Vòng kim cô hiến pháp của Nhật

05/02/2015 09:15 GMT+7

Thanh Niên độc quyền giới thiệu bài bình luận của chuyên gia Brahma Chellaney ( ảnh ) về nỗ lực tái diễn giải hiến pháp của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm mở rộng vai trò quân sự của Nhật.

Thanh Niên độc quyền giới thiệu bài bình luận của chuyên gia Brahma Chellaney (ảnh) về nỗ lực tái diễn giải hiến pháp của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm mở rộng vai trò quân sự của Nhật.

Độc nhất vô nhị
 
Ảnh: Project Syndicate
Thoạt nhìn, việc này có thể không gây ngạc nhiên. Xét cho cùng, hiến pháp phục vụ mục đích quan trọng: cho phép Nhật thoát khỏi tình trạng bị ngoại bang chiếm đóng và theo đuổi việc tái thiết và dân chủ hóa bằng cách bảo đảm nước này sẽ không tạo ra mối đe dọa quân sự trong tương lai. Nhưng hãy xem xét điều này: Đức đã sửa hàng chục lần bản hiến pháp được các nước Đồng minh phê chuẩn trong tình huống tương tự vào năm 1949.
Hơn nữa, trong khi hiến pháp Đức cho phép sử dụng vũ lực để tự vệ hoặc như một phần của thỏa thuận an ninh tập thể thì hiến pháp Nhật từ bỏ hoàn toàn và vĩnh viễn việc “đe dọa hoặc sử dụng vũ lực như một phương tiện giải quyết tranh chấp quốc tế”. Nhật là quốc gia duy nhất trên thế giới bị ràng buộc bởi những hạn chế đó và việc tiếp tục gắn bó với chúng là phi thực tế.
Đó là lý do Thủ tướng Nhật Shinzo Abe xem cải cách hiến pháp là ưu tiên hàng đầu. Sau khi củng cố quyền lực trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 12.2014, Thủ tướng Abe quyết tâm theo đuổi mục tiêu xây dựng nước Nhật mạnh hơn và đáng gờm hơn. Nỗ lực của Abe trong việc “bình thường hóa” vị thế chiến lược của Nhật bắt đầu bằng việc tái diễn giải Điều 9 hiến pháp, theo đó nước Nhật từ nay sẽ được phép tham gia hoạt động “phòng vệ tập thể”. Tuy nhiên, việc tái diễn giải hiến pháp vấp phải một số chống đối ở trong và ngoài nước.
Bất khả xâm phạm
Trong thực tế, tái diễn giải hiến pháp chỉ là một tí điều chỉnh: các lực lượng Nhật hiện có thể bảo vệ một tàu chiến Mỹ đang phòng thủ cho nước Nhật nhưng họ vẫn bị cấm phát động tấn công hoặc tham gia các chiến dịch quân sự đa phương. Xét đến việc LHQ công nhận quyền phòng vệ riêng lẻ hoặc tập thể là “quyền cố hữu” của các quốc gia có chủ quyền thì sự thay đổi trên lẽ ra không đáng gây tranh cãi. Thế nhưng, những chướng ngại lớn tiếp tục cản trở quá trình cải cách hiến pháp sâu rộng hơn. Sửa đổi hiến pháp đòi hỏi hội đủ đa số 2/3 trong cả Thượng lẫn Hạ viện cũng như đa số trong một cuộc trưng cầu dân ý, khiến hiến pháp Nhật trở thành một trong những hiến pháp khó sửa đổi nhất trên thế giới. Để hiện thực hóa tham vọng, ông Abe tìm cách giảm bớt yêu cầu xuống chỉ còn là đa số ủng hộ trong cả hai viện hoặc loại bỏ sự cần thiết tổ chức trưng cầu dân ý.
Thủ tướng Shinzo Abe mong muốn mở rộng vai trò quân sự của Nhật trong bối cảnh an ninh thế giới đối mặt với nhiều biến động - Ảnh: Bộ Quốc phòng Nhật
Thủ tướng Shinzo Abe mong muốn mở rộng vai trò quân sự của Nhật trong bối cảnh
an ninh thế giới đối mặt với nhiều biến động - Ảnh: Bộ Quốc phòng Nhật
Do người dân Nhật ngại sự thay đổi, nhiệm vụ của ông Abe sẽ không hề dễ dàng. Trong khi công dân của hầu hết các nền dân chủ xem hiến pháp là tác phẩm dở dang cần chỉnh sửa - chẳng hạn Ấn Độ sửa hiến pháp 99 lần từ năm 1950 - thì đa số người dân Nhật xem hiến pháp là bất khả xâm phạm. Do vậy, thay vì đảm bảo hiến pháp phản ánh sự phát triển xã hội, công nghệ, kinh tế và thậm chí cả về tư tưởng, họ sốt sắng giữ nguyên các điều khoản cụ thể của hiến pháp. Trước thái độ chống đối đó, một phiên bản sửa đổi thật sự Điều 9, thay vì chỉ tái diễn giải, có vẻ không khả thi.
Nhưng một yếu tố có thể thúc đẩy đáng kể nỗ lực của Abe. Sự hậu thuẫn rõ ràng của Mỹ đối với việc cải cách hiến pháp Nhật có thể trấn an nhiều người Nhật rằng việc sửa đổi Điều 9 hiến pháp sẽ không phá bỏ trật tự thời hậu chiến mà người Mỹ từng giúp thiết lập tại Nhật.
Động thái trên cũng sẽ phục vụ lợi ích an ninh của Mỹ. Một Nhật Bản tự tin và an ninh hơn sẽ có khả năng cản trở Trung Quốc chiếm ưu thế ở phía tây Thái Bình Dương, qua đó thúc đẩy các mục tiêu chính sách then chốt của chính phủ Mỹ về việc đảm bảo sự cân bằng ổn định quyền lực ở châu Á. Ngoài Nhật, không nước nào trong khu vực có thể đóng vai trò đối trọng đáng tin cậy so với Trung Quốc.
“Cân nhắc tuần tra biển Đông”
Hãng Reuters hôm qua đưa tin chính phủ Nhật sẽ cân nhắc việc thực hiện các cuộc tuần tra trên biển và trên không ở biển Đông để bảo vệ lợi ích chiến lược, một động thái nhiều khả năng sẽ gây thêm căng thẳng với Trung Quốc, nước đang tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực. “Tình hình tại biển Đông tác động đến lợi ích quốc gia của chúng tôi và chúng tôi nhận thức rằng cần phải cân nhắc cách ứng phó của mình”, Reuters dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Gen Nakatani tuyên bố với các phóng viên tại Tokyo ngày 3.2. Quan chức này cho biết thêm Tokyo hiện chưa có kế hoạch cụ thể cho các cuộc tuần tra ở biển Đông. Phát biểu của ông Natakani được đưa ra sau khi Tư lệnh Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ Robert Thomas tuyên bố Washington hoan nghênh Nhật mở rộng hoạt động tuần tra trên không đến biển Đông.
Trùng Quang
Danh Toại (chuyển ngữ)
© Project Syndicate
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.