Vì sao Mỹ tung máy bay tấn công ‘Thần sấm II’ tuần tra Biển Đông?

28/04/2016 17:20 GMT+7

A-10C “Thần sấm II” tuần tra trên bãi cạn Scarborough ở Biển Đông gây nhiều bất ngờ vì đó là loại máy bay yểm trợ cận chiến chuyên tấn công xe tăng, thiết giáp kẻ thù. Ẩn sau đó là thông điệp Mỹ gửi Trung Quốc.

Tình hình Biển Đông thêm nóng với sự xuất hiện hồi tuần trước của máy bay A-10C Thunderbolt II (Thần sấm II) tuần tra gần bãi cạn Scarborough, vốn chỉ cách Philippines - nơi lính Mỹ đang đồn trú - chừng hơn 220 km. Trung Quốc đã chiếm đóng bãi cạn từ Philippines vào năm 2012.
Sau khi phát hiện tàu Trung Quốc lảng vảng thăm dò quanh bãi cạn Scarborough - động thái đáng ngờ cho thấy Trung Quốc có thể có ý đồ bồi đắp, xây dựng phi pháp trên bãi cạn như đã làm khắp Biển Đông những năm qua - Mỹ đã điều ngay 4 chiếc A-10C “Thần sấm II” bay tuần tra nhiều lần trên khu vực này.
Mới nhìn qua, rõ ràng A-10C “Thần sấm II” không hợp với nhiệm vụ tuần tra tí nào. Loại máy bay 2 động cơ được bọc thép “tận răng” này được đã được Mỹ sử dụng từ thời thập niên 70 của thế kỷ trước. Người ta thiết kế nó cho nhiệm vụ yểm trợ cận chiến, chuyên tấn công xe tăng, thiết giáp và các vị trí trên mặt đất khác để hỗ trợ bộ binh.
Ở bãi cạn Scarborough và các khu vực xung quanh chẳng có một mục tiêu nào như thế cho A-10C phát huy “sức mạnh sấm sét của mình”. Ngoài ra, các chuyên gia vũ khí nhận định A-10C “Thần sấm II” dễ lọt vào tầm ngắm của tên lửa đất đối không của kẻ thù so với các loại chiến đấu cơ khác quân đội Mỹ đang sử dụng.
A-10C “Thần sấm II” được thiết kế cho nhiệm vụ hỗ trợ cận chiến, diệt xe tăng và thiết giáp  AFP
Báo Washington Post ngày 27.4 cũng phân tích thêm một bất lợi khác: A-10C “Thần sấm II” không thể bay nhanh, bởi nó được thiết kế cho việc bay chậm và thấp để tăng độ chính xác khi tấn công các mục tiêu trên mặt đất. Tính ra, nó chậm chạp hơn rất nhiều so với hàng loạt chiến đấu cơ của đối thủ, chẳng hạn như J-11B của Trung Quốc, loại mà Trung Quốc đã tung ra để chặn máy bay do thám P-8 Poseidon của hải quân Mỹ hồi năm 2014.
Nhưng không phải vô cớ mà Mỹ tung A-10C “Thần sấm II” lên bầu trời trên Biển Đông. Nó vừa được đưa tới Philippines hồi tháng trước, trùng khớp với thời điểm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đến thăm Philippines với tuyên bố quân đội Mỹ sẽ luân phiên sử dụng 5 căn cứ quân sự của Philippines.
Tất nhiên, Mỹ không đem “Thần sấm” tới Biển Đông cho mục tiêu quần nhau trên không với các chiến đấu cơ Trung Quốc. Mỹ đã có ý định rõ ràng là sẽ dùng nó để bay gần khu vực bãi cạn Scarborough mà thể hiện cam kết tự do hàng không.
Đại tá Larry Card, một lãnh đạo thuộc Lực lượng không quân Thái Bình Dương (AFP) tuyên bố: “Nhiệm vụ của chúng tôi là đảm bảo tự do hàng không và hàng hải theo khuôn khổ luật pháp quốc tế. Điều này là cực kỳ quan trọng, kinh tế quốc tế lệ thuộc vào nó, tự do mậu dịch lệ thuộc vào khả năng lưu thông hàng hóa của chúng ta”.
Xe tăng Mỹ trong cuộc tập trận chung Balikatan với Philippines và Úc vừa qua Reuters
Còn phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines Damien Pickart nhấn mạnh đến khả năng của A-10C “Thần sấm II”: chuyên bay chậm, bay thấp và có thể “lảng vảng” lâu trong một khu vực - điều cần thiết cho nhiệm vụ “tăng cường nhận thức” mà Mỹ đang muốn gởi đến Trung Quốc.
Ông Pickart khẳng định dùng A-10C “thần sấm II" và loại trực trăng HH-60G Pave Hawk ở gần bãi cạn Scarborough hồi tuần trước “là một quyết định đúng đắn cả về mặt chiến lược lẫn kinh tế vì chúng đã được đưa tới Philippines sau cuộc tập trận Balikatan”. Diễn biến mà ông Pickart vừa nhắc tới là cuộc tập trận rầm rộ suốt 12 ngày (4-16.4 vừa qua), quy tụ đông đảo binh sĩ Philippines, Mỹ và Úc nhằm chống lại các hành động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.