 chính khách, doanh nhân và nhà báo. Sau đó Loo đã treo cổ tự sát tại nhà riêng.

Không phải những vụ bê bối có bàn tay của NIS mới được biết đến gần đây. Theo Tạp chí Time, vào năm 2003 cựu Giám đốc NIS Lim Dong-won thú nhận cơ quan này đã giúp chuyển số tiền 200 triệu USD cho CHDCND Triều Tiên trước Hội nghị thượng đỉnh liên Triều vào tháng 6.2000. Từ năm 2001 đến 2002, một vài quan chức cấp cao NIS đã phải lãnh án tù vì tội nhận hối lộ từ giới kinh doanh. Trước đó, Giám đốc NIS Kwon Young-hae bị nghi ngờ đã bí mật rút ruột ngân sách NIS số tiền 155 triệu USD để làm nguồn tài chính cho chiến dịch vận động tranh cử tổng thống cho đảng Hàn Quốc Mới (NKP) trước đối thủ Kim Dae-jung vào giai đoạn 1995-1996. Năm 1979, Giám đốc NIS Jim Chae-gyu đã ám sát Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee và người đứng đầu Lực lượng an ninh tổng thống, Cha Chi-chol. Dưới thời Tổng thống Park Chung-hee, nhà trí thức Tsche Chong-kil đã bị phát hiện chết tại tổng hành dinh NIS vào năm 1973. Phía đặc vụ cho biết ông này đã nhảy từ lầu 7 tự sát sau khi thú nhận làm gián điệp cho CHDCND Triều Tiên.

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.